Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Bộ Y tế chậm chạp, dân lãnh đủ!

Việc công bố dịch tay chân miệng cho tới nay mới dừng lại ở mức “đề nghị” chứ chưa có quyết định nào chính thức.

Sự chậm trễ trong công bố dịch có thể phải trả một giá thật đắt về công sức, tiền bạc và con người.

BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh BV Nhi Đồng 1, TPHCM nói: “Do chưa công bố dịch, nên các bệnh viện tuyến tỉnh không được UBND cung cấp đủ tài lực, vật lực, đặc biệt là gamma globulin - sản phẩm đặc trị để điều trị bệnh tay chân miệng giai đoạn nặng - nên họ cứ chuyển bệnh lên TPHCM. Điều này gây tốn nhiều công sức, tiền bạc của người dân”.

Bao nhiêu tỉ đồng mất mát cho chuyện này? Không ai tính được, cũng như không ai tính được bao nhiêu công sức lẫn tiền bạc mà các bệnh viện nhi và truyền nhiễm của TPHCM phải “gánh” cho các tỉnh thành khác nhau, thay vì tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh vốn quá bề bộn của một thành phố có số dân nhiều nhất nước.

Xét về góc độ con người còn mất mát hơn nhiều: 81 ca Tu vong. Đây là số Tu vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm từng có ở nước ta, nghĩa là cao hơn cả số Tu vong gây ra do các dịch cúm “thời thượng” là cúm A/H5N1 hay cúm A/H1N1.

Dĩ nhiên, không loại trừ nguyên nhân khách quan, đó là tác nhân gây bệnh tay chân miệng năm nay có biến đổi, do chủng virút enterovirus 71 týp B2 chứ không phải C5 như các năm trước. Tuy nhiên, nếu được “nâng cấp” lên đúng mức thành dịch, chắc hẳn bệnh tay chân miệng sẽ thu hút hơn sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và như thế công tác truyền thông, dự phòng sẽ đạt hiệu quả cao hơn, không gây thiệt hại nhiều cho người dân.

Sự chậm trễ của ngành y tế còn thể hiện cả trong việc ban hành phác đồ điều trị. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giữa năm nay các chuyên gia truyền nhiễm và nhi khoa của TPHCM đã vài lần ra Hà Nội để đóng góp xây dựng phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng. Vào trung tuần tháng 6, đại diện cục Y tế dự phòng cho biết chậm lắm cuối tháng sẽ ban hành phác đồ. Thế nhưng, mãi đến ngày 19.7, phác đồ mới được công bố.

Đến lúc này để phòng chống tốt dịch tay chân miệng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh này gây ra, sự hợp lực của toàn xã hội, mọi ban ngành, đặc biệt từ mỗi gia đình vẫn là điều quan trọng nhất.

Theo Phan Sơn - Sài Gòn Tiếp Thị

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-bo-y-te-cham-chap-dan-lanh-du-9928.html)
Từ khóa: bộ y tế

Chủ đề liên quan:

bộ y tế y tế

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY