Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Bác sĩ Italy: Chúng tôi không ngờ COVID-19 hung dữ như vậy

Bác sĩ Daniele Macchini mô tả COVID-19 như cơn sóng thần và kêu gọi cộng đồng đừng phớt lờ các chỉ dẫn y tế.

Daniele Macchini là của Khoa hồi sức tích cực (ICU) tại bệnh viện Humanitas Gavazzeni, thành phố Bergamo - một trong những điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 ở Italy với hơn 1.200 ca dương tính.

Ngày 7/3, vị này có bài viết trên trang Facebook cá nhân, chia sẻ về cuộc chiến chống COVID-19 cũng như những việc cộng đồng nên làm để tránh dịch bệnh lây lan. Bài viết của Daniele đã "gây bão" trên mạng xã hội với hơn 19.000 lượt "thích", hơn 33.000 lượt chia sẻ và được báo chí Italy, Anh, Đức, Pháp đăng tải lại.

Dưới đây là bài viết của ông.

Bác sĩ Daniele Macchini. Ảnh: Humanitas Gavazzeni Hospital.

"Sau khi suy nghĩ nhiều về việc có nên viết hay không về tình hình dịch bệnh ở Italy và nếu có thì nên viết gì, tôi cảm thấy im lặng là vô trách nhiệm. Do đó, tôi sẽ cố gắng truyền tải để những người ở xa hiểu về tình hình ở Bergamo trong những ngày COVID-19 hoành hành.

Từ tuần trước, khi kẻ thù còn ẩn mình trong bóng tối, bệnh viện của tôi đã được sắp xếp lại để sẵn sàng ứng phó. Bệnh nhân được sơ tán, không gian được giải phóng để có chỗ cho càng nhiều giường càng tốt. Sự thay đổi này đưa đến một bầu không khí im lặng, trống rỗng đến siêu thực. Chúng tôi chờ cuộc chiến bắt đầu, song nhiều người bao gồm cả tôi, không nghĩ nó sẽ hung dữ như vậy.

Tôi vẫn nhớ cú điện thoại một đêm tuần trước, khi tôi đang chờ kết quả xét nghiệm. Lúc đó, nỗi lo lắng của tôi về một bệnh nhân có thể dương tính với COVID-19 dường như rất vô lý, nhưng giờ tôi đã biết chuyện gì xảy ra. Tình hình hiện tại, nếu nói "căng thẳng" cũng không thể diễn tả hết mức độ.

Cuộc chiến bùng nổ theo đúng nghĩa đen và các "trận đánh" diễn ra không ngừng nghỉ suốt ngày đêm. Xin hãy dừng ngay việc gọi đây là bệnh cúm. Từ khi làm việc ở bệnh viện Bergamo hơn hai năm nay, tôi chưa từng thấy ai bị cúm mà phải cấp cứu.

Nhu cầu giường bệnh thật khủng khiếp. Mỗi ngày qua, các giường bệnh được lấp đầy với tốc độ kinh ngạc. Bảng tên của các bệnh nhân vốn có nhiều màu khác nhau tùy vào đơn vị phụ trách giờ đây chỉ toàn một màu đỏ và cùng một chẩn đoán: Viêm phổi kẽ hai bên.

Trong khi nhiều người khoe khoang mình không sợ hãi bằng cách phớt lờ mọi chỉ dẫn, biểu tình vì thói quen thông thường của họ tạm thời bị gián đoạn, cơn khủng hoảng dịch tễ học đang diễn ra.

Ở bệnh viện lúc này không còn bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ tiết niệu, bác sĩ chỉnh hình... Tất cả chúng tôi đều là bác sĩ tham gia đội ứng phó duy nhất với "cơn sóng thần" đang ập đến.

Các ca bệnh tăng lên theo cấp số nhân, mỗi ngày chúng tôi đón thêm hàng chục bệnh nhân với cùng một nguyên nhân. Kết quả xét nghiệm đều là dương tính, dương tính và dương tính.

Bệnh nhân đến khám vì những triệu chứng như nhau: sốt và khó thở, sốt và ho, hô hấp khó khăn. Kết quả chụp X- Quang của họ cũng giống nhau: viêm phổi kẽ hai bên, viêm phổi kẽ hai bên và viêm phổi kẽ hai bên. Tất cả đều phải nhập viện.

Mỗi máy thở giờ đây đều quý như vàng. Những máy vốn để trong phòng phẫu thuật, hiện tạm ngưng các hoạt động không cấp thiết, được đưa đến các khu hồi sức tích cực.

Tôi nhìn thấy sự mệt mỏi trên những khuôn mặt xa lạ. Tôi nhìn thấy sự đoàn kết của tất cả đồng nghiệp, những người vẫn sẵn sàng đến hỏi các sinh viên thực tập: "Tôi có thể giúp gì cho bạn?".

Các bác sĩ kê giường và di chuyển bệnh nhân thay y tá. Các y tá đầy nước mắt vì không thể cứu tất cả mọi người và khi dấu hiệu sinh tồn cho thấy số phận nhiều bệnh nhân đã được định đoạt.

Không còn ca và giờ làm việc. Cuộc sống xã hội của chúng tôi bị ngừng lại. Chúng tôi không gặp gia đình vì sợ lây bệnh cho họ. Bản thân tôi đã hai tuần không về nhà. Trước đây, tôi tranh thủ ngày nghỉ để ở bên con trai nhưng giờ thì chỉ được nhìn nó qua màn hình điện thoại.

Vì thế, hãy kiên nhẫn nếu bạn không thể đến nhà hát, bảo tàng hay phòng gym. Hãy nghĩ đến những người già mà bạn có thể làm họ bị tổn thương.

Hãy nghe chúng tôi, đừng đổ xô ra siêu thị để tích trữ hàng hóa. Đó là điều tồi tệ nhất bởi khi tập trung lại như vậy sẽ đẩy nguy cơ lây nhiễm từ những người mang bệnh mà không biết lên rất cao. Hãy đi siêu thị một cách bình thường.

Nếu có khẩu trang, bạn hãy đeo vào. Không cần khẩu trang y tế mà dùng khẩu trang vải cũng được bởi chúng tôi đang cạn kiệt món đồ này. Vì thiếu thốn một số vật tư y tế, vài người trong ngành y của chúng tôi thậm chí đã nhiễm virus dù tuân thủ đủ các biện pháp phòng ngừa. Có đồng nghiệp lây bệnh cho người thân và họ đang phải vật lộn giữa sự sống và cái ch*t.

Hãy thuyết phục người già và người mang bệnh mạn tính ở nhà. Hãy đi chợ thay cho họ.

Chúng tôi không phải những anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn mình hữu dụng với cộng đồng. Bạn cũng hãy làm như thế bởi hành động của chúng ta ảnh hưởng đến sự sống và cái ch*t của những người khác".

Tính đến ngày 11/3, Italy có hơn 10.000 ca nhiễm và hơn 630 người ch*t vì COVID-19. Hiện nước này áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Theo Vnexpress

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/bon-phuong/bac-si-italy-chung-toi-khong-ngo-covid-19-hung-du-nhu-vay-20200312161655809.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY