Ảnh: Reuters |
Hơn 85% dân số Indonesia đã có kháng thể chống Covid-19, kết quả khảo sát của một ủy ban chính phủ nước này cho biết. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo rằng vẫn chưa rõ liệu khả năng miễn dịch này có giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới hay không.
Hãng Reuters đưa tin, cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Indonesia tiến hành từ tháng 10 tới tháng 12 năm ngoái với 22.000 người. Họ thấy người dân Indonesia đã phát triển kháng thể từ việc tiêm phòng và bị nhiễm virus corona.
Pandu Riono, nhà dịch tễ học có liên quan tới cuộc khảo sát cho biết, mức độ miễn dịch trên có thể giúp lý giải tại sao số ca nhiễm tại Indonesia không tăng vọt kể từ giữa năm ngoái. Theo ông, kháng thể có thể bảo vệ cho người dân Indonesia khỏi một số biến thể mới, gồm cả Omicron. Tuy nhiên, cần thêm nhiều tháng để điều này trở nên rõ ràng.
Biến thể Omicron đã khiến hơn 250 người ở Indonesia mắc bệnh, song hầu hết đều là các ca từ nước ngoài.
Indonesia chỉ mới tiêm phòng đầy đủ cho hơn 42% dân số gồm 420 triệu người. Theo ông Pandu, các phát hiện của khảo sát vẫn đang được kiểm tra để đánh giá các loại vắc xin góp phần như thế nào vào các mức kháng thể khác nhau.
Thái Lan ngày 6/1 thông báo, số ca nhiễm virus corona tại nước này tăng cao nhất trong các tuần sau một đợt nghỉ lễ mọi người di chuyển nhiều và tập trung đông người giữa lúc biến thể Omicron hiện diện.
Theo hãng tin Reuters, giới chức Thái Lan ghi nhận 5.775 ca nhiễm mới, tăng 48% so với một ngày trước đó và cao gần gấp đôi so với ngày 1/1, buộc bộ y tế nước này phải nâng cảnh báo chính thức lên mức 4 trong cảnh báo 5 bậc. Thái Lan đã đặt cảnh báo ở mức 3 kể từ cuối tháng 12 năm ngoái.
Sự thay đổi này là dịp để triển khai các biện pháp khả thi tiếp theo như đóng cửa các khu vực có nguy cơ cao và áp đặt hạn chế với việc đi lại trong nước hoặc tập trung nơi công cộng.
“Thái Lan đã bước vào một làn sóng lây nhiễm mới, các ca nhiễm sẽ tăng nhanh. Mức độ 4 nghĩa là chúng tôi có thể đóng cửa các địa điểm có nguy cơ cao và thông báo thêm nhiều biện pháp”, Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit nói.
Thái đã tiêm phòng Covid-19 hai mũi cho 69,1% dân số nhưng chỉ khoảng 10,9% đã được tiêm mũi tăng cường.
Hãng AP đưa tin, Chính phủ Áo sẽ ban hành các quy định siết chặt hơn nữa về Covid-19 kể từ 8/1 khi nước này phải chống lại làn sóng lây nhiễm mới. Các biện pháp mới gồm rút ngắn thời gian cách ly xuống còn 5 ngày, yêu cầu người dân đeo khẩu trang khi ở nơi đông người ngoài trời, giới hạn hiệu lực của giấy chứng nhận vắc xin trong vòng 6 tháng.
Tờ Guardian đưa tin, Hạ viện Pháp ngày 6/1 đã thông qua kế hoạch áp dụng thẻ vắc xin do Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất nhằm ngăn chặn sự lây lan biến thể Omicron. Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy những người chưa tiêm vắc xin đi tiêm chủng. Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vắc xin để được sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống.
Bồ Đào Nha ngày 6/1 cho biết, nước này sẽ cho phép sinh viên trở lại trường từ tuần tới và các câu lạc bộ đêm mở cửa trở lại từ ngày 14/1 bất chấp số ca nhiễm tăng kỷ lục, nhưng số ca nhập viện lại thấp kể từ đầu đại dịch, hãng Reuters đưa tin.
Bộ Y tế Malaysia ngày 6/1 cho biết, nước này đã phê chuẩn có điều kiện việc sử dụng vắc xin ngừa Covid-19 của hãng Pfizer cho trẻ từ 5-11 tuổi. Malaysia hiện là một trong số những nước có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất ở Đông Nam Á. Hầu hết dân số nước này đã tiêm đủ hai liều vắc xin, 98% ở người trưởng thành và 88% ở người từ 12-17 tuổi.
Janet Diaz, Trưởng nhóm chăm sóc lâm sàng trong chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron dường như gây ra bệnh ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta nhưng không nên được phân loại là “nhẹ”.
Chủ đề liên quan:
Covid-19 Indonesia Covid-19 Thái Lan tình hình dịch COVID-19 tình hình dịch Covid-19 hôm nay tình hình dịch Covid-19 ngày 7/1 Tình hình dịch Covid-19 thế giới hôm nay