Kinh tế xã hội hôm nay

Trắng đêm chạy đua xét nghiệm Covid-19

Cán bộ, nhân viên làm công tác xét nghiệm ngày đêm chạy đua với thời gian, trải qua cuộc đấu trí cam go, căng thẳng chống lại đại dịch Covid-19.

Cả tháng nay, các phòng của Viện Pasteur TPHCM sáng đèn xuyên đêm. Hàng nghìn mẫu bệnh phẩm được đóng gói trong thùng xốp giữ nhiệt, xếp hàng chờ đưa vào mã hóa để được tách chiết rồi đưa đi tìm virus corona. Để nhanh chóng có kết quả cho hàng nghìn người được rời khu cách ly, trở về cùng gia đình, tại đây ai cũng trong trạng thái căng mình để có thể đưa ra được những kết quả sớm nhất và chính xác. Mỗi mẫu bệnh phẩm đều được ghi chép, mã hóa, tách chiết, phân loại, bất hoạt virus…một cách tỉ mỉ, thận trọng, khẩn trương.

Tập trung cao độ trong phòng thí nghiệm bất hoạt virus Corona - Viện Pasteur TPHCM.

TS Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Cúm quốc gia - Viện Pasteur TPHCM cho biết, lượng mẫu bệnh phẩm chuyển về càng ngày càng nhiều, áp lực lớn đối với các nhân viên xét nghiệm. Viện Pasteur TPHCM đã có các kịch bản ứng phó đầy đủ tương ứng từ 1.000 hoặc 2.000 mẫu đến 5.000 mẫu…và sắp xếp nhân sự phù hợp để tăng ca làm việc. Hiện có 3 ca làm việc liên tục 24/24h, với sự tham gia cả từ khoa vi sinh miễn dịch và các khoa chuyên môn khác để kịp thời thực hiện 1.000-2.000 mẫu xét nghiệm mỗi ngày từ 22 tỉnh thành phía Nam chuyển đến. Đây đều là các chuyên gia, kỹ thuật viên “thiện xạ” nhất, được đào tạo bàn bản, làm trong môi trường nguy hiểm đòi phải tập trung cao độ, không để xảy ra sai sót.

“Yêu cầu cao nhất đầu tiên xét nghiệm là các ca nghi ngờ, phải làm ngay lập tức sau 3 tiếng đồng hồ để kịp thời cách ly các đối tượng tiếp xúc liên quan. Ưu tiên thứ 2 là những người sắp ra trại cách ly để họ về với cộng đồng”- TS Nguyễn Thanh Long cho biết.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn - Phó Khoa xét nghiệm sinh học lâm sàng Viện Pasteur TPHCM cho biết, ngay những ngày đầu, các cán bộ, nhân viên thực hiện công tác xét nghiệm đã phải chạy đua với thời gian để có được kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác nhất.

Nhớ lại thời điểm Covid -19 bắt đầu bùng phát tại các quốc gia ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Iran…hàng nghìn người từ nước ngoài về sân bay Tân Sơn Nhất. Ngày 15/3, Viện trưởng Viện Pasteur TPPHCM điều động cấp tốc nhân sự đi chi viện lấy mẫu xét nghiệm của tất cả các trường hợp nhập cảnh về từ vùng dịch. Mặc dù vào Chủ nhật nhưng sau hơn 1 giờ đồng hồ, ekip gồm 5 người đã sẵn sàng lên đường.

BS Tuấn cho biết, việc lấy mẫu cho người nước ngoài vô cùng khó khăn, nguy cơ phơi nhiễm rất lớn. Trung bình lấy mỗi mẫu bệnh phẩm mất hơn 1 phút, nhưng có những trường hợp hơn 10 -15 phút mà vẫn chưa thể lấy được. Một hành khánh Trung Quốc là kỷ niệm đáng nhớ của các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm trực tiếp tại sân bay, vì cứ hễ đưa que lấy dịch mũi là người này chuẩn bị hắt hơi trực diện vào nhân viên xét nghiệm.

Để có được những mẫu bệnh phẩm chuyển về phòng thí nghiệm tìm virus Corona, ngoài việc đến các khu cách ly, những nhân viên, kỹ thuật viên lấy mẫu xét nghiệm tại các địa phương còn phải ngày đêm gồng mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít đến tận nhà lấy mẫu bệnh phẩm của những người từ nước ngoài về từ 8/3 chưa khai báo y tế, để không bỏ sót một nguồn lây nhiễm nào. Đến nay, TPHCM đã lấy 3.728 mẫu xét nghiệm của người nhập cảnh từ ngày 8/3.

Cử nhân xét nghiệm Đoàn Văn Công, Trung tâm y tế quận Bình Thạnh cho biết, trong khi nhân sự ít, lấy mẫu bệnh phẩm với số lượng rất nhiều nhưng có một số đối tượng không chịu hợp tác, phải mất rất nhiều thời gian vận động.

“Chúng tôi chia làm 3 ca, mỗi ca sẽ có 4 người, 1 người ghi thông tin phiếu, 2 người lấy mẫu và 1 người phụ trách đóng gói. Mình đi lấy có thể tăng cường đến tận 10h đêm có khi chưa xong, có đợt trung bình lấy khoảng 200 mẫu/ngày”- cử nhân Đoàn Văn Công cho biết.

Liên tục những ngày qua, điện thoại BS Trương Thành Trung, Trưởng Phòng Y tế Quận 2 kết nối 24/24h. Kể từ khi ổ dịch ở quán bar Buddha được phát hiện, BS Trung phải trực điện thoại từ huy động lực lượng đến khử khuẩn, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm, kể cả tiếp nhận các cuộc gọi của cư dân, những thông tin về các ca liên quan.

BS Trung cho biết, khi có các ca bệnh trong 3 chung cư ở Quận 2 liên quan đến Buddha, mỗi ngày nhân viên y tế có thể lấy từ 400-500 mẫu xét nghiệm. Có những ngày phải lấy cả đêm, chỉ kịp nghỉ ngơi chốc lát rồi bắt tay ngay vào công việc, với mục tiêu nhanh chóng dập dịch. Trong khi các nhân viên xét chạy đua ráo riết để có mẫu bệnh phẩm nhanh nhất đưa đi xét nghiệm thì người dân lại luôn hối thúc kết quả, so sánh, than phiền về việc các block kia có kết quả sớm hơn block này…

“Rất mong kết quả xét nghiệm block âm tính để giải tỏa cho dân khỏi phản đối. Thực sự muốn giục cũng không được. Chúng tôi mỗi lần mặc đồ xét nghiệm vào không muốn cởi ra để đi ăn, làm công tác vệ sinh, thường xuyên nhịn ăn để làm cho xong vì có quá nhiều xét nghiệm gửi về”- BS Trung cho biết.

Cuộc chiến ngăn chặn virus SARS-CoV-2 vẫn đang hết sức cam go, nhưng vượt trên hết tất cả mọi khó khăn, nguy cơ lây nhiễm rình rập, mỗi nhân viên, kỹ thuật viên xét nghiệm cùng với các chiến sĩ áo trắng, là những chiến binh quả cảm, kiên cường trên mặt trận chống lại đại dịch Covid-19./.

Theo VOV

Mạng Y Tế
Nguồn: Kenh14 (http://kenh14.vn/trang-dem-chay-dua-xet-nghiem-covid-19-20200409064102049.chn)

Tin cùng nội dung

  • Ebola là gì? Các triệu chứng thường gặp? Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Ebola? Hướng dẫn xét nghiệm và chẩn đoán nhiễm virus Ebola.
  • Xét nghiệm dung nạp đường huyết, được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường týp 2, hoặc tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết, tình trạng có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường.
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Các xét nghiệm đông máu được sử dụng để chẩn đoán và đánh giá các vấn đề về chảy máu, và để theo dõi trên những người sử dụng warfarin hay các Thu*c chống đông máu khác.
  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY