Đều đặn mỗi ngày, sau khi tan trường về, em Nguyễn Thị Gia Tú (8 tuổi) và Nguyễn Thị Gia Tâm (10 tuổi, chị ruột bé Tú, cùng học Trường tiểu học Tân Bình, phường Tân Bình, TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) lại đi bộ qua cách trường khoảng 400 mét để phụ bà nội dọn dẹp bàn ghế, bưng nước cho khách và tranh thủ học bài khi… vắng khách.
Tú, Tâm phụ bà nội dọn dẹp bàn ghế để bán nước tại công viên
Hoàng Giáp |
|
Đều đặn mỗi ngày sau giờ học, hai em lại phụ bà bán nước
Hoàng Giáp |
Tú, Tâm và bà nội hiện sống chung gia đình người chú ruột trong một căn nhà nhỏ tại phường Tân Bình. Ngay từ nhỏ, Tú và Tâm đã thiếu vắng tình thương yêu của ba mẹ.
Sau khi sinh bé Tú chưa đầy một tháng tuổi, cả ba và mẹ của hai em bỏ đi. Bà Nguyễn Thị Thân (65 tuổi, bà nội hai em) dành hết tâm sức của mình để chăm sóc, nuôi nấng cháu suốt những năm qua.
Chiếc xe đẩy đã cũ, cùng vài cái bàn, hơn chục chiếc ghế nhựa ngả màu được bày bán nước mỗi tối trên công viên chính là nguồn thu nhập chính của 3 bà cháu.
Để lo cho hai đứa cháu học hành, sách vở cùng tiền sinh hoạt hàng ngày, bà Thân dù đã 65 tuổi nhưng ngoài buổi tối buôn bán trên công viên thì ban ngày vẫn cố gắng nhận làm thêm đủ nghề để kiếm thêm tiền.
Tranh thủ những khi không có khách, hai chị em lại mang sách ra học bài
Hoàng Giáp |
Tú và Tâm mong muốn học thật giỏi để sau có thể nuôi bà nội đỡ vất vả
Hoàng Giáp |
“Bán nước cũng chỉ bán được buổi tối thôi, thường dọn bán từ khoảng 17 giờ chiều đến 23 giờ đêm thì về, ngày cũng chỉ được trăm mấy hai trăm (ngàn đồng - PV), ban ngày tôi cũng ráng đi làm thêm, rửa ly, rửa chén, lau, dọn nhà cửa cho người ta, kiếm thêm thu nhập”, bà Thân chia sẻ.
Biết bà vất vả nên hai chị em Tú, Tâm rất ngoan, tự bảo ban nhau học hành, hàng ngày phụ bà dọn dẹp, bán hàng, nhưng hễ không có khách, rảnh rỗi lại tự giác lấy sách ra để học bài, ôn bài.
Từ nhỏ hai đứa ít khi tị nạnh nhau, không đòi hỏi mua đồ chơi, quần áo mới. Ngay cả những ngày tết, thay vì được nghỉ học đi chơi, cả hai vẫn phụ bà bán nước từ sáng đến tối để kiếm thêm thu nhập. Cũng chính vì vậy mà 3 bà cháu gần như năm nào cũng ăn tết… ngoài công viên.
Hai chị em luôn vui vẻ, nhường nhịn nhau, không muốn làm bà nội buồn phiền
Hoàng Giáp |
“Hai đứa nhỏ rất ngoan, nhanh nhẹn, dù còn nhỏ nhưng mấy năm nay đã phụ bà bán hàng. Từ mùng 1 đến mùng 10 năm nào cũng ra cùng bà bán hàng cả ngày. Những người xung quanh ở đây cũng hay động viên hai đứa cố gắng học giỏi, giúp bà. Thấy tội tụi nhỏ, bà cũng già rồi, không biết lo được cho hai đứa đến khi nào", bà Lê Thị Hồng, người bán nước gần chỗ bà Thân, chia sẻ.
Những người bán hàng tại đây mỗi khi thấy ánh mắt hai đứa nhìn các bạn cùng trang lứa được ba mẹ đưa đi chơi, ai nấy đều không khỏi chạnh lòng vì biết rằng hai đứa đang khao khát được ở trong vòng tay yêu thương của ba mẹ.
Tâm muốn có một gia đình, có ba, có mẹ
Hoàng Giáp |
Có lẽ, Tết cổ truyền là thời gian mà mỗi người dù ở xa cũng đều mong muốn về lại mái ấm của mình, ăn những bữa cơm đoàn viên bên ba mẹ, người thân. Nhưng đối với Tú và Tâm, điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại là giấc mơ xa vời.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng ba bà cháu vẫn cố gắng lạc quan, yêu thương nhau
Hoàng Giáp |
Cô Hà Thị Bích Phượng (Hiệu trưởng trường tiểu học Tân Bình) cho biết: "Đối với các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, như trường hợp em Tú và Tâm, nhà trường hàng năm đều tổ chức vận động, trao tặng quà, học bổng mỗi dịp khai giảng năm học mới, tết để giúp đỡ, chia sẻ bớt những khó khăn, giúp các em yên tâm đến trường".
Điều mà 3 bà cháu mong muốn nhất hiện nay chính là có nhiều sức khỏe, được ở cùng nhau dù cuộc sống nhiều khó khăn, vất vả.
“Cũng lo lắm, không biết vài năm nữa, tuổi già, không còn sức khỏe, còn đủ sức cáng đáng cho tụi nhỏ đến trường không nữa. Giờ chỉ biết cố gắng thôi”, bà Thân chia sẻ.