Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) công bố hôm 24/2, hy vọng thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 20 đến 25 tình nguyện viên khỏe mạnh vào cuối tháng 4. Theo Giám đốc NIAID, tiến sĩ Anthony Fauci, các nhà khoa học sẽ xem xét về độ an toàn, hiệu quả tạo ra phản ứng miễn dịch cùng khả năng bảo vệ chống nhiễm trùng của vaccine. Kết quả sơ bộ dự kiến có trong tháng 7 hoặc tháng 8.
Thời gian từ giai đoạn điều chế vaccine đến thử nghiệm trên người là 3 tháng, nhanh hơn nhiều so với quá trình tìm vaccine dịch SARS, cũng do một chủng của virus corona gây ra. Năm 2002, các nhà khoa học Trung Quốc đã mất tới 20 tháng để thử nghiệm vaccine SARS ở người.
Các nhà nghiên cứu của hãng Moderna Therapeutics đang chạy đua thử nghiệm vaccine. Ảnh: WSJ |
"Bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một sau ba tháng có được trình tự gene của virus là thời gian ngắn kỷ lục. Chưa nghiên cứu nào từng diễn ra nhanh như thế trước đây", tiến sĩ Fauci nhận định.
Giới chức y tế cho biết những tiến bộ trong công nghệ nghiên cứu vaccine đã rút ngắn thời gian điều chế khi dịch bệnh xảy ra. Các nhà nghiên cứu từng chạy đua tìm vaccine để ngăn ngừa dịch SARS, Ebola và ZIKA với kết quả không nhất quán. Các loại vaccine truyền thống được phát triển từ protein virus, phải nuôi cấy trong trứng hoặc tế bào. Quá trình thử nghiệm trên động vật cũng rất phức tạp, phải mất nhiều năm vaccine mới sử dụng được ở người.
Phương pháp mới dựa trên công nghệ nền tảng với các thành phần được tinh chỉnh nhanh chóng phù hợp thông tin di truyền của các chủng bệnh mới.
"Bạn không bao giờ biết trước điều gì xảy ra cho tới khi kết thúc. Thử nghiệm là để sàng lọc những thứ hiệu quả và những thứ không. Vậy nên quan trọng là thực hiện chúng nhiều nhất có thể, bởi không phải loại vaccine nào cũng vượt qua tất cả các giai đoạn", Fauci nói.
Chưa rõ liệu vaccine của Moderna có hiệu quả hay không. Đến nay các loại vaccine dựa trên kỹ thuật di truyền chưa từng được sử dụng ở người. Dù các nghiên cứu đầu tiên cho kết quả khả quan, có thể tới năm sau vaccine cho virus corona mới được phân phối.
Nhưng các cơ quan y tế vẫn mạnh dạn đặt cược vào công nghệ này, đặc biệt là khi bệnh dịch bùng phát ngày một rộng hơn và nhanh chóng. Đầu tháng 1, Trung Quốc ghi nhận các trường hợp dương tính nCoV đầu tiên khi khái niệm về Covid-19 vẫn còn mờ nhạt. Đến nay bệnh đã lan rộng ra 48 quốc gia và vùng lãnh thổ, ảnh hưởng đến hơn 82.000 người và làm hơn 2.800 bệnh nhân Tu vong.
Khu vực điều chế vaccine tại phòng thí nghiệm của Moderna. Ảnh: WSJ |
Tiến sĩ Fauci nhận định virus có thể sẽ suy yếu vào những tháng ấm hơn nhưng bùng phát trở lại vào năm sau khi trời lạnh, trở thành dạng bệnh theo mùa như cảm cúm. Vì vậy vẫn cần có vaccine dù chưa thể lập tức phân phối rộng rãi.
"Cách duy nhất để ngăn chặn một loại bệnh truyền nhiễm là tiêm vaccine. Muốn làm điều này một cách nhanh chóng, cần sử dụng các công nghệ chưa có trước đây", ông nói.
Vaccine mới sẽ được thử nghiệm tại đơn vị lâm sàng của NIAID. Nếu thành công, các nhà khoa học sẽ tiến đến giai đoạn thứ hai với sự tham gia của hàng trăm tình nguyện viên. Quá trình kéo dài 6 đến 8 tháng. Thử nghiệm dự kiến được tiến hành tại Mỹ, Trung Quốc hoặc các khu vực virus lây lan nhanh chóng để đánh giá vaccine có làm giảm tỷ lệ nhiễm bệnh hay không.
Chủ đề liên quan:
Covid 19 đầu tiên nCoV nghiệm thử nghiệm thử nghiệm trên người vaccine viêm phổi vũ hán virus corona