Hiện, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường khi lan rộng ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đã bắt đầu lây lan ra cộng đồng, xuất hiện lây nhiễm cho nhân viên y tế.
Để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về công tác phòng chống dịch COVID-19, không chủ quan, lơ là, phải chủ động trong mọi tình huống, quán triệt toàn bộ cán bộ nhân viên, người lao động với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly kịp thời, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Minh Thúy |
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh tới khám bệnh, chữa bệnh. Hạn chế số cổng ra, vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí đo thân nhiệt cho tất cả những người vào cổng bệnh viện; đặt hẹn khám bệnh qua phương tiện truyền thông, internet để giảm tối đa số lượng người bệnh tới khám, chờ khám cùng một thời điểm, bảo đảm người bệnh ngồi chờ khám cách xa nhau khoảng cách ≥ 2 m.
Cùng với đó, các bệnh viện cần hạn chế số lượng người bệnh vào điều trị nội trú một cách hợp lý và tăng cường hiệu quả điều trị để rút ngắn thời gian điều trị nội trú cho người bệnh, giữ khoảng cách giữa các giường bệnh bảo đảm cách nhau ≥ 2 m.
Nhân viên y tế tại sân bay. Ảnh: Hoàng Anh |
Hạn chế tối đa người nhà đến thăm, chăm sóc người bệnh. Người chăm sóc người bệnh phải đăng ký và ghi lại thông tin liên lạc.
Hạn chế tổ chức ăn tập trung tại Khoa dinh dưỡng và bảo đảm khoảng cách tiếp xúc ≥2 mét giữa những người tiếp xúc; yêu cầu tất cả mọi người ra vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải đeo khẩu trang; đặt dung dịch sát khuẩn rửa tay nhanh tại các vị trí thuận lợi cho người bệnh và nhân viên y tế.
Hạn chế tổ chức hội nghị, hội thảo tập trung; thay đổi hình thức, số lượng buổi giao ban, hạn chế số người tham dự giao ban bệnh viện, giao ban khoa, phòng; tăng cường hình thức, phương thức làm việc trực tuyến, telemedicine. Bố trí nhân lực làm việc theo ca và xây dựng phương án nhân sự làm việc trong thời gian tối thiểu 3 tháng dự phòng có tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế đối với một nhóm cán bộ; không cử nhân viên đi công tác trừ trường hợp phục vụ phòng chống dịch hoặc công tác đặc biệt.
Các bệnh viện chuẩn bị đầy đủ, trang thiết bị, Thu*c, vật tư tiêu hao. Chuẩn bị sẵn phương án cho tình huống dịch bệnh lan rộng trên địa bàn. Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế. Có phương án cách ly đối với nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh và kiểm soát các đơn vị, cá nhân thực hiện các dịch vụ từ bên ngoài như giặt là, bảo vệ, dọn vệ sinh,… các quầy bán hàng trong bệnh viện.
Khi phát hiện một trường hợp người bệnh, nhân viên y tế nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không phải là người bệnh đến khám phát hiện hay nhân viên y tế tại các khoa cách ly điều trị COVID-19, Bộ Y tế yêu cầu bệnh viện báo cáo cơ quan quản lý có thẩm quyền, lập tức cách ly tạm thời toàn bộ khoa bao gồm cả người bệnh và người nhà người bệnh cùng nhân viên y tế; lập danh sách toàn bộ người tiếp xúc gần để thực hiện việc cách ly; tạm dừng việc tiếp nhận bệnh nhân.
Nếu xảy ra lây nhiễm chéo, bệnh viện lập tức dừng toàn bộ việc tiếp nhận người bệnh trừ trường hợp cấp cứu và thực hiện cách ly toàn bệnh viện. Các khoa có điều trị người bệnh nặng thực hiện cách ly tuyệt đối. Phối hợp với Chính quyền địa phương thực hiện việc cách ly và hỗ trợ cho việc cách ly. Thực hiện việc xét nghiệm đối với nhân viên y tế và xét nghiệm bệnh nhân, người nhà người bệnh khi cách ly, xét nghiệm nhân viên y tế ở những khu vực dễ có nguy cơ lây nhiễm và khu điều trị người bệnh nặng. Tăng cường tập huấn chuyên môn chẩn đoán, điều trị COVID-19; các kỹ thuật sử dụng máy thở; các biện pháp dự phòng lây nhiễm trong cơ sở y tế. Sẵn sàng tăng cường, hỗ trợ cho tuyến dưới.
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt cho người dân. Ảnh: Minh Thúy |
Bộ Y tế cũng yêu cầu tất cả các nhân viên y tế phải khai báo y tế. Các trường hợp có tiếp xúc gần với ca bệnh xác định COVID (F1) và tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) phải khai báo trung thực và đầy đủ. Trường hợp khai báo không trung thực hoặc không đầy đủ sẽ bị xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể bị buộc thôi việc, đồng thời, chấn chỉnh Đường dây nóng, cắt cử người để thực hiện nắm bắt thông tin.
Đối với các đơn vị y tế dự phòng, các viện nghiên cứu Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị này tập trung xây dựng các cơ sở xét nghiệm; tăng cường tập huấn cán bộ; tăng cường trang thiết bị, kỹ năng trong khoanh vùng xử lý ổ dịch; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp bệnh viêm đường hô hấp, hội chứng cúm, các chùm ca bệnh để xác định tác nhân gây bệnh; triển khai khai báo y tế; hỗ trợ người dân trong khai báo y tế; tập huấn cho cán bộ, cho sinh viên các năm cuối cấp để chuẩn bị nhân sự cho việc chăm sóc và điều trị.
Ngoài ra, Sở Y tế tham mưu chính quyền địa phương đầu tư, nâng cấp cơ sở thực hiện xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo năng lực thực hiện xét nghiệm trên diện rộng. Tiếp tục rà soát hoàn thiện các phương án cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ Thu*c, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho việc tiếp nhận điều trị người bệnh thường xuyên cập nhật các phương án phòng dịch.
Chủ đề liên quan:
bệnh phổi lạ bệnh viện Bộ Y bộ y tế cách ly cách ly toàn bệnh viện Covid 19 COVID_19 lây nhiễm lây nhiễm chéo covid 19 triệu chứng virus corona trung quốc tử vong viêm phổi virus corona virus corona là gì virus corona mới xảy ra y tế