Nhịp cầu nhân ái hôm nay

Ám ảnh câu nói của người đàn bà bệnh tật nuôi chị gái liệt giường và mẹ già gần trăm tuổi

GiadinhNet - Nếu tôi bị ốm thì sẽ không có ai lo cho mẹ già cùng chị gái đang nằm liệt giường. Cứ nghĩ đến đó, tôi lại khóc, nhưng khóc cũng không thay đổi được số phận nên đành gạt nước mắt để sống tiếp, bà Thênh nghẹn ngào.

Lâu nay, mỗi khi người dân thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) nhắc đến cụ Hà Thị Song (96 tuổi) thì ai cũng chua xót. Mọi người không chỉ thương người mẹ nghèo như ngọn đèn dầu lay lắt trước gió mà còn xót xa cho số phận hẩm hiu của 2 người con gái lỡ dở tuổi thanh xuân và bủa vây.

Căn nhà xuống cấp, bong tróc - nơi sinh sống của 3 số phận hẩm hiu

Có mặt tại gia đình cụ Song vào buổi chiều muộn cũng là lúc người con gái út Lê Thị Thênh (56 tuổi) vừa đi mò ốc ngoài đồng về. Không kịp thay bộ quần áo dính đầy bùn đất, bà Thênh vội chào mẹ già và nhanh chân vào buồng trong để chăm sóc chị gái Lê Thị Vẽ (72 tuổi) bị bệnh nhồi máu não dẫn đến liệt nửa người cũng như chuẩn bị bữa cơm tối đạm bạc.

Cô tâm sự: "Ngày trước, khi chị tôi chưa bị bệnh, cuộc sống vốn đã vất vả và khốn khó đủ thứ. Sau lần bị tai biến, gần một năm nay, chị tôi liệt nửa người, không đi lại được. Tiền chạy chữa tốn kém càng làm cho cuộc sống gia đình tôi túng quẫn hơn. Hiện tại, mọi công việc trong gia đình, từ lo kinh tế đến chăm sóc mẹ cùng chị gái đều do mình tôi đảm nhiệm. Nhiều lúc nghĩ khổ quá mà không dám khóc…".

Ánh mắt đượm buồn, nhòa lệ khi bà Thênh kể về cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con

Trong căn nhà cấp bốn xuống cấp với những mảng vữa bong tróc, bà Thênh kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống hiện tại của 3 mẹ con cũng như số phận hẩm hiu của bà và người chị bệnh trọng. Suốt câu chuyện, đôi lúc bà đưa đôi bàn tay thô kệch lau những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khắc khổ.

Bà Thênh là con út trong gia đình có 4 chị em (3 gái, 1 trai). Hiện chị gái lớn nhất và anh trai của bà Thênh đều có gia đình ở cùng thôn nhưng cuộc sống không được khá giả. Cách đây 4 năm, chị dâu của bà cũng qua đời do bệnh ung thư. Còn bà Thênh và chị gái thứ 2 bị bệnh nên không có người đàn ông nào "tìm hiểu", đành ở với nhau.

Điều khiến bà Thênh sợ nhất lúc này là bản thân bị ốm...

Ngày trước, cụ Song ở với gia đình con trai. Cách đây 7 năm, trong 1 lần bị ngã khiến đùi của cụ bị gãy. Sau lần ngã đó, cụ Song chỉ quanh quẩn trong nhà và đi đâu đều nhờ chiếc ghế nhựa. Khi con gái lớn của cụ là bà Vẽ bị bệnh, cụ được chuyển về ở cùng 2 người con gái để có người trò chuyện mỗi khi bà Thênh đi làm. Gần năm nay, 3 số phận hẩm hiu ấy sống nương tựa vào nhau trong sự thương cảm của mọi người.

Nhớ lại tuổi ấu thơ, bà Thênh không khỏi nghẹn ngào về gia cảnh khốn khó. Năm bà lên 2 tuổi thì bố bà qua đời trong một lần bạo bệnh. Từ đó, cụ Song ở vậy nuôi 4 người con. Tuy nhiên, cũng do cái nghèo nên con của cụ không được học hành đến nơi đến chốn. Trong đó, bà Vẽ không được đi học nên không biết chữ, còn bà Thênh được học hết lớp 3 rồi nghỉ học ở nhà lao động làm thuê.

Gần 1 năm nay, con gái thứ 2 cụ Song bị liệt nửa người và luôn có người chăm sóc

Hướng ánh mắt về phía người chị gái đang nằm liệt trên giường, bà Thênh nghẹn ngào. Năm 17 tuổi, bà Vẽ phát hiện bị bệnh khớp khiến việc đi lại khó khăn. Ngày đó, mọi người trong làng đều tham gia làm chung tại hợp tác xã và biết được căn bệnh của bà. Chính quyền phân công cho bà nhiệm vụ trông trẻ (sau này là trường mầm non). Khoảng gần 10 năm sau, khi yêu cầu của nghề nuôi dạy trẻ cần có bằng cấp thì bà được cho nghỉ.

Biết bản thân bị bệnh nên bà Vẽ luôn tự ti và cả tuổi thanh xuân cũng không có ai đến "tìm hiểu". Cho nên, bà ở vậy cùng với người em gái út nhưng bản thân không làm được việc đồng áng, chỉ quanh quẩn ở nhà lo cơm nước, trồng rau để phụ bà Thênh.

Bà Vẽ bị bệnh nhồi máu não dẫn đến liệt nửa người

"Tháng 2/2019, chị tôi bị bệnh nhồi máu não và được các cháu đưa đi chạy chữa tại Trung tâm y tế huyện Ninh giang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương nhưng bệnh tình không thuyên giảm.

Sau lần đổ bệnh đó, chị tôi bị liệt nửa người, nói ngọng, lúc nhớ lúc quên. Bao nhiêu tiền bạc dành dụm từ trồng rau, cấy lúa, mò ốc…, tôi đều dồn chạy chữa mà bệnh tình của chị không thuyên giảm nên gia đình cho chị về nhà. Hiện tại, hàng tháng, chị tôi vẫn đi lấy Thu*c điều trị", bà Thênh cho biết.

Ngoài hơn 4 sào ruộng khoán thì nguồn thu nhập chính giúp 3 mẹ con bà Thênh sống qua ngày nhờ vào trồng rau ở vườn, mò ốc...

Giống như người chị gái, bà Thênh bị bệnh về tai từ hồi nhỏ nhưng gia đình khó khăn, không có điều kiện chạy chữa khiến 1 bên tai của bà không nghe được. Chính vì điều này mà bà Thênh không nghĩ đến chuyện xây dựng gia đình và cũng không có ai đến "tìm hiểu".

Đến năm ngoài 30 tuổi, có mấy người đánh tiếng muốn lấy làm vợ khiến bà vừa mừng vừa lo. Tuy nhiên, bà nghĩ rằng, bản thân mình đang có bệnh, nếu đồng ý có khi lại làm khổ người ta. Bà sợ đi lấy chồng sẽ không có ai chăm sóc mẹ già cùng chị gái nên ở vậy đến giờ.

Cụ Song 96 tuổi bên con gái 72 tuổi bị bại liệt gần năm nay

Hiện tại, cuộc sống của 3 mẹ con bà Thênh phụ thuộc vào hơn 4 sào ruộng khoán và tiền bán rau từ mảnh vườn nhỏ và mò cua ngoài đồng. Mặc dù cụ Song, bà Vẽ được trợ cấp hàng tháng đối với người già trên 80 tuổi và người khuyết tật nặng nhưng số tiền trợ cấp nhỏ nhoi ấy không đủ tiền Thu*c men.

Sau khi bị ngã gẫy đùi, cụ Song sức khỏe yếu và chỉ đi lại trong nhà nhờ vào chiếc ghế

Bà Thênh nghẹn ngào: "Đến năm 40 tuổi, tôi và chị gái mới hết đói. Ngày trước không có nên bữa ăn không đủ no, tiền mua thức ăn không có. Hàng ngày, tôi bán được đồng nào từ rau, cua ốc… thì đều dành dụm để phòng thân lúc ốm đau. Còn đâu, các cháu và hàng xóm cho gì ăn đó. Biết là cuộc sống khổ cực, khốn khó bủa vây nhưng 2 chị em tôi không chồng, không con nên biết nương tựa vào ai bây giờ, trong khi hiện tại còn mẹ già ở cùng.

Lúc này, tôi sợ nhất là mình bị ốm, nếu ốm thì không có tiền đi bệnh viện điều trị, không có con cái chăm sóc và cũng không thể nhờ cậy mãi các cháu được. Nhưng quan trọng nhất là không có ai lo cho mẹ già cùng chị gái đang nằm liệt giường hàng ngày. Cứ nghĩ đến đó, tôi lại khóc nhưng khóc cũng không thay đổi được số phận nên đành gạt nước mắt để sống tiếp".

Ba mẹ con cụ Song cần lắm sự ủng hộ, giúp đỡ của mọi người

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Vũ Văn Diệu – Phó chủ tịch UBND xã Ninh Hải cho biết: "Cụ Song và 2 người con gái đơn thân là trường hợp đặc biệt khó khăn của địa phương. Ngoài việc công nhận hộ nghèo, địa phương chúng tôi còn vận động các tổ chức đến thăm hỏi, tặng quà cho gia đình cụ vào dịp lễ Tết... Tuy nhiên, sự quan tâm đó vẫn không thể làm vơi đi cuộc sống khốn khó hiện tại hàng ngày của 3 mẹ con cụ.

Tôi mong rằng, các tổ chức, cá nhân hãy dang rộng vòng tay giúp đỡ 3 mẹ con cụ Song, giúp bà Vẽ có thêm kinh phí để điều trị bệnh và những số phận kém may mắn đó có được sự ấm no, hơi ấm khi Tết nguyên đán đang đến gần".

Mọi sự giúp đỡ 3 mẹ con cụ Song - Mã số 522 xin gửi về:

1. Cô Lê Thị Thênh, xóm 1, thôn Bồng Lai, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 522

3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình và Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 522

Mọi thắc mắc, xin gửi tới email phuongthuangdxh@gmail.com. Điện thoại: 0975 839 126/

4. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110 , Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

5. Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):

Tên tài khoản: Báo Gia đình và Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.

Đề gửi Mã số 522

Bài & ảnh: Đức Tùy

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/vong-tay-nhan-ai/am-anh-cau-noi-cua-nguoi-dan-ba-benh-tat-nuoi-chi-gai-liet-giuong-va-me-gia-gan-tram-tuoi-20191222003059789.htm)

Tin cùng nội dung

  • “Bạn có biết người ngồi uống rượu với chồng thực ra là Trang Hạ không? Còn tất cả những độc giả đã có con cái, đang làm dâu mà mình hỏi, họ đều hình dung về Tết thế này: Chồng ngồi ở phòng khách, vợ tất bật trong bếp”.
  • Theo thuyết phong thủy, vị trí đặt giường ngủ trong phòng đặc biệt quan trọng và quyết định nhiều đến sự thành bại của gia chủ.
  • Mangyte-Câu chuyện khá xúc động có thật mà tôi từng chứng kiến sau một đêm dài đưa người nhà đi cấp cứu tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.
  • Sau tuổi 40, nam giới sẽ cảm nhận được sự thay đổi rõ rệt của cơ thể, sức khỏe cũng bắt đầu có dấu hiệu thay đổi,
  • Bệnh tật của người cao tuổi (NCT) thường tỉ lệ thuận với tuổi tác. Tuy vậy, sự suy giảm chức năng S*nh l* ở mỗi người không giống nhau và vì vậy bệnh tật xuất hiện ở mỗi người cũng có sự khác nhau.
  • Theo năm tháng, mẹ cha ta ngày thêm già yếu. Phận làm con luôn ghi nhớ “một lòng thờ mẹ kính cha”. Vậy nhưng, “thờ”, “kính” thế nào, để “cho tròn chữ hiếu” cũng là cả một nghệ thuật khi ứng xử và chăm sóc cha mẹ già.
  • Nếu bạn không muốn những thứ này phá hỏng giấc ngủ của mình thì hãy loại chúng ra khỏi giường ngủ.
  • Nhồi máu não xảy ra khi giảm lưu lượng máu nuôi đến một vùng não do hẹp, tắc mạch máu não hoặc do hạ huyết áp, gây thiếu máu não.
  • Rụng tóc, các vấn đề về tuyến tiền liệt và xuất tinh sớm, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 50 đến 60% nam giới.
  • Chào Mangyte, Tôi được biết về loại Thuốc tên là “tiêu sợi huyết” dùng trong cấp cứu tai biến mạch máu não và nhồi máu cơ tim. Tôi thấy công dụng của Thuốc rất kỳ diệu, có thể giúp người đột quỵ bình phục gần như hoàn toàn nếu được cấp cứu kịp thời. Nhưng một liều Thuốc giá bao nhiêu vậy Mangyte? Và trường hợp nào dùng được, trường hợp nào thì không? Mong Mangyte giải thích rõ hơn về loại Thuốc này. Tôi chân thành cảm ơn! (Thanh Vân – van.le…@gmail.com)
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY