Chiều 7/5, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 họp trực tuyến cùng 63 tỉnh thành phố. Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá đợt dịch thứ 4 lần này diễn biến phức tạp hơn các đợt dịch trước.
Đầu tiên là có nhiều ổ dịch bùng phát cùng lúc. Như ổ dịch Hà Nam xuất phát từ "bệnh nhân 2899", ổ Yên Bái - Vĩnh Phúc từ nhóm chuyên gia Ấn Độ, Trung Quốc, đều dương tính sau khi hoàn thành cách ly tập trung, đang trong thời gian theo dõi tại nơi cư trú. Cụm dịch ở Đà Nẵng, cụm ở Hải Dương đã xác định được một số ca lây từ các ổ trên, nhưng có nhóm các ca khác chưa rõ nguồn.
Đặc biệt, ổ Covid-19 ở Bệnh viện K đã xác định được là do lây từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tuy nhiên, các ca dương tính ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xuất phát từ đâu thì đến nay ngành y tế vẫn chưa tìm ra.
"trong cộng đồng rất có thể đã tồn tại sẵn mầm bệnh rồi", ông đam nhận định.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh nguy cơ lây nhiễm do nhập cảnh từ nước ngoài (hợp pháp và trái phép) đang rất cao và nóng bỏng.
Cơ quan chức năng phong tỏa quán bún cá ở khu ăn uống Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP HCM liên quan đến ca tái dương tính. Ảnh: Hữu Khoa.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định "đợt dịch lần này ở mức báo động cao vì đa nguồn lây, đa chủng virus, lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát". Thời gian tới việc kiểm soát dịch sẽ khó khăn hơn và có thể sẽ xuất hiện thêm ổ dịch mới, nguồn lây mới.
"Xét nghiệm sàng lọc diện rộng là cách duy nhất để phát hiện dịch bệnh, không còn lối đi nào khác", Bộ trưởng nói.
Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng 8 loại sinh phẩm sản xuất nội địa, 26 loại nhập khẩu, đủ phục vụ nhu cầu xét nghiệm nCoV của cả nước. Ông khẳng định phương pháp test nhanh bằng kháng nguyên có độ đặc hiệu, tính chính xác gần tương đương phương pháp xét nghiệm khẳng định là RT-PCR. Do đó, các địa phương phải sử dụng rộng rãi loại test nhanh này, để đẩy nhanh tốc độ tầm soát, phát hiện và khoanh vùng dịch sớm, song song với làm xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR.
Phó thủ tướng Đam phê bình 15 địa phương chưa có phòng xét nghiệm hoặc chưa trang bị máy RT - PCR, gồm Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Bến Tre, Lai Châu, Quảng Trị, Bình Định, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Ông yêu cầu các địa phương này phải tự túc, chủ động trang bị theo phương châm "bốn tại chỗ", không trông chờ vào Bộ Y tế.
Bộ trưởng Long cũng nhắc lại nhiều lần yêu cầu các địa phương phải tự coi "xét nghiệm là điểm yếu của mình". Từ đó tự nâng cao năng lực xét nghiệm, chủ động mở rộng phạm vi xét nghiệm tầm soát, nhất là đối với nhân viên y tế các khu chạy thận, cấp cứu, phòng khám, khoa hồi sức tích cực...
Từ bài học ở bệnh viện Đà Nẵng, Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ông Long cho rằng nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện trung ương cao hơn địa phương. Các bệnh viện tuyến cuối phải tăng cường bảo vệ các khu vực trọng yếu, có bệnh nhân nặng, có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời hạn chế cả người đến khám vượt tuyến và người đến thăm bệnh.
"Đây không phải là lúc truy trách nhiệm. Chuỗi lây nhiễm ở các bệnh viện một phần có rủi ro nghề nghiệp, có yếu tố khách quan nhưng cũng bởi bệnh viện làm không nghiêm. Đến cuối cùng chính ngành y tế, bệnh viện phải gánh vác nặng nề nhất", ông Đam nhấn mạnh.
Ông Đam yêu cầu tất cả địa phương phải hết sức cảnh giác, không được lơ là, vì "dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không tránh ai". Lãnh đạo địa phương phải thiết lập mới, nếu chưa có, hoặc khởi động lại toàn bộ hệ thống phản ứng nhanh phòng chống dịch, tại tất cả các cấp, nhất là toàn bộ Tổ Covid-19 cộng đồng.
10 ngày qua, kể từ ca dương tính đầu tiên ghi nhận tại Hà Nam, "bệnh nhân 2899", từ ngày 29/4 đến nay, dịch bệnh đã lan rộng 15 tỉnh thành với 121 ca nhiễm. Trong đó Hà Nội 47 ca, Vĩnh Phúc 25, Hà Nam 14, Bắc Ninh 12, Thái Bình, Đà Nẵng mỗi nơi 5 ca, Hưng Yên 4, Hải Dương 2, Yên Bái, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, TP HCM mỗi nơi một ca.