Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp trực tuyến ban chỉ đạo quốc gia chống dịch chiều 7/5, nhấn mạnh: "Xét nghiệm sàng lọc diện rộng là cách duy nhất để phát hiện dịch bệnh, không còn lối đi nào khác".
Đây là đợt dịch thứ tư tại Việt Nam, tính từ đầu năm 2020 đến nay. Bộ trưởng Long nhìn nhận "đợt dịch lần này ở mức báo động cao vì đa nguồn lây, đa chủng virus, lây nhiễm nhanh và khó kiểm soát". Thời gian tới việc kiểm soát dịch sẽ khó khăn hơn và có thể sẽ xuất hiện thêm ổ dịch mới, nguồn lây mới. Đó là lý do xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng là cách duy nhất để phát hiện nhanh, sớm Covid-19, kịp thời khoanh vùng dập dịch, không cho lây lan.
Hiện, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng 8 loại sinh phẩm sản xuất nội địa, 26 loại nhập khẩu, đủ phục vụ nhu cầu xét nghiệm nCoV của cả nước. Ông khẳng định phương pháp test nhanh bằng kháng nguyên có độ đặc hiệu, tính chính xác gần tương đương phương pháp xét nghiệm khẳng định là RT-PCR. Do đó, các địa phương phải sử dụng rộng rãi loại test nhanh này, để đẩy nhanh tốc độ tầm soát, phát hiện và khoanh vùng dịch sớm, song song với làm xét nghiệm mẫu gộp RT-PCR.
15 địa phương bị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phê bình vì chưa có phòng xét nghiệm hoặc chưa trang bị máy RT - PCR. Trong số này, có Hà Giang, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Bến Tre, Lai Châu, Quảng Trị, Bình Định, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Bộ trưởng Long cũng nhắc lại nhiều lần yêu cầu các địa phương phải tự coi "xét nghiệm là điểm yếu của mình". Từ đó tự nâng cao năng lực xét nghiệm, chủ động mở rộng phạm vi xét nghiệm tầm soát, nhất là đối với nhân viên y tế các khu chạy thận, cấp cứu, phòng khám, khoa hồi sức tích cực...
Bộ trưởng Long cho rằng nguy cơ dịch xâm nhập vào bệnh viện trung ương cao hơn địa phương. Các bệnh viện tuyến cuối phải tăng cường bảo vệ các khu vực trọng yếu, có bệnh nhân nặng, có nguy cơ lây nhiễm cao, đồng thời hạn chế cả người đến khám vượt tuyến và người đến thăm bệnh.
9 bệnh viện trên cả nước đang phải cách ly y tế do xuất hiện chùm ca nhiễm trong bệnh viện. Nguy hiểm nhất là hai bệnh viện lớn, trọng yếu ở phía bắc, bị Covid-19 tấn công, là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K.
Ổ covid-19 ở bệnh viện k đã xác định được là do lây từ bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương. tuy nhiên, các ca dương tính ở bệnh viện bệnh nhiệt đới trung ương xuất phát từ đâu thì đến nay ngành y tế vẫn chưa tìm ra. đây lại là viện tập trung nhiều bệnh nhân yếu thế nhất, thuộc nhóm nguy cơ cao dễ bị lây nhiễm và lây nhiễm dễ bị diễn tiến nặng nguy hiểm, là nhóm ung thư.
Mối nguy hiểm cho cộng đồng tăng cao, do nhiều bệnh nhân và thân nhân xuất viện về các địa phương, mang theo mầm bệnh.
Phó thủ tướng Đam cũng nhận định "trong cộng đồng có thể đã tồn tại mầm bệnh" khi điểm lại nguồn lây các ca Covid-19 ở Đà Nẵng, Hải Dương, viện Nhiệt đới Trung ương.
"Đây không phải là lúc truy trách nhiệm. Chuỗi lây nhiễm ở các bệnh viện một phần có rủi ro nghề nghiệp, có yếu tố khách quan nhưng cũng bởi bệnh viện làm không nghiêm. Đến cuối cùng chính ngành y tế, bệnh viện phải gánh vác nặng nề nhất", ông Đam nhấn mạnh.
Cơ quan chức năng phong tỏa quán bún cá ở khu ăn uống Hồ Thị Kỷ, quận 10, TP HCM liên quan đến ca tái dương tính. Ảnh: Hữu Khoa.
Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 161, ghi nhận ở 19 tỉnh thành. Cụ thể, Hà Nội 71 ca (trong đó Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 41 ca, 11 ca ở Bệnh viện K), Vĩnh Phúc 26, Hà Nam 15, Bắc Ninh 12, Đà Nẵng 10, Hưng Yên 8, Thái Bình 5, Hải Dương 3, TP HCM, Yên Bái, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Điện Biên, Nghệ An, Nam Định, Phú Thọ mỗi nơi một.