Tại Anyang, Trung Quốc, 5 thành viên trong một gia đình được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới (Covid-19) sau khi tiếp đón một vị khách từ thành phố Vũ Hán hồi đầu tháng 1.
Các cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng, một số người nhiễm Covid-19 có thể lây truyền cho người khác ngay cả khi họ không phát triệu chứng.
Người mang virus trong cơ thể nhưng không phát triệu chứng là một hiện tượng phổ biến. Tuy nhiên, Covid-19 là một mầm bệnh mới và những người nhiễm không phát triệu chứng có thể khiến các nỗ lực khoa học để phát hiện các trường hợp này trở nên phức tạp hơn và việc kiểm soát lây nhiễm cũng khó khăn hơn.
“Tôi cho rằng bây giờ không còn bất kỳ nghi ngờ nào về việc ai đó dù không có triệu chứng nhưng vẫn mang virus và lây nhiễm virus đó cho người khác”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dịch bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, cho biết.
“Câu hỏi đặt ra bây giờ là hiện tượng đó phổ biến tới mức nào? Liệu hiện tượng đó có trở thành động cơ quan trọng cho việc bùng phát dịch không, hay chỉ là một sự cố bất thường”, ông Fauci đặt câu hỏi.
Theo Tiến sĩ Fauci, khi những người mang virus nhưng không phát triệu chứng là nhân tố quan trọng trong một đợt bùng phát dịch, việc xét nghiệm sẽ chịu nhiều gánh nặng hơn và cần sự tập trung hơn.
Hiện Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) mới chỉ cho phép xét nghiệm những người có triệu chứng và từng tới Trung Quốc gần đây, hoặc những người từng tiếp xúc với người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng tiêu chuẩn này có thể sẽ phải xem xét lại.
"Chúng ta có thể đã bỏ sót một số lượng lớn các trường hợp không nằm trong các tiêu chuẩn trên", Tiến sỹ Michael Osterholm, giám đốc Trung tâm Chính sách và Nghiên cứu Dịch bệnh Lây nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết.
Những người nhiễm bệnh mà không phát triệu chứng có khả năng lây nhiễm rất cao. Họ hoàn toàn khỏe mạnh và di chuyển liên tục. Họ không có lý do gì để tránh xa đám đông hay hôn nhau. Họ không biết mình bị bệnh, và cũng không ai nghĩ họ bị bệnh.
Những người này rất khó bị phát hiện, điều này cho thấy các chính sách kiểm soát sự lây lan của virus ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ. Quá trình sàng lọc đơn giản đối với các hành khách quốc tế, những người đã phát triệu chứng nhiễm bệnh, có thể bỏ lỡ một số trường hợp không phát triệu chứng.
Đức hồi tháng 2 đã sơ tán 126 công dân từ Vũ Hán, tâm dịch corona tại Trung Quốc. 10 hành khách bị tách riêng vì không được khỏe hoặc bị nghi nhiễm virus. Tuy nhiên, tất cả đều được xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, 10 hành khách bị tách riêng có kết quả âm tính, trong khi 2 hành khách khác, những người cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, có kết quả dương tính. Họ được đưa vào bệnh viện, theo dõi và xét nghiệm liên tục. Một người trong số họ bị viêm họng nhẹ, nhưng cả hai đều không bị ốm.
Hiện phần lớn các ca nhiễm bệnh và Tu vong do virus corona đều ở Trung Quốc, nơi bùng phát dịch trước khi lan sang 40 quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Hơn 2.700 người đã thiệt mạng và hơn 81.000 người đã bị nhiễm virus trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, một số quốc gia có khả năng chưa xác định được hết số người nhiễm virus corona do không tiến hành xét nghiệm trên nhiều người hoặc không có đủ nguồn lực để xét nghiệm.
Một số chuyên gia y tế lo sợ rằng quá trình lây nhiễm từ những người mang virus nhưng không phát triệu chứng có thể đang diễn ra tại các cộng đồng dân cư ở Mỹ. Tuy nhiên, nếu một người nào đó không có mối liên hệ trực tiếp với Trung Quốc, họ không đủ điều kiện để xét nghiệm và họ có thể sẽ không bị phát hiện nhiễm virus. Tình trạng này có thể khiến dịch bệnh lây lan.
Sau khi có 10 ca Tu vong do virus corona, giới chức y tế Italia bắt đầu tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn ở nhiều khu vực. Rốt cuộc, họ phát hiện hàng trăm ca nhiễm virus corona, bao gồm cả những người không có bất kỳ triệu chứng nào.
Lệnh phong tỏa đã được áp dụng ở ít nhất 10 thành phố tại Italia, trong khi hàng chục nghìn người dân được yêu cầu hạn chế đi lại.
Các nghiên cứu trước đây về việc lây nhiễm ngay cả khi không phát triệu chứng, bao gồm trường hợp một phụ nữ Trung Quốc từng tới thăm Đức trong vài ngày hồi tháng 1, từng vấp phải sự chỉ trích.
Người phụ nữ này đã lây nhiễm virus cho một vài đồng nghiệp tại Đức, nhưng không biết là mình bị nhiễm bệnh cho tới khi trở về Trung Quốc. Người này sau đó cũng có một số triệu chứng nhẹ như mệt mỏi. Mặc dù vậy, đây vẫn không phải là triệu chứng thường thấy ở những người nhiễm virus corona chủng mới.
Theo các chuyên gia, nếu những người không có triệu chứng hoặc ít triệu chứng có khả năng lây nhiễm virus corona một cách thường xuyên và hiệu quả, việc xét nghiệm cần được mở rộng.
"Điều này cho thấy chúng ta cần có thêm nhiều xét nghiệm. Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu về cơ chế sinh học của virus corona chủng mới và cách nó gây dịch bệnh", Tiến sỹ Judith Wasserheit, đồng giám đốc Trung tâm An ninh Y tế toàn cầu và Ứng phó Đại dịch thuộc Đại học Washington, nhận định.
Theo Tiến sĩ Sandra Ciesek tại Viện Virus Y tế thuộc Đại học Frankfurt, vấn đề ở đây là "thông thường, chúng ta không sàng lọc những người khỏe mạnh không có triệu chứng vì chi phí (xét nghiệm) quá đắt đỏ".
"Điều này cho thấy chúng ta có thể có nhiều người bị nhiễm virus trên toàn thế giới hơn dự kiến", bà Ciesek cho biết.
Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ xác nhận 59 trường hợp nhiễm virus Covid-19, tuy nhiên số người được xét nghiệm vẫn rất nhỏ so với quy mô của một nước như Mỹ. CDC mới tiến hành 445 xét nghiệm, chưa tính các xét nghiệm được thực hiện với những người được sơ tán về nước.
Giới chức Mỹ cảnh báo các bệnh viện, trường học và doanh nghiệp cần chuẩn bị cho khả năng dịch bệnh bùng phát. Các chiến lược kiểm soát dịch bệnh có thể được mở rộng, bao gồm các bước như đóng cửa trường học, yêu cầu người dân làm việc ở nhà và hạn chế tập trung đông người.
Chủ đề liên quan:
Ca nhiễm ca nhiễm virus ca nhiễm virus corona corona Covid 19 Dịch viêm phổi Trung Quốc nhiễm virus nhiễm virus corona triệu chứng triệu chứng corona virus corona Virus corona Trung Quốc virus Corona Vũ Hán xét nghiệm corona