Ngày 3.3, Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến quy chế thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2020 sẽ được công bố vào giữa tháng 3 này. Bộ cũng sẽ ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế và tổ chức tập huấn đầy đủ, kỹ càng cho tất các các cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi. Hiện do học sinh cả nước phải nghỉ học tránh dịch Covid-19 nên Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học. Theo đó, thời gian kết thúc năm học 2019-2020 vào ngày 30.6, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra vào các ngày 23, 24, 25, 26.7.2020, tức là chậm hơn 1 tháng so với các năm học trước.
Bộ GD-ĐT cho hay, mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 sẽ được xây dựng và triển khai đúng kế hoạch, lịch trình thi mới mà Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh. Thời gian kết thúc năm học 2019-2020 và thời gian thi là các mốc thời gian đủ để các trường hoàn thành chương trình giáo dục theo quy định và đủ cho học sinh cuối cấp ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi. Tức là học sinh vẫn có thời gian hơn 3 tuần kể từ khi kết thúc năm học để ôn tập giống như các năm trước. Các địa phương, nhà trường đã chủ động điều chỉnh kế hoạch năm học để vừa hoàn thành đúng kế hoạch năm học, vừa có đủ thời gian, nguồn lực để tổ chức tốt kỳ thi.
Bộ GD-ĐT lý giải, đề thi THPT quốc gia sẽ cơ bản giữ ổn định như đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Giáo viên, học sinh có thể căn cứ vào đề thi tham khảo kỳ thi vừa rồi do bộ GD-ĐT ban hành ngày 6.12.2018 để chuẩn bị cho kỳ thi năm 2020.
Trao đổi với phóng viên, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 được giữ ổn định như năm 2019. Do đó, Bộ GD-ĐT không công bố đề minh họa. Tài liệu để các thí sinh tham khảo tốt nhất là đề thi chính thức và đề tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019. Phần lớn các câu hỏi trong đề thi là kiến thức cơ bản, chủ yếu ở nội dung chương trình lớp 12. Các câu hỏi trong mỗi đề thi của hầu hết các môn đều được sắp xếp theo từng nhóm về độ khó và được xếp lần lượt từ dễ đến khó để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh làm bài.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường cần tổ chức cho giáo viên, học sinh tham khảo, phân tích kỹ đề thi tham khảo và đề thi chính thức năm 2019 làm cơ sở cho việc dạy học, ôn tập đạt kết quả tốt.
Ông Trinh lưu ý các địa phương cần chủ động, tích cực chuẩn bị chu đáo, toàn diện để tổ chức kỳ thi, nhất là ở các nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, bằng các phương thức linh hoạt, hiệu quả để tổ chức dạy học, ôn tập có chất lượng, không cắt xén chương trình ngay cả trong thời gian cho học sinh nghỉ học và nhất là khi học sinh quay trở lại trường.
Thứ hai, các thầy cô nên phân tích định dạng và cấu trúc đề thi chính thức và đề thi tham khảo của kỳ thi THPT năm 2019, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh.
Thứ ba, chuẩn bị đầy đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên và lên kế hoạch tập huấn đầy đủ, chất lượng để đảm bảo thực hiện tốt các khâu của kỳ thi, nhất là các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi.
Thứ tư, rà soát kỹ càng cơ sở vật chất, thiết bị như phòng thi, phòng lưu trữ đề thi, bài thi tại các điểm thi, địa điểm chấm thi; hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin theo yêu cầu của các khâu tổ chức thi; thiết bị theo dõi an ninh; máy móc thiết bị phục công tác in sao đề thi; in phiếu trả lời trắc nghiệm, trang bị máy quét đúng tiêu chuẩn kỹ thuật để chấm thi trắc nghiệm đảm bảo chính xác, đúng tiến độ…
Trao đổi với phóng viên về việc Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, Hiệu trưởng Trường THPT Trung Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nhiếp cho biết: "Bộ GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, nhà trường rất ủng hộ vì tránh cho học sinh học lệch, học tủ, không ảnh hưởng đến quá trình ôn tập của học sinh. Trường Yên Hòa đã chủ động ngay từ lớp 10, sau khi làm công tác định hướng nghề nghiệp, chúng tôi bố trí phân ban theo nguyện vọng của học sinh. Từ đó, các em đã có sự chủ động trong kế hoạch phấn đấu của mình. Học sinh lớp 12 của chúng tôi, 1 năm được tập dượt với 5 kỳ thì (thi học kỳ, thi thử) được tổ chức như kỳ thi THPT quốc gia. Theo tôi nghĩ, quan trọng nhất là kiến thức nền tảng của học sinh".
Bày tỏ sự ủng hộ với quyết định không công khai đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, chuyên gia giáo dục Vũ Thu Hương cũng cho rằng: “Việc hay không có đề minh họa cũng đâu ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch ôn tập của các thí sinh. Chưa kể, nhiều năm, khi đề thi chính thức có chút khác biệt với đề thi minh họa, nhiều thí sinh lại “đổ lỗi” cho Bộ GD-ĐT. Nhưng nếu không “xê dịch” thì có khác nào tạo điều kiện cho thí sinh “học tủ”, học để thi, theo một mô típ rập khuôn, không phát huy được sự chủ động, sáng tạo của thí sinh. Theo tôi, việc không có đề minh họa càng tạo cơ hội cho học sinh chủ động tìm hiểu, trau dồi và tiếp thu kiến thức một cách rộng mở, toàn diện hơn”.
Tuy nhiên, rất lo lắng cho kỳ thi THPT 2020 sắp tới, em Nguyễn Hà Chi, học sinh Trường THPT Nguyễn Tất Thành cho biết năm nay kỳ thi không có đề minh họa khiến bản thân em cũng như các bạn khác khá lo lắng. Chưa kể đến việc thời gian này Bộ GD-ĐT cho học sinh nghỉ khá dài để tránh dịch bệnh nên việc ôn tập cũng có phần xao lãng. "Chúng em cảm thấy khá hoang mang, bởi đề thi minh họa còn giúp chúng em khoanh vùng được kiến thức. Nếu áp dụng đề thi minh họa như năm ngoái liệu có sự biến động nào đó mà Bộ GD-ĐT cho đề thi khác đi so với năm ngoái hay không. Năm ngoái các kiến thức chủ yếu ở lớp 12, nhưng năm nay đề thi giao vào lớp 11 thì lại khó cho chúng em việc ôn tập. Nếu có sự thay đổi kèm kiến thức lớp 10, 11 vào thì lại đánh đố chúng em và khiến chúng em không thể khoanh vùng được kiến thức ôn của mình".
Chủ đề liên quan:
2020 Bộ GD ĐT chia sẻ công bố công bố đề thi đề thi học sinh kiến thức kỳ thi lo lắng minh họa năm 2020 ôn tập THPT ý kiến