Ngày 8/8, TS.BS Nguyễn Văn Tình, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, BV 74 Trung ương cho biết: các bác sĩ bệnh viện vừa tiến hành ca nội soi phế quản ống mềm gắp dị vật là 2 mảnh xương lợn có kích thước 1x1,5cm và mảnh xương thứ 2 có kích thước 5x4mm trong phế quản của bệnh nhân.
Trước đó, vào ngày 6/8, bệnh nhân Nguyễn Thị P., 77 tuổi, ở Tiên Dược, Sóc Sơn, Hà Nội được chuyển tới BV 74 Trung ương với triệu chứng ho, có đờm lọc xọc, sốt nóng từng cơn, nhiệt độ của bệnh nhân lên tới trên 39 độ C. Ngoài ra, bệnh nhân có thêm biểu hiện khó thở nhiều, môi tím, nghe phổi có tiếng rít bên phổi trái.
TS Nguyễn Văn Tình cho biết, điều đặc biệt ở trường hợp này là bệnh nhân P . bị mạch máu não 10 năm nay, di chứng bị liệt nửa người khiến bệnh nhân không thể giao tiếp với bác sĩ nên việc hỏi bệnh gặp khó khăn.
Người nhà bệnh nhân cho biết, những triêu chứng trên xuất hiện khoảng 2 tuần nay, người nhà đã đưa bệnh nhân đi điều trị ở tuyến dưới nhưng không đỡ nên được chuyển lên Khoa điều trị tích cực - BV 74 Trung ương với chẩn đoán viêm phổi.
Tuy nhiên, sau khi thăm khám và hội chẩn cùng Ban Giám đốc Bệnh viện, bệnh nhân có chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực. Các bác sĩ phát hiện, có 2 dị vật ở phế quản thùy dưới trái và thùy trên phải. Ngay lập tức, bệnh nhân được chỉ định nội soi phế quản gắp dị vật.
Kíp nội soi phế quản gồm TS.BS Nguyễn Văn Tình, Bs gây mê Đỗ Đình Điểu và phụ soi Điều dưỡng Nguyễn Thị Thảo, Đỗ Trung Cảnh - Khoa Điều trị tích cực. Kíp đã sử dụng kìm và rọ chuyên dụng nội soi lấy ra 2 dị vật là 2 mảnh xương lợn có kích thước 1x1,5cm và 5x4mm ở lỗ phế quản thùy dưới trái và thùy đỉnh phải, sau khi gắp kiểm tra lại các lỗ phế quản đã được giải phóng thông thoáng.
Hiện tại tình trạng bệnh nhân sau khi gắp đã đỡ khó thở, không sốt, nghe phổi không có tiếng rít, các triệu chứng ho, đờm lọc xọc đã giảm hơn. TS Tình cho biết, nguyên nhân gây dị vật phế quản có thể do khi người nhà khi cho bệnh nhân ăn cháo nấu với xương lợn đã bất cẩn để sót mảnh xương nhỏ, khiến bệnh nhân bị hóc, xương chui vào phế quản. Thêm vào đó, bệnh nhân bị liệt, nên phản xạ ho khạc kém, lúc bị hóc đã không thể tống được dị vật ra ngoài. Mặt khác, di chứng mạch máu não còn khiến bệnh nhân không thể giao tiếp bằng lời gây khó khăn cho việc phát hiện sớm bệnh.
Người nhà bệnh nhân cũng thừa nhận, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân, gia đình thường cho bệnh nhân ăn qua đường miệng, và không biết bà P. từ khi nào.
Theo các bác sĩ, người cao tuổi thường gặp các T*i n*n hóc dị vật như nuốt Thu*c còn nguyên vỏ, xương, tăm hoặc răng giả… nên trong sinh hoạt cần lưu ý tránh các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Mảnh xương khi được lấy ra khỏi phế quản của bệnh nhân
Đối với những người vừa cao tuổi vừa mắc bệnh để lại di chứng như liệt, phản xạ ho, khạc kém, TS Tình khuyến cáo, khi chăm sóc, người chăm nuôi cần lưu ý cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, trường hợp bệnh nặng cần ăn qua sonde dạ dày. Thức ăn cần được xay kỹ và chăm sóc chu đáo, cần chú ý đến tư thế khi cho bệnh nhân ăn uống để tránh bị sặc, hóc mà ngay cả người bệnh và người chăm sóc cũng không lường hết được.