Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy thời gian ủ bệnh trung bình của virus corona là khoảng 5,2 ngày và số ca nhiễm mới đã tăng gấp đôi sau mỗi 7,4 ngày.
Theo AFP, nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM). Nhóm nghiên cứu cho biết kết luận này được phân tích từ dữ liệu y tế của 10 bệnh nhân. Trước đó, nghiên cứu gần nhất được đưa ra vào ngày 27/1 cho thấy thời gian ủ bệnh dao động từ 2-10 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, khó thở và suy hô hấp cấp tính.
Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi 425 bệnh nhân đầu tiên nhiễm virus corona để thiết lập 2 đặc điểm cơ bản khác nhau của đợt bùng phát.
Họ cũng ước tính mỗi người nhiễm sau đó đã lây cho trung bình 2,2 người khác. Mặc dù thừa nhận ước tính này "không chính xác" với từng bệnh nhân, các chuyên gia cho rằng phát hiện mới sẽ hỗ trợ thời gian quan sát y tế trong 14 ngày cho những người đã tiếp xúc với mầm bệnh. Con số này không dự đoán được dịch bệnh cuối cùng sẽ lớn đến mức nào, nhưng nó cũng là biện pháp hữu ích cho các nhà khoa học.
Trong trường hợp này, tỷ lệ lây nhiễm của nó ít hơn nhiều so với bệnh sởi (một người lây nhiễm cho 12 người) và dịch SARS (1 người lây cho 3 người trong năm 2002-2003). Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện sự lây nhiễm từ người sang người đã xảy ra giữa những người tiếp xúc gần gũi với nhau từ giữa tháng 12/2019. Ngoài ra, trong số 425 bệnh nhân đầu tiên, có 50% là bệnh nhân trên 60 tuổi và không có ai dưới 15 tuổi.
Liên quan tới dịch virus corona đang bùng phát nhanh chóng, nhiều người chia sẻ rộng rãi trên tài khoản Facebook cách đeo khẩu trang y tế ngược có thể chặn được virus corona. Theo đó, các tài khoản này chia sẻ rằng, người dân hãy đeo lớp màu ra ngoài nếu đang bệnh và không muốn phát tán vi trùng ra xung quanh. Cách tiếp theo là có thể đeo lớp trắng ra ngoài (đây là lớp lọc) nếu không bị bệnh và muốn ngăn ngừa vi trùng.
Cách đeo khẩu trang "đúng cách" trên không chỉ được chia sẻ tại Việt Nam. Nhiều quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng có người dùng mạng xã hội chia sẻ tin này. Đến nỗi trang Medical Mythbuster Malaysia, chuyên giải mã các tin đồn, tin giả về y tế đã khẳng định thông tin đeo mặt trong của khẩu trang là sai cách.
Theo các nhà nghiên cứu, khẩu trang y tế chỉ sử dụng 1 lần rồi vứt vào thùng rác an toàn, có nắp đậy. Không tái sử dụng khẩu trang dùng một lần.
Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong. Mặt màu trắng có tính hút ẩm, nên quay vào trong để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang.
"Thực tế, lớp bên ngoài là kháng nước hoặc là lớp chống thấm trong khi lớp bên trong để hút nước bởi không khí chúng ta thở ra có chứa độ ẩm. Bên cạnh đó, lớp màu trắng bên trong còn có thể lọc vi khuẩn. Chức năng của lớp màu xanh là ngăn vi trùng bám vào. Nếu đeo khẩu trang theo cách khác, hơi ẩm từ không khí sẽ bám vào nó, khiến vi trùng ở đó dễ dàng hơn", Medical Mythbuster Malaysia viết.
Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng. Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm vi rút và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.
Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Rửa tay với xà phòng và nước sạch ngay sau khi vứt bỏ khẩu trang.
Chủ đề liên quan:
corona đeo khẩu trang đeo khẩu trang y tế dịch bệnh corona từ Vũ Hán Trung Quốc dịch cúm dịch viêm phổi cấp khẩu trang khẩu trang y tế virus corona y tế