Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Luật Khám bệnh, được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
Việc ban hành Luật cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoàn cảnh Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới và cũng đã tham gia một số hiệp định quốc tế trong lĩnh vực hành nghề y khoa.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã có một số hạn chế, bất cập như: một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam cũng như một số nội dung chưa bảo đảm tính hội nhập quốc tế.
Do đó, hội nghị lần này cũng như Hội nghị khu vực phía Nam sắp tới là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu thực tiễn. Bộ trưởng đề nghị cần nêu rõ những mặt đạt được, nhất là những hạn chế, bất cập của toàn bộ quá trình thi hành Luật. Trong đó cần lưu ý, xác định được những điều khoản, nội dung nào trong Luật gây vướng mắc, mâu thuẫn, thậm chí “ghè đá vào chân”, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn các thầy Thuốc, nhân viên y tế.
Đồng thời, nghiên cứu các nội dung cần sửa đổi cần đồng bộ với các Luật khác. Xác định những nội dung hành lang pháp lý cần thiết phải ban hành, nhưng chưa có trong Luật hiện tại. Các nội dung điều chỉnh, bổ sung cần đảm bảo phù hợp với quá trình quốc tế của Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, trong giai đoạn tới, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Tổ chức tốt việc thực hiện và áp dụng pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế kiến nghị sửa đổi đối với một số nội dung cụ thể trong Luật khám bệnh, chữa bệnh về các khái niệm trong Luật; về các hành vi bị nghiêm cấm; về quyền và nghĩa vụ của người bệnh; về cấp chứng chỉ hành nghề; cấp giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh; về giải quyết tranh chấp trong khám bệnh, chữa bệnh; về ứng dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, chữa bệnh; và về an ninh bệnh viện.
Theo Bộ Y tế, thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Đến nay, 100% số xã có trạm y tế (99,4% xã có nhà trạm, 0,6% phải nhờ các cơ sở khác); khoảng 87,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc (gồm bác sỹ tại trạm và bác sỹ từ trung tâm y tế huyện luân phiên về làm việc một số ngày nhất định trong tuần); 97% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; gần 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Nhiều trạm y tế xã được đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất khang trang, 66,1% xã năm 2015 và khoảng 70% xã năm 2016 đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Phương thức hoạt động của một số trạm đã được đổi mới, ngoài khám, chữa bệnh thông thường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, thực hiện các nhiệm vụ về y tế dự phòng, một số trạm đã thực hiện quản lý, tư vấn sức khỏe người dân trên địa bàn, quản lý một số bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… tham gia vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường, tham gia bảo hiểm y tế, đã có trạm thí điểm kết hợp với các thầy Thuốc, lương y trên địa bàn để cùng chăm sóc sức khỏe nhân dân, thí điểm xã hội hóa…
Tại các đô thị đã thí điểm mô hình y học gia đình, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng ngay tại địa bàn sinh sống, thực hiện tốt phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh"; "quản lý sức khỏe liên tục, lồng ghép, toàn diện" dựa vào cộng đồng. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong các nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh.
Về y tế chuyên sâu, đã hình thành được các trung tâm y tế chuyên sâu tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Huế - Đà Nẵng; xây dựng một số bệnh viện đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ vùng, đã và đang đầu tư 05 bệnh viện trung ương tuyến cuối tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực để phát triển các chuyên khoa, kỹ thuật cao.
Các bệnh viện đầu ngành cũng đã được trang bị nhiều loại thiết bị hiện đại trên thế giới để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị cũng như nghiên cứu khoa học. Hầu hết các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trên thế giới và khu vực thực hiện được thì các bệnh viện Việt Nam cũng có khả năng và đang thực hiện được. Một số kỹ thuật chuyên ngành đạt tốp đầu khu vực, nhiều nước đã đến học tập và nhận chuyển giao kỹ thuật.
Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ các bệnh viện trung ương tuyến cuối mới thực hiện được, nhưng do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của các bệnh viện tuyến dưới, đến nay các bệnh viện tỉnh, huyện đã thực hiện được.
Quy định phân hạng, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đã tạo nên cơ sở cho việc xác định mức độ được phép cung cấp dịch vụ kỹ thuật, chuyển tuyến đối với người bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và tổ chức hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần đưa dịch vụ kỹ thuật y tế đến gần người dân, bảo đảm sự công bằng trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, giảm tính trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên...
Trong thời gian qua, các cơ sở y tế công lập được củng cố và phát triển cả về số lượng, chất lượng và quy mô, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống: số cơ sở tăng nhanh, từ 11.397 cơ sở năm 1993 lên 13.541 cơ sở năm 2016, bao gồm cả phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh, trạm y tế xã, hiện đang được sắp xếp lại cho phù hợp.
Các cơ sở y tế tư nhân có bước phát triển lớn, đóng vai trò quan trọng trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân. Số bệnh viện và số giường bệnh ngoài công lập tăng nhanh: đến năm 2005 có 43 bệnh viện trên địa bàn của 9 tỉnh, thành phố với 3.324 giường bệnh, nay đã tăng lên 250 bệnh viện với 15.475 giường bệnh (đạt 1,7 giường/1 vạn dân, chiếm 15% số bệnh viện và 5,6% số giường bệnh trong toàn quốc), có khoảng gần 40.000 nhà Thuốc, 35.000 phòng khám đa khoa, chuyên khoa, cung cấp 43% dịch vụ ngoại trú và 2,1% tổng số dịch vụ nội trú cho người dân (một số bệnh viện 100% vốn nước ngoài có trang thiết bị hiện đại đã được đưa vào hoạt động). Một số phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân tham gia thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển: Chỉ thị 06-CT/TW của Ban Bí thư về củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở đã xác định rõ mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã; là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội.
Chủ đề liên quan:
bộ trưởng bộ y tế chữa bệnh luật khám chữa bệnh luật khám chữa bệnh sửa đổi sửa đổi y tế