Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Bộ Y tế tung cánh quân tinh nhuệ nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng phòng dịch

MangYTe - Ngoài các chuyên gia hàng đầu của khoảng 8 bệnh viện Trung ương và trường đại học cắm chốt hỗ trợ Đà Nẵng, hôm nay, Bộ Y tế tiếp tục chi viện cho địa phương này nhằm khống chế nhanh nhất dịch bệnh.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 diễn ra mới đây, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin, phần lớn các trường hợp nhiễm có liên quan đến khu vực của 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng. Khu vực này đã được lực lượng chức năng của Đà Nẵng phong tỏa chặt chẽ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài. Do đó, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ưu tiên tối đa cho việc dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng.

Đến nay, Bộ Y tế đã "tung" lực lượng khoảng hơn 8 bệnh viện, trường Đại học Trung ương hỗ trợ Đà Nẵng, Quảng Nam triển khai cách ly, theo dõi, điều trị COVID-19. Đây là đội quân tinh nhuệ nhất, nhiều kinh nghiệm trong giám sát, phát hiện, cách ly, điều trị COVID-19 trong thời gian qua.

Giám sát, khử khuẩn tại một hộ gia đình có người nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng

Không chỉ tung nhân lực có trình độ chuyên môn cao nhất đảm nhiệm công tác điều tra giám sát, xét nghiệm, điều trị, những ngày qua, Bộ Y tế đã huy động hàng trăm sinh viên của Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng và Đại học Y Dược Huế tham gia thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch tại Đà Nẵng...

Mới nhất, Bộ Y tế đã huy động 800 sinh viên Đại học Kỹ thuật y dược Đà Nẵng và Trường quân sự quân khu 5 tham gia chống dịch tại Đà Nẵng.

Dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng cũng như một số tỉnh thành trong cả nước được nhận định đang diễn biến phức tạp, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sáng ngày 29/7, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tổ chức lớp tập huấn cho 30 giảng viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng.

Hai nội dung được tập trung tập huấn gồm: "Cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID- 19" và "Hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2".

30 giảng viên này sẽ trở thành giảng viên nòng cốt chịu trách nhiệm tập huấn cho các lực lượng chi viện công tác phòng chống dịch trên địa bàn Đà Nẵng.

​Chiều nay, các giảng viên nòng cốt của Trường đã tập huấn cho 400 cán bộ, nhân viên, chiến sĩ và học viên của Trường Quân sự Quân khu 5 về "Cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID- 19".

​Dự kiến sáng 31/7/2020, gần 400 sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng sẽ được tập huấn về "Cách truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID- 19" và "Hướng dẫn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2".

​Toàn bộ lực lượng này sau khi được tập huấn sẽ tham gia vào việc truy vết người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của Sở Y tế Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Đà Nẵng.

Cũng trong ngày hôm nay, 30/7, Bộ Y tế cho biết đã quyết định tăng cường chi viện nhân lực phòng chống dịch tới Đà Nẵng để giúp địa phương ứng phó tốt hơn với dịch COVID-19.

Thành phần chi viện bao gồm các chuyên gia từ Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục phòng, chống HIV/AIDS, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP HCM.

Bộ Y tế cho biết đội ngũ này sẽ phối hợp với 3 tổ công tác đặc biệt về giám sát dịch, xét nghiệm và điều trị mà Bộ Y tế cử đến Đà Nẵng từ ngày 25/7. Toàn bộ lực lượng này sẽ được đặt dưới sự chỉ đạo của PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Trước đó, ngày 25/7, Bộ Y tế thông tin ca bệnh 416 ở Đà Nẵng- ca nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận. Cùng ngày, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định thành lập 3 Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Đà Nẵng.

Đoàn gồm các chuyên gia hàng đầu, có kinh nghiệm trong việc điều tra dịch tễ, cách ly, điều trị và xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Đội điều tra giám sát dịch do PGS.TS Trần Như Dương - Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 6 thành viên khác.

Đội điều trị do ThS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) làm đội trưởng cùng 7 thành viên khác, trong đó có 3 bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy là những người trực tiếp điều trị thành công cho bệnh nhân bệnh nhân 91.

Đội xét nghiệm do PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương làm đội trưởng cùng 4 thành viên khác của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Nhóm chuyên gia này vào để hỗ trợ việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng các bộ kit xét nghiệm do Việt Nam sản xuất.

Ngoài những đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, Bộ Y tế cử đội công tác là các chuyên gia về xét nghiệm, thận nhân tạo, hồi sức, truyền nhiễm của Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ Bệnh viện Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Viện Pasteur TP HCM hỗ trợ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, thiết lập phòng xét nghiệm tại Bệnh viện 199 Bộ Công An.

Dự kiến, ngày 30/7, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga sẽ đến Đà Nẵng hỗ trợ với việc thành lập một phòng thí nghiệm di động và Học viện Quân y hỗ trợ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 xét nghiệm.

Hiện nay, khả năng xét nghiệm của Đà Nẵng đạt trên 1.000 mẫu, có thể đạt tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Đà Nẵng đặt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000 đến 7.000 mẫu xét nghiệm/ngày.

Đối với Quảng Nam, Bộ Y tế đã giao trường Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (bệnh viện thuộc Bộ Y tế đặt tại tỉnh Quảng Nam) để có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm tại đây.

V.Thu

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/y-te/bo-y-te-tung-canh-quan-tinh-nhue-nhat-vao-ho-tro-da-nang-phong-dich-2020073015593645.htm)

Chủ đề liên quan:

bộ y tế chi viện Covid 19 hỗ trợ

Tin cùng nội dung

  • Theo y học cổ truyền, bệnh lao phổi là phế lao. Nguyên nhân gây bệnh là do chính khí hư, tinh huyết suy tổn để bệnh tà xâm phạm vào phế.
  • Theo y học cổ truyền, viêm bàng quang là bệnh chủ yếu do thấp nhiệt uất ở hạ tiêu, bàng quang gây nên. Vì vậy, việc điều trị chủ yếu là thanh nhiệt, lợi thấp, lợi niệu, thông lâm làm chính.
  • Lao là một bệnh truyền nhiễm do trực khuẩn Mycobacterium. Bệnh thường ở phổi, nhưng cũng có thể ở các tạng phủ khác (lao màng não, lao màng phổi, lao màng bụng, màng tim, lao hạch, lao khớp...).
  • Theo Đông y, hạ khô thảo vị đắng, cay, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh can hỏa, tán uất kết, tiêu ứ, sáng mắt.
  • Trước đây người ta thường biết đến mề đay như một căn bệnh chỉ gây khó chịu trong cuộc sống hàng ngày mà không nghĩ rằng đôi khi nó cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nghiên cứu thuộc trường Đại học McGill ở Montreal, Canada phát hiện một loại phân tử chỉ có ở người và linh trưởng mà một lượng nhỏ phân tử này cũng có thể hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm.
  • Khi bị thủy đậu, người bệnh cần được khám, dùng Thuốc và chăm sóc theo đúng hướng dẫn của thầy Thuốc. Bên cạnh đó, có thể áp dụng một số các bài Thuốc Đông y sau có tác dụng hỗ trợ điều trị tốt, giúp người bệnh nhanh khỏi và hồi phục sức khỏe.
  • Cai nghiện Thuốc lá là một quá trình đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, ý chí và quyết tâm của bản thân người nghiện cũng như sự ủng hộ của những người xung quanh. Mặc dù không dễ dàng, nhưng nhiều người đã thành công. Bên cạnh những biện pháp giúp khắc phục các triệu chứng khi cai nghiện Thuốc lá, hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện những dòng sản phẩm hỗ trợ giúp quá trình cai nghiện trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
  • Trí nhớ kém là một trong các triệu chứng điển hình thường gặp ở bệnh nhân tâm thần.
  • Viêm bàng quang, niệu đạo là một bệnh lý rất thường gặp với các triệu chứng sốt, đau tức bụng dưới, táo bón, đái dắt, đái khó, đái buốt, đái đục hoặc có mủ,…
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY