Tâm sự hôm nay

Xanh, xanh ngát Trường Sa

Hình ảnh quen thuộc của Trường Sa như một thôn, xóm nào rất bình yên trong đất liền chứ không phải xung quanh rầm rì biển cả.

Sau 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, quân và dân Trường Sa đoàn kết, khắc phục khó khăn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng huyện đảo giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh; Không ngừng nâng cao năng lực, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Sắc xanh đảo quê hương

Ở Trường Sa, quanh năm bốn bề sóng gió, thời tiết vô cùng khắc nghiệt nhưng với sự nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, quân và dân đã mang đến màu xanh cho nhiều điểm đảo... Không còn là những hòn đảo “cô đơn” giữa trùng khơi bởi sự khô khốc, nắng gió mặn mòi. Huyện đảo Trường Sa giờ đây đã trở thành điểm đến mong đợi nhất của mỗi người con đất Việt, được chạm vào “da thịt” của Tổ quốc mình.

Diễu binh trên đảo Song Tử Tây.

Diễu binh trên đảo Song Tử Tây.

Mùa khô thiếu nước, mùa mưa bão biển quật tơi bời, để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên các đảo ở Trường Sa không phải là chuyện đơn giản.

Ở Trường Sa quanh năm nắng chói chang, thế nhưng lại là nơi trồng rau xanh rất tốt, có những chiếc lá cải xanh to bằng bàn tay.  Trên các điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ bạt ngàn màu xanh của cây ăn quả, rau xanh mà trên các điểm đảo còn rực rỡ sắc thắm của các loại hoa, như hoa lan, hoa giấy, hoa sứ... Giữa muôn trùng biển khơi, từ đảo nổi đến các đảo chìm, nhà giàn..., nơi đâu cũng hiện hữu màu xanh của rau cải, rau mồng tơi.

Dường như sự khắc nghiệt của khí hậu thời tiết không thể khuất phục nổi ý chí và nghị lực của những người con đất Việt đang ngày đêm bám biển giữ vững chủ quyền Tổ quốc thân yêu. Và màu xanh ở Trường Sa đã trở thành màu xanh của hy vọng, màu xanh của tin yêu và màu xanh khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc...

Trong hành trình đến với Trường Sa, điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là Song Tử Tây. Dù đây đã là hành trình thứ 2 đến với Trường Sa thân yêu, nhưng khi bước chân lên đảo, bắt gặp đàn bò béo nung núc tha thẩn gặm cỏ, rồi kia tiếng xe công nông chạy bành bạch của lính trẻ vừa bắt máy, khiến trái tim chúng tôi như rộn ràng hòa ca. Hình ảnh quen thuộc như một thôn, xóm nào rất bình yên trong đất liền chứ không phải xung quanh rầm rì biển cả.

Đặt chân lên đảo, chúng tôi gặp hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ở một nơi thời tiết khắc nghiệt nhất trên biển Đông nhưng những chậu hoa, luống rau ở đây lại xanh tốt đến lạ kỳ. Đưa chúng tôi đi thăm đơn vị, Trung sĩ Nguyễn Duy Phương, quê ở Quảng Ngãi, hồ hởi: “Chăm cây ở đây còn tỉ mỉ, tốn công hơn trong đất liền anh à... Vì hơi mặn nên cây trên đảo được chia cho các tiểu đội trực tiếp theo dõi, chăm sóc”.

Trên nhiều điểm đảo của chúng ta hiện nay, cây cho bóng mát, cây ăn quả, rau xanh được cán bộ, chiến sĩ, quân dân huyện đảo Trường Sa trồng và chăm sóc phát triển rất nhanh. Cả ngàn cây xanh được trồng mỗi dịp xuân mới tại các đảo trên quần đảo Trường Sa không những tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát mà còn làm tốt vai trò che chắn gió bão, góp phần trực tiếp vào phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên đảo.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ ngoài một màu xanh ngát.

Đảo Song Tử Tây nhìn từ ngoài một màu xanh ngát.

Cây phong ba ở Trường Sa đẹp nhất Việt Nam, còn cây phong ba ở Song Tử Tây lại đẹp nhất Trường Sa. Nhiều nơi ở Việt Nam trồng dừa nhưng đảo dừa Nam Yết chỉ có một và chưa ở đâu cây dừa lại thân thương, xinh đẹp như ở Nam Yết.

Đảo Sơn Ca vô cùng xinh xắn, nổi lên xanh ngắt giữa mênh mông đại dương. Trên đảo có cây mù u hơn 100 năm tuổi là cây di sản. Ngoài ra, thảm thực vật ở đây khá phong phú. Khắp màu xanh của đảo là bàng vuông, bàng thường, phi lao, bão táp, phong ba, tra, xoài biển..., đặc biệt đảo này còn rất nhiều rau xanh, rau thơm.

Màu xanh nhà giàn

15 nhà giàn DK1 Vùng 2 Hải quân ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được coi là “vùng biển bão tố”. Vì hằng năm có 10 - 15 cơn bão đi qua đây hoặc hình thành ngay trong đại dương ở vùng biển này. Các nhà giàn DK1 được gọi là những “pháo đài thép” bởi sự vững chắc kiên cố đóng trên nền san hô giữa biển.

Chăm sóc vườn rau xanh trên đảo.

Chăm sóc vườn rau xanh trên đảo.

Trên tàu Trường Sa, khi tàu đến nhà giàn DK1/16 chúng tôi được giới thiệu bài hát Màu xanh nhà giàn của tác giả Nguyễn Hồng Sơn, Chủ nhiệm Nhà văn hóa Vùng 2 Hải quân. Bài ca ấy sưởi ấm lòng và tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ vững vàng tay súng canh chủ quyền đất mẹ giữa biển trời bao la. Những ca từ xúc động sâu lắng, gần gũi thấm vào gan ruột: Ngôi nhà lính đó nằm giữa trời và nước/ Dù ngoài khơi xa vẫn khoác một màu xanh/ Màu của quê hương thương nhớ bạt ngàn sâu/ Những ngôi nhà trên biển...

Không phải phép nhiệm màu, song những mầm xanh lớn lên từ đất giữa nắng gió biển khơi khiến người lính xúc động rưng rưng nước mắt. Xúc động, bởi giữa đại dương bao la, khí hậu khắc nghiệt, sự sống vẫn sinh tồn. Rưng rưng, bởi công sức, gian khổ của người lính được “đền đáp”. Sau những giờ huấn luyện, sĩ quan, chiến sĩ “đánh trần” với nắng và gió. Người tưới nước, người đào đất, đổi bồn, người lấy cá tươi nhét xuống đáy bồn làm phân xanh. Mưa bão sầm sập, cùng nhau xúm vào che chắn, bảo vệ từng chiếc lá non như che chở người thân yêu nhất của mình.

Cây ớt quê hương trên nhà giàn.

Cây ớt quê hương trên nhà giàn.

Ở nhà giàn, cán bộ, chiến sĩ tận dụng tăng gia trên từng chút đất chuyển từ đất liền, cho nên tiết kiệm, nâng niu hết mức. Nơi đây, chỉ cần một cơn sóng lớn tung nước biển lên cao rồi bất thình lình đổ xuống cũng đủ làm rũ ch*t cả vườn rau chứ chưa nói mưa giông. Thực tế, nơi đảo xa, sức sống không đến từ ngẫu nhiên tạo hóa mà phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí, trách nhiệm của con người.

Màu xanh khắp quần đảo Trường Sa mà chúng ta đã và đang chứng kiến được vun đắp từ ngàn đời, từ tình yêu cháy bỏng của các thế hệ người lính, từ sự chăm bẵm của những người mẹ Việt Nam đã hiến dâng những người con ưu tú của đất nước cho đảo quê hương. Màu xanh bất tận và sức sống mạnh mẽ của đảo xa đang bừng bừng giữa biển cả. Nắng, gió, mưa bão khắc nghiệt. Máu, nước mắt và mồ hôi của các thế hệ người lính đã góp sức tạo nên Trường Sa xanh, tràn đầy sức sống. Để rồi các thế hệ quân và dân Trường Sa tiếp nối làm xanh thêm phần đất yêu thương - Tổ quốc nơi đầu sóng.

Bài, ảnh: Anh Văn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/xanh-xanh-ngat-truong-sa-n173312.html)
Từ khóa: trường sa

Chủ đề liên quan:

trường sa

Tin cùng nội dung

  • Xuất phát từ cảng Quốc tế Cam Ranh, sau 36 giờ lênh đênh trên biển cùng con tàu Kiểm ngư Việt Nam KN 490. Sáng sớm ngày 15/4, Đoàn công tác Công đoàn Y tế Việt Nam rời tàu đến thăm, giao lưu và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Sơn Ca
  • Mới học đến lớp 7, nhưng bà Hoàng Thị Sửu (TP Đồng Hới, Quảng Bình) mạnh dạn mở xưởng đóng tàu công suất đến nghìn mã lực, vươn khơi vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.
  • Vào 10h ngày 3/9, tổ bay trực thăng Mi 171 từ Trường Sa do thượng tá phi công Ngô Vi Sơn, Chủ nhiệm bay, lái chính Trung đoàn Không quân 917 đã hạ cánh xuống khu vực quân sự sân bay Tân Sơn Nhất
  • Nếu là lực lượng nước ngoài chiếm đảo, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, nhưng khi nghe tiếng miền Bắc kêu gọi đầu hàng, chúng tôi đã buông súng, Thiếu tướng Mai Năng nhắc lại lời một viên chỉ huy Việt Nam Cộng hòa bị bắt làm tù binh ở Trường Sa năm 1975.
  • Sang ngày thứ 7, tàu của chúng tôi chính thức đặt chân lên Cô Lin, điểm đảo chỉ nhỏ như một vết chấm trên bản đồ, song đã đi vào lịch sử nước nhà
  • Mình hiểu tâm trạng của một người vợ cảnh sát biển đang công tác tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi Trường Sa thân yêu
  • Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...
  • Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân huyện đảo Trường Sa vẫn tràn đầy niềm tin canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.
  • Vượt ra ngoài ranh giới của Thánh địa Mỹ Sơn, của văn hóa Chăm, khèn Saranai đã đến với mảnh đất Trường Sa hết sức tình cờ. Chính sự tình cờ này đã tạo nên một món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa và đặc biệt.
  • Cán bộ Trạm Khí tượng hải văn Trường Sa Lớn là những người không thể thiếu trong việc góp phần giúp ngư dân yên tâm bám biển
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY