Phóng sự hôm nay

Ai đứng như bóng dừa

Miền đất Bến Tre lạ lắm. Đó là 3 cồn đất khổng lồ do phù sa của 4 con sông bồi đắp, kéo dài ra phía biển Đông. Thoáng nhìn như hình dẻ quạt.

Khi đến đây, tôi mới biết 4 con sông đó được tạo nên từ con sông Mê Kông rộng lớn, tách ra từ huyện Chợ Lách. Hai con sông bao hai bên tỉnh tiếp giáp các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long. Nghĩa là Bến Tre tứ bề toàn sông nước.

Khi nhắc đến Bến Tre là ai cũng nghĩ tới dừa - một thiên đường dừa. Quá đúng! Bởi tỉnh có tới 70.000ha diện tích trồng dừa. So với các tỉnh Nam Bộ, số lượng dừa thu hoạch của Bến Tre vượt trội hẳn với 500 triệu trái mỗi năm - lớn nhất nước. Mươi năm nay, dân xứ này còn huy động sử dụng hết tất cả những thành phần của cây dừa. Ngoài chế biến thức ăn, thực phẩm, từ dừa họ còn sản xuất khai thác các vật liệu khác như xơ, lá, thân cây, ngọn, rễ, không bỏ sót cái gì. Từ đó hình thành một nền kinh tế dừa ở Bến Tre với thu nhập khoảng 200 triệu USD qua xuất khẩu mỗi năm. Nhưng có lẽ khi nói đến Bến Tre, không ai không nghĩ tới nơi đây còn là xứ sở của ca dao và những điệu lý, câu hò. Đó là nền văn hóa dừa, được hình thành từ xa xưa, hơn 300 năm qua. Kèm theo đó là sinh hoạt đờn ca tài tử phát triển rộng khắp. Du khách đến đây chỉ nghe mấy câu hò mà cũng thuộc ngay những câu như: “Bến Tre nước ngọt lắm dừa. Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm. Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn. Nghêu sò Cồn Lợi, Thu*c ngon Mỏ Cầy. Xoài chua, cam ngọt Ba Lai...”. Mới hay, sông nước Bến Tre nhiều sản vật khó nơi nào bì kịp.

Lễ hội dừa Bến Tre.

Chính vì thế, ngành du lịch Bến Tre phát triển. Kèm theo những loại hình du lịch như chợ nổi, hay ăn quả miệt vườn..., du khách còn được thưởng thức đờn ca tài tử miễn phí bởi đó là đặc sản tinh thần của miền sông nước này. Một hành trình sông nước cũng là một hành trình sống trong những câu hò điệu lý. Chúng tôi rất thích thú lắng nghe người hướng dẫn viên say sưa đọc những câu ca dao về nét đẹp của những cô gái xứ dừa, rằng: “Con gái Bến Tre tóc mây da trắng. Mắt nhung đen má phấn môi son. Dáng đi yểu điệu ru hồn. Em đi khuất bóng mà anh còn trồng cây si...”. Ngay sau đó, anh ta lại hò rất hài hước cùng với những động tác đáng yêu qua câu hát: “Thương em, anh trèo lên ngọn ớt. Ớt gãy, anh rớt xuống ngọn hành. Hành đâm anh lủng ruột, sao em đành làm ngơ?...”. Thật vui nhộn!

Nói về ca dao xứ dừa, có nhiều nét phong phú, nhất là về tình yêu. Những câu ca luôn gắn bó với tình yêu quê hương, qua các ví von: “Chừng nào cầu đá rã tan. Sông Hàm Luông lấp cạn mới quên lời thề”. Hoặc có những câu gắn với hình ảnh cây dừa, trữ tình, xao xuyến. Người hướng dẫn viên, khi dẫn chúng tôi xuống vườn dừa xã Khánh Thạnh Tân, đã cất tiếng ngâm nga: “Đầu làng có một cây đa. Cuối làng cây thị ngã ba cây dừa. Dù anh đi sớm về trưa. Xin anh nghỉ bóng cây dừa nhà em...”. Ngay trong giai đoạn chống giặc Pháp, từ phong trào đồng khởi năm 1960, ca dao cũng đi sâu vào đời sống. Kho tàng ca dao và các điệu lý Bến Tre càng thêm đa dạng. Ngay cả khi bày tỏ tình yêu, các cô gái cũng đòi hỏi: “Em là con gái Giồng Trôm. Nào ai tính thiệt so hơn làm gì. Yêu em anh phải nhớ ghi. Đánh Tây giữ đất mới bì trượng phu...”. Cho đến khi chống Mỹ cứu nước, ca dao cũng đã phản ánh tinh thần chiến đấu quả cảm và sáng tạo của quân dân Bến Tre. Mỗi câu là một khích lệ tinh thần quật khởi, như: “Ai xui thằng Mỹ đi càn. Vô sâu ong đốt, ra đàng gặp chông?”. Hoặc có câu: “Sông Hàm Luông, Mỹ chạy re. Cầu Ba Lai giặc lật xe ch*t hoài”. Có lẽ một thời gian dài, sự ảnh hưởng của thơ ca Nguyễn Đình Chiểu (tác giả ), tinh thần của người Bến Tre luôn luôn mạnh mẽ. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sống ở Bến Tre từ năm 1862 cho đến khi tạ thế. Sự ảnh hưởng của ông rất sâu sắc, tạo dựng được tinh thần xả thân vì đất nước với hình ảnh: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm. Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

Điều khá bất ngờ và vô cùng thích thú khi chúng tôi được nghe một bản nhạc hòa tấu bài Dáng đứng Bến Tre

Nhưng với tinh thần của những chiến sĩ, hai người đã dày công ngày đêm chế tác các chi tiết của cây đàn. Với mỗi thành phần của cây đàn, phải làm qua các phần gỗ dừa khác nhau để thử nghiệm. Cuối cùng, hai người đã phát hiện ra chỉ phần gỗ gốc cây dừa mới gọi được âm thanh chuẩn mực. Mà phải chọn gốc cây dừa già, có tuổi từ 60 - 70 năm. Do vậy, để chế tác được những cây đàn dân tộc phổ biến như đàn kìm, đàn cò, đàn tranh... hoặc kể cả đàn ghi-ta phải mất nhiều ngày đêm làm thử nghiệm và kiểm chứng. Cuối cùng, để chế tác được 27 cây đàn dân tộc, hai người đã phải mất trọn 10 năm. Nếu nghe tiếng đàn biểu diễn, khó ai tưởng tượng được những âm thanh đó vang lên từ gỗ dừa. Cố nhạc sĩ Trần Văn Khuê đã từng nghe dàn nhạc dừa biểu diễn bài Dáng đứng Bến Tre và đã có nhận xét: “Tôi đánh giá cao về chất lượng cũng như hình thức của bộ nhạc cụ này. Không những thế, bộ nhạc cụ của ông Dân, ông Bá còn có giá trị tinh thần to lớn với người dân Bến Tre, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa, nghệ thuật nước nhà”.

Sau đó, nghệ nhân Võ Văn Bá còn chế tác được một đàn cò (nhị) lớn nhất Việt Nam, kỷ lục được xác nhận tại Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2015. Đó là cây đàn cò với bầu đàn dài 1,2m và có đường kính là 0,5m, được chế tác bởi gốc cây gỗ dừa 70 năm tuổi. Âm thanh đàn trầm ấm với độ vang xa như sóng biển cuộn trào bên vách núi. Con thuyền rồng đưa chúng tôi đi chầm chậm trên sông, lời ca cất lên trong những âm thanh đàn dừa, dịu dàng thơ mộng.

Nghệ nhân Võ Văn Bá - người làm đàn gỗ dừa.

Thực ra, các tỉnh Nam Bộ đều có dừa nhưng Bến Tre đứng hàng đầu về tư duy kinh tế dừa với thu nhập cao cho tỉnh. Cũng giống một số tỉnh có đặc sản riêng và có tổ chức lễ hội tôn vinh sản phẩm, Bến Tre cũng vậy. Từ năm 2009, sáng kiến Lễ hội Dừa được tổ chức với quy mô lớn, tạo nên sự giao thoa khắp các tỉnh Nam Bộ. Lễ hội này được nhiều tỉnh khác ủng hộ và tham gia. Mỗi tỉnh lại có một cách tiếp thị quảng bá rất đa dạng. Đã mấy kỳ lễ hội, Bến Tre còn được nhiều nước thành viên châu Á - Thái Bình Dương tham gia, quảng bá sản phẩm dừa của mình. Có thể nói, Lễ hội Dừa của tỉnh Bến Tre đã được “quốc tế hóa”. 1 năm 1 lần, con đường dừa được tổ chức với nhiều hình thức phong phú. Hình ảnh con đường dừa được thiết kế chạy dài cả cây số, bắt đầu từ công viên Đồng Khởi ra đến cầu Bến Tre.

Sau khi qua chợ, chúng tôi được đưa ra thăm công viên Đồng Khởi và chụp ảnh dưới chân tượng đài. Ngắm tượng đài, ai nấy đều xúc động với hình ảnh các nữ chiến sĩ dũng cảm trong không khí Đồng khởi vào những năm đầu thập kỷ 60. Trước mắt chúng tôi hiện lên hình ảnh 7.000 phụ nữ huyện Giồng Chôm hừng hực khí thế chiến đấu chống xâm lược của giặc Pháp. Chiến thắng này là bùng nổ phong trào khởi nghĩa từ khắp các tỉnh miền Nam. Tiêu biểu là chân dung Nữ tướng, Anh hùng Nguyễn Thị Định. Bà đã tổ chức phong trào ngày càng sâu rộng. Và cũng từ phong trào này làm tiền đề cho Mặt trận Giải phóng miền Nam ra đời. Từ đó, tinh thần chiến đấu của quân và dân Bến Tre càng ngày càng sôi nổi, liên tiếp kéo dài cho đến ngày toàn miền Nam được giải phóng.

Lễ hội dừa được bắt đầu từ công viên này với không khí rạo rực niềm vui, tiếp bước cha anh xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Bến Tre xứng đáng là một tỉnh anh hùng. 4 con sông vẫn hàng ngày bồi đắp phù sa. Bến Tre mỗi ngày một tươi mới và những hàng dừa non luôn luôn cựa quậy lớn lên từng ngày. Đó là hình ảnh đẹp như một bài ca trong một câu chuyện cổ tích có thật. “Dáng đứng Bến Tre” mỗi ngày một đẹp hơn với hàng dừa soi bóng trên 4 con sông hùng vĩ, cuồn cuộn trôi về biển Đông.

Bài và ảnh: Lưu Kường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/ai-dung-nhu-bong-dua-n153962.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY