Theo kết quả điều tra năm 2009 của Viện Dinh dưỡng, Unicef và Tổng cục Thống kê, so với năm 2000, tỷ lệ thừa cân - béo phì (TC-BP) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp 6,2 lần trên phạm vi toàn quốc.
Thực trạng và nguyên nhân béo phì
Theo kết quả điều tra năm 2009 của Viện
dinh dưỡng, Unicef và Tổng cục Thống kê, so với năm 2000, tỷ lệ thừa cân - béo phì (TC-BP) ở trẻ em dưới 5 tuổi đã tăng gấp 6,2 lần trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù mới xuất hiện nhưng TC-BP ở nông thôn lại có tốc độ tăng nhanh hơn thành thị: năm 2000 TC-BP trẻ < 5 tuổi ở thành thị là 0,86%, năm 2004 là 5,4%, năm 2005 là 5,7%, năm 2008 là 5,8% và đến năm 2009 cũng chỉ 5,7%, trong khi đó, năm 2000 TC-BP ở trẻ < 5 tuổi ở nông thôn chỉ là 0,5%, năm 2004 là 1,7%, năm 2005 là 2,2% nhưng đến năm 2008-2009 con số này đã lên tới 4,2%. Theo điều tra của Viện
dinh dưỡng, có 4,9% trẻ 4 - 6 tuổi tại Hà Nội bị TC-BP. Ở TPHCM, tỷ lệ này còn cao hơn rất nhiều: 6% trẻ < 5 tuổi và 22,7% học sinh cấp I. Kết quả điều tra cũng cho thấy, TC-BP còn gia tăng rất nhanh ở các bà mẹ có con dưới 5 tuổi: từ 3% năm 2000 đã tăng lên 5,8% vào năm 2009; TC-BP ở phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cũng tăng từ 4,6% năm 2000 lên 7,9% vào năm 2009.
Nguyên nhân gia tăng tỷ lệ TC-BP là do nuôi dưỡng không đúng cách (đặc biệt nuôi con bằng sữa mẹ), ăn uống thái quá, ăn nhiều thức ăn nhanh, thiếu thời gian và địa điểm cho trẻ hoạt động thể lực, vui chơi, thời gian trẻ xem TV quá nhiều, thiếu sự chăm sóc nuôi dưỡng trực tiếp của bố mẹ, không được theo dõi và tư vấn tăng trưởng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, năm 2009, so với hơn 10 năm trước, tiêu thụ thịt, cá đã tăng gấp 4,6 lần và 1,7 lần, trứng, sữa tăng gấp 18 lần. Tăng tiêu thụ thực phẩm trong khi thiếu kiến thức và thực hành
dinh dưỡng không hợp lý, phần lớn các gia đình lại chỉ sinh 1-2 con nên cha mẹ thường dành cho con rất nhiều điều kiện ăn uống tẩm bổ và cưng chiều con thỏa sức chơi game, xem TV… mà không chú ý cho ăn uống hợp lý và hoạt động thể lực phù hợp đã làm gia tăng nhanh TC-BP. Thêm nữa, nhiều người quan niệm trẻ nhỏ càng “bụ bẫm” càng tốt, hoặc “béo tốt”, nên luôn khuyến khích, thậm chí nài ép trẻ ăn uống thêm đồ bổ dưỡng … Nhưng, như thế là họ đã mắc sai lầm rất lớn. “Bụ bẫm”, “béo tốt” là những quan niệm xưa cũ, còn thực tế bây giờ là bệnh béo phì – “béo” mà “không tốt” vì không những ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, học tập và đời sống hàng ngày mà còn kéo theo những bệnh nguy hiểm khác như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa chất béo, tim mạch, ung thư, … sau này.
Các chuyên gia
dinh dưỡng đã cảnh báo TC-BP ở trẻ em đang gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe hơn cả tình trạng thiếu DD. Một số bài báo trên VTC News cho biết, mới đây ở Việt Nam đã xuất hiện những trẻ siêu béo đến mức không thể tự di chuyển được, khi mới 11 tuổi đã nặng tới gần 80 kg. Có bé mới 5 tuổi (ở Hà Nội) luôn được các bà, các cô khen là "mũm mĩm" nhưng hơn 1 năm nay bà và mẹ không dám đưa con đi cân hàng tháng vì bé đã ngót nghét 30 kg. “Còn bé thế mà cháu ăn tốt lắm. Khắp nhà, chỗ nào bé cũng có thể với tay là lấy được đồ ăn. Nào là bánh kem, bim bim, kẹo dẻo…. đủ cả. Mỗi ngày, ngoài 3 bữa cơm, 3 bữa sữa, bé chén ngon lành rất nhiều đồ ăn vặt khác”, bà nội bé kể. Một bé gái khác 12 tuổi ở Láng Hạ nặng ngót nghét 53kg cũng đang phải chữa trị bệnh BP. Do bố mẹ quá bận rộn và thường xuyên về muộn, nên cứ đến bữa là cháu chạy sang mấy tiệm gần nhà ăn thức ăn nhanh. “Ăn miết đồ này rồi đâm nghiện”, cô bé có đôi má phúng phính nói trong khi vẫn ngấu nghiến chiếc bánh kẹp to đùng. “Lo cháu phải học nhiều mệt, mẹ còn thường xuyên "update" vào tủ lạnh nào là khoai tây chiên, bơ, xúc xích, socola, bánh ngọt… để cháu có thêm đồ tẩm bổ. Nhưng giờ cả cháu và mẹ đều sợ rồi”, cô “bé bự” hồn nhiên cho biết.
Chữa béo phì còn khó hơn cả suy dinh dưỡng - Có đúng không?
Từ những thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã có những chương trình tầm quốc gia phòng chống suy
dinh dưỡng protein-năng lượng (PEM), thiếu vitamin A và khô mắt, thiếu I ôt, thiếu máu … và từng bước đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ SDD nhẹ cân đã giảm từ mức rất cao (51,5% năm 1985) xuống mức trung bình (18,9% năm 2009). Nghiên cứu cũng chứng minh được rằng các can thiệp đặc thù có hiệu quả hạ thấp rất nhanh tỷ lệ SDD gầy còm và nhẹ cân, thậm chí chỉ trong vòng 3 tháng, còn hiệu quả hạ thấp tỷ lệ thấp còi chậm hơn và khó khăn hơn, ít nhất phải sau 6 tháng - 1 năm. Các nghiên cứu can thiệp dự phòng và xử trí TC-BP trẻ em lại cho thấy, hiệu quả giảm tỷ lệ TC-BP rất thấp và rất chậm, thậm chí còn thấp và chậm hơn cả giảm SDD thấp còi. Có thể lý giải một cách đơn giản là khi trẻ đói hoặc ăn uống không hợp lý (một trong 2 nguyên nhân trực tiếp) sẽ bị SDD. Muốn chữa SDD thì chỉ việc cho trẻ ăn uống đủ và bổ sung vi chất cần thiết, đồng thời phòng chống bệnh tật cho trẻ. Còn với BP, do trung tâm thèm ăn luôn trong trạng thái kích hoạt, trẻ thường ăn uống rất ngon miệng và ăn không biết chán nên việc hạn chế ăn uống là rất khó, nhất là áp dụng chế độ ăn thấp/rất thấp năng lượng. Bên cạnh đó, chữa BP không thể không tăng cường tập luyện thể lực (như tập thể dục, chạy nhảy, bơi lội,…) và hạn chế hoạt động tĩnh tại (như chơi game, đọc sách, xem TV, …). Thay đổi thói quen ăn uống và tập luyện với người lớn đã khó, với trẻ BP còn khó hơn. Vì vậy, có thể nói “bệnh BP còn đáng lo ngại và khó chữa hơn cả SDD nhẹ cân cũng như các bệnh
dinh dưỡng">thiếu
dinh dưỡng khác đấy, các bạn ạ!”.
PGS. TS. Phạm Văn Hoan