Khối u ở tim có thể bắt gặp ở bất kỳ người ở độ tuổi nào. Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh không thể dự phòng được, thường có tiên lượng xấu nên việc phát hiện và điều trị sớm có ý nghĩa quan trọng.
Dù đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u trong tim nhưng ông Đ., 40 tuổi, ở Nam Trực, Nam Định vẫn chưa hoàn hồn sau cơn thập tử nhất sinh.
Ông Đ. kể, trước đây thỉnh thoảng thấy có cơn nặng ngực, hụt hơi, ông cứ chủ quan cho rằng do làm việc quá sức nên không đi khám.
Gần đây, các cơn nặng, tình trạng tức ngực xuất hiện với tần suất nhiều hơn, người nhanh mệt, có những lúc đang nghỉ ngơi cũng thấy tim đập liên hồi, ngực nặng, khó thở. Đi khám, ông Đ. được chẩn đoán là suy nhược cơ thể, chỉ cần nghỉ ngơi, bồi bổ.
Sau thời gian điều trị, về nhà bệnh nhân lại bị sốt nhiều, ho khan và khó thở. Nguy hiểm hơn, ông Đ. thường xuyên bị ngất mỗi khi nằm. Cấp cứu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán có khối u nhầy 5 cm trong tim.
Bác sĩ lý giải, khối u to lan gần hết tâm thất trái, sa vào hai lá gan gây cản trở đường vận chuyển máu vào tĩnh mạch phổi xuống tâm thất trái, đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân khó thở, ngất lịm.
Ngay cả khi bệnh phát triển ở giai đoạn nặng hơn với các biểu hiện như khó thở, ngất lịm..., nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm với bệnh động kinh, hở van hai lá hoặc các bệnh lý của phổi.
Theo bác sĩ Hiếu, 3/4 trường hợp u tim là các u lành tính và chủ yếu là u nhầy. Còn lại là các khối u ác tính, thứ phát từ một căn bệnh ung thư như ung thư phổi, ung thư dạ dày…
Người bị u ác tính trong tim có nguy cơ suy tim ứ huyết, tràn dịch màng ngoài tim, bệnh phát triển nặng, nhanh và dễ Tu vong.
Tuy nhiên, ngay cả trường hợp u lành tính, tính mạng người bệnh cũng bị đe dọa do khối u nhầy dễ gây cản trở dòng máu chảy trong tim, hình thành cục máu đông làm bệnh nhân bị ngất đột ngột hoặc đột quỵ.
Ước tính có tới 15% bệnh nhân u nhầy trong tim bị đột tử do tắc cấp tính van hai lá hoặc mạch vành.
“Bệnh viện Tim Hà Nội từng cứu sống trường hợp có khối u ở tim to bằng quả cam nằm trọn trong tim, chèn ép mạnh khiến bệnh nhân bị phù phổi cấp, tổn thương van tim nặng”, bác sĩ Hiếu nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, u ở tim là một bệnh lý không thể dự phòng. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, từ trẻ em đến người già. Điều đáng lo ngại là u tim ở trẻ thường là khối u ác tính.
Do đó, khi thấy có biểu hiện đau ngực, đánh trống ngực liên hồi, sốt, sút cân, khó thở, mệt mỏi, đặc biệt là ngất khi thay đổi tư thế, nên đi khám tại cơ sở y tế chuyên khoa tim để phát hiện bệnh sớm.
Tránh để tình trạng khối u to, bởi u nhầy có rất nhiều múi bở, nếu vỡ ra nó sẽ “bắn” đi khắp cơ thể gây tắc mạch, khi đó bệnh nhân dễ bị liệt, thậm chí Tu vong, trong khi nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có hiệu quả tốt bằng các biện pháp phẫu thuật cắt bỏ khối u hoặc dùng hóa chất xạ trị.
Bệnh lý này cũng có nguy cơ tái phát cao dù là các khối u lành tính. Vì thế, người bệnh dù đã được điều trị thành công cũng cần tuân thủ tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.