Pháp luật hôm nay

Triệt phá đường dây làm bằng giả liên tỉnh, thu 1 tấn phôi bằng

Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với Lê Văn Hoàng (SN 1985) và Lê Hoàng Phi (SN 1996), là hai anh em ruột, trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận để điều tra làm rõ hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Qua khám xét khẩn cấp, Cơ quan CSĐT đã thu giữ khoảng 1 tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại, khoảng 1.200 con dấu bằng đồng của các trường đại học, cao đẳng, trên cả nước…

Qua công tác trinh sát, Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện có đường dây chuyên làm giả văn bằng tốt nghiệp của các trường đại học trên cả nước, từ TP.HCM chuyển ra Hà Nội tiêu thụ nên đã lập chuyên án đấu tranh, bắt giữ các đối tượng cầm đầu đường dây này. Cụ thể, vào đầu tháng 4/2019, tại khu vực cổng ký túc xá Mỹ Đình, đường Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Nam Từ Liêm đã tiến hành bắt giữ Tạ Quang Minh (SN 1994, trú tại phố Hàng Than, quận Ba Đình, Hà Nội) đang vận chuyển 1 bằng cử nhân nghi là giả của Trường đại học Thăng Long, chuẩn bị giao cho khách. Tại cơ quan công an, Tạ Quang Minh thừa nhận tham gia một đường dây liên tỉnh. Quá trình điều tra, cơ quan công an bước đầu xác định các đối tượng lập website, sau đó công khai đăng quảng cáo làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp và làm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, chứng chỉ các loại.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, ngày 15/4, Công an quận Nam Từ Liêm đã phát hiện, bắt giữ đối tượng cầm đầu đường dây là Lê Văn Hoàng, cùng với em trai là Lê Hoàng Phi. Tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lê Văn Hoàng tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM, cơ quan điều tra đã thu giữ khoảng một tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại, khoảng 1.200 con dấu bằng đồng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước nghi là giả và nhiều máy móc, công cụ, phương tiện phục vụ việc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tại cơ quan điều tra, Lê Văn Hoàng và Lê Hoàng Phi đã khai nhận hành vi phạm tội, cho biết mỗi bằng giả đối tượng thu về từ 3 - 5 triệu đồng. Theo lời khai của Hoàng, thông qua mạng xã hội, đối tượng thấy nhu cầu cần mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn nên đã nảy ý định kiếm tiền bất chính bằng cách lập ra đường dây sản xuất, kết nối, mua bán bằng giả. Hoàng đã lên mạng nghiên cứu rất kỹ cách thức và mua các loại phôi bằng, con dấu cùng các công cụ, máy móc phục vụ việc với giá khoảng hơn 100 triệu đồng. Các văn bằng, chứng chỉ giả được nhóm của Hoàng tổ chức sản xuất tại địa bàn TP.HCM, sau đó vận chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Chỉ trong khoảng 1 năm hoạt động, đường dây của Hoàng đã sản xuất hàng nghìn tấm bằng giả các loại của nhiều trường đại học, cao đẳng, thu lời bất chính với số tiền rất lớn.

Hai anh em Lê Văn Hoàng và Lê Hoàng Phi hiện đang bị tạm giam để điều tra.

Liên quan đến thực trạng sản xuất và sử dụng bằng giả, theo Luật sư Nguyễn Tiến Thủy - Văn phòng Luật sư Việt Lý (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, lẽ thường là có cầu ắt sẽ có cung. Ngay cả chuyện bằng giả, có người cần ắt có người bán mặc dù pháp luật cấm. Gần đây cơ quan chức năng đã đưa ra ánh sáng nhiều đường dây làm và cung cấp bằng giả, xử lý hành chính nhiều cán bộ, công chức dùng bằng giả. Tuy nhiên, việc xử lý hình sự vẫn chỉ nhằm vào người cung cấp bằng giả. Xử lý hình sự người cung cấp là đúng nhưng không xử lý hình sự người sử dụng thì chẳng khác nào chỉ xử lý phần ngọn của vấn đề.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 267 Bộ luật Hình sự “người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Như vậy, tội làm giả con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức không chỉ nhằm trừng phạt, răn đe những người làm giả cung cấp con dấu, tài liệu giấy tờ mà xử lý hình sự cả những người sử dụng con dấu, tài liệu giấy tờ làm giả để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Quy định của pháp luật khá rõ ràng như vậy nhưng nhiều vụ việc mới chỉ đưa những người trực tiếp cung cấp làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ giả ra xử lý hình sự mà chưa xử lý hình sự những người sử dụng bằng giả.

Luật sư Nguyễn Tiến Thủy cũng phân tích, thực ra, những người sử dụng mới là người chủ động yêu cầu, người biết được lợi ích của bản thân, thiệt hại cho xã hội trong việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó. Nếu chỉ xử lý nghiêm những người cung cấp, làm giả mà không xử lý những người sử dụng thì chưa xử lý được gốc rễ vấn đề. Nếu xét về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì hành vi làm giả với hành vi sử dụng giấy tờ giả không khác nhau, thậm chí có trường hợp sử dụng bằng giả còn nghiêm trọng hơn làm ra bằng giả. Do vậy, nếu một người dùng bằng giả để lừa dối cơ quan, tổ chức và trên thực tế đã lừa được, do dùng bằng giả mà từ một cán bộ bình thường được bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan, tổ chức thì phải xử lý hình sự.

Thế Vinh

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/triet-pha-duong-day-lam-bang-gia-lien-tinh-thu-1-tan-phoi-bang-n156934.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY