Chồng bà, 72 tuổi, cũng trong tình trạng nặng và chuyển tới khoa cấp cứu bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương điều trị cùng bà. hai vợ chồng ngụ ở xã liên ninh, huyện thanh trì, hà nội, phát hiện mắc covid-19 ngày 26/7.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, ngày 16/8 kể lại câu chuyện này, lặng đi một chút, nói: "Tôi nể phục tình cảm của họ, rồi nhớ về gia đình mình, nhiều gia đình bệnh nhân nặng khác"...
Hai vợ chồng được bệnh viện đa khoa hà đông chuyển đến khoa cấp cứu bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng nặng, phải thở oxy. sau một thời gian hỗ trợ thở oxy không xâm nhập, tình trạng của ông bà đều xấu đi. người vợ bị tổn thương phổi rất nhiều, được bác sĩ can thiệp thở máy vào chiều 6/8. quá trình đặt ống máy thở cần rất nhiều thao tác, phải sử dụng Thu*c an thần, vì vậy trước khi thực hiện thủ thuật, một điều dưỡng nhận nhiệm vụ giải thích cho bà về cách thức và mục đích đặt máy thở.
Bác sĩ Thiệu vẫn nhớ rất rõ khi ấy người phụ nữ rất chăm chú lắng nghe điều dưỡng thông báo, sau đó hỏi sức khỏe chồng, biết ông cũng trong tình trạng nặng, bà nói: "Xin bác sĩ cho chồng tôi thở máy. Tôi không cần, tôi vẫn khỏe, tôi không cảm thấy khó thở".
Bác sĩ Thiệu nói rằng thực tế mỗi bệnh nhân có vấn đề bệnh lý khác nhau, chỉ định điều trị cũng khác nhau. Ví dụ, lúc này, tình trạng của người chồng nhẹ hơn vợ, chưa cần phải thở máy.
"Bà cho rằng bệnh viện đang quá tải, thiếu thốn nhiều, bệnh nhân cần thở máy thì phải xếp hàng, chờ các bệnh nhân khác chuyển đi thì mới đến lượt, nên bà muốn nhường máy thở lại cho ông", bác sĩ Thiệu chia sẻ.
Vì vậy, anh chỉ cho bà nhìn về góc phòng đang đặt các máy thở, khẳng định "bệnh viện không thiếu máy thở điều trị". Lúc đó, bà mới an tâm để bác sĩ đặt máy thở cho mình.
Bác sĩ Lê Văn Thiệu chăm sóc cho người vợ, 71 tuổi, ngày 14/8. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Vài ngày sau, bệnh của người chồng cũng trở nặng, phải thở máy. Ông đáp ứng điều trị tốt hơn, thời gian thở máy ngắn và được cai máy thở sớm hơn vợ nửa ngày. Thấy vợ chưa khỏe lại, ông rất lo lắng, cứ nhổm dậy để nhìn tìm vợ. Bác sĩ giải thích vợ ông đã vượt qua giai đoạn nguy hiểm nhất, đang hồi phục, ông mới an tâm.
Điều dưỡng hỏi "muốn nói gì với vợ", ông mượn một tờ giấy A4 và chiếc bút để viết vài dòng gửi sang giường vợ: "Cưới nhau chưa giúp nhau được cái gì, có thể là người ở người đi, ai là người ở lại sẽ có trách nhiệm. Em ơi cố lên!".
Ông phải viết ra giấy do cổ họng chưa phục hồi sau nhiều ngày đặt ống thở, nói chuyện rất khó khăn. Bức thư được điều dưỡng mang sang đọc cho người vợ nghe ngay sau khi ông viết xong, mặc dù lúc ấy bà chưa tỉnh lại.
"Tôi thấy bà chảy nước mắt dù chưa tỉnh lại, mọi người đều cảm nhận được người vợ đã có ý thức", bác sĩ Thiệu kể. "Chúng tôi đã chứng kiến cả quá trình và tình cảm của ông bà dành cho nhau, đến khi bà rơi nước mắt, cảm xúc của mọi người vỡ òa".
Hiện, hai vợ chồng bệnh nhân tiếp tục điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, đều được hỗ trợ thở oxy kính. Người vợ vẫn còn loạn thần do thời gian dùng Thu*c an thần kéo dài, bác sĩ dự đoán có thể hồi phục trong một vài ngày tới. Người chồng tập thở hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, nghỉ ngơi, thả lỏng, hạn chế nói chuyện để có đủ oxy cho cơ thể hồi phục.
Hai ông bà hiện vẫn chưa nói chuyện được.
Theo bác sĩ thiệu, khoa cấp cứu tiếp nhận và điều trị bệnh nhân covid-19 nặng, thời gian chăm sóc bệnh nhân dài. vì vậy, khi tình trạng người bệnh cải thiện dù ít ỏi, y bác sĩ cũng cảm thấy vui mừng.
"Chỉ cần bệnh nhân tiến triển tốt là chúng tôi rất vui rồi. Khi bệnh nhân được xuất viện về nhà, bác sĩ coi đó là thành công lớn", bác sĩ Thiệu nói.
Các bệnh viện đang lâm vào cảnh thiếu trang thiết bị y tế và phòng hộ khi ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày. Để hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, các cá nhân và doanh nghiệp có thể đồng hành cùng chương trình "Tiếp sức cho tâm dịch". Xem chi tiết tại đây.
Chủ đề liên quan:
bệnh nhân COVID-19 bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương điều trị covid-19 khám chữa bệnh Nhật ký Phòng chống COVID-19 tuyến đầu chống dịch