Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cán bộ y tế dự phòng Hà Nội: Thầm lặng cống hiến, hi sinh

(MangYTe) Cán bộ y tế dự phòng là những người “đi trước về sau”, những bác sĩ không mặc áo blouse trắng. Khi người dân nhìn thấy y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng là chỉ nhìn thấy chúng tôi trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít mà thôi...

Lấy mẫu xét nghiệm thâu đêm

Mặc dù không trực tiếp tham gia khám chữa, cấp cứu bệnh nhân, nhưng các y, bác sĩ, cán bộ làm công tác y tế dự phòng luôn là những người đi đầu trong “trận chiến” chống dịch bệnh Covid-19, xông pha vào các vùng tâm điểm để kiểm soát, dập dịch nhanh chóng và hiệu quả.

Những nhân viên y tế thực hiện công tác xét nghiệm luôn phải làm việc trong môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. (Ảnh: Phạm Hùng)

Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, gần 300 nhân viên y tế dự phòng thuộc nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội đã phải căng mình làm việc thâu đêm, để nhanh chóng lấy hàng nghìn mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Cho đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Mê Linh đã ghi nhận 4 ca mắc Covid-19. Để khẩn trương sàng lọc, phát hiện sớm nguy cơ ca lây nhiễm, công tác lấy mẫu xét nghiệm đã được gấp rút triển khai ngay trong đêm 9/4 và người dân cũng đã nghiêm túc tham gia, góp phần tích cực cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả.

Chia sẻ với phóng viên, Bác sĩ Chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội cho biết: Nhằm quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện Mê Linh, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, tối 9/4, 5 đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, 30 đội cơ động của 30 Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã và 20 sinh viên đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Hạ Lôi.

Cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sự tham gia của cán bộ y tế dự phòng, ngay trong đêm, người dân xã Hạ Lôi đã được mời đến theo danh sách, được đón tiếp, hướng dẫn kê khai y tế và thực hiện lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh Covid-19. Các nhân viên y tế đã bắt đầu lấy mẫu xét nghiệm từ 18h tối 9/4 cho đến khoảng 2h sáng ngày 10/4. Qua đó, đã lấy được 1.675 mẫu xét nghiệm.

Được biết, mỗi mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân đều được nhân viên y tế ghi chép, mã hóa, tách chiết, phân loại… một cách tỉ mỉ và thận trọng. Việc lấy mẫu xét nghiệm phải tuân theo quy tắc nghiêm ngặt về quy trình, bởi chỉ một sơ suất nhỏ sẽ ảnh hưởng kết quả xét nghiệm và độ chính xác.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đánh giá: “Khâu xét nghiệm rất quan trọng và cần độ chính xác cao. Chính xác về chất lượng xét nghiệm, chính xác về tên tuổi mẫu xét nghiệm. Bởi việc xét nghiệm chuẩn, xét nghiệm sớm có vai trò rất quan trọng trong việc xử lý và triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, tránh dịch bệnh lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người”.

Sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào 

Không chỉ xét nghiệm thâu đêm ở Hạ Lôi, mà từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, các nhân viên y tế dự phòng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung, cũng như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố nói riêng vẫn đang căng mình trên khắp các mặt trận thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch.

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đều triển khai các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới nhiễm bệnh Covid-19. 

Cán bộ, nhân viên y tế dự phòng đã lấy được 1.675 mẫu xét nghiệm dịch bệnh Covid-19 tại thôn Hạ Lôi. (Ảnh: Phạm Hùng)

Với những nhân viên y tế được điều động trong đêm, theo bác sĩ Khổng Minh Tuấn, họ là những người đi vào "tâm dịch", trực tiếp tiếp xúc với các trường hợp nghi nhiễm để lấy mẫu xét nghiệm, từng giây, từng phút đối diện với nguy cơ lây nhiễm Covid-19, song tất cả đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ, vì sức khỏe của cộng đồng.

Được biết, dù nắng hay mưa, thời gian cao điểm dịch hay không bùng phát dịch… thì những cán bộ làm công tác y tế dự phòng giống như nhưng chiến sĩ thầm lặng vẫn kiên trì bám địa bàn, tích cực hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh. Trong khi, đặc thù của ngành y tế dự phòng rộng và phức tạp, đảm nhiệm mảng phòng chống dịch bệnh cho cả cộng đồng, hiệu quả công việc khó có thể đong đếm trong ngày một ngày hai.

Nhắc tới những vất vả trong nghề mà không phải ai cũng hiểu, bác sĩ Khổng Minh Tuấn trải lòng: “Chúng tôi vẫn bông đùa với nhau, y tế dự phòng là những người “đi trước về sau”, những bác sĩ không mặc áo blouse trắng. Khi người dân nhìn thấy y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng là chỉ nhìn thấy chúng tôi trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít mà thôi. Còn "đi trước" là điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm... "về sau" là ngay cả khi bệnh nhân khỏi bệnh, ra viện, chúng tôi lại tiếp tục khử khuẩn, sát trùng... để các bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng đón các bệnh nhân mới”.

Mặc dù công việc vất vả, nguy cơ lây nhiễm bệnh, dịch luôn cận kề, song chế độ đãi ngộ với ngành y tế dự phòng nói chung và cán bộ y tế dự phòng nói riêng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức. Thu nhập thấp đang là nguyên nhân chính khiến nhiều cán bộ y tế dự phòng muốn “nhảy việc”, còn lớp trẻ không muốn về công tác trong ngành này. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố cho biết: Tất cả những sinh viên các trường đại học y khoa đều có mong muốn sau khi ra trường đều được làm ở những bệnh viện, nhất là ở những bệnh viện lớn có tiếng thì đó là điều hạnh phúc. Tuy nhiên, song song có hai hệ thống đó là hệ thống điều trị và hệ thống y tế dự phòng.

Và mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn, vất vả đi kèm niềm vui và hạnh phúc riêng. “Bởi lẽ, thông thường với mỗi bác sĩ điều trị, khi thành công là cứu được một ca bệnh hay một số ca bệnh. Nhưng thành công của hệ thống y tế dự phòng hay cán bộ y tế dự phòng nói chung sẽ bảo vệ cho cả một quần thể cộng đồng không bị các dịch bệnh khác nhau.

Bởi vậy, chúng tôi dù không có bệnh nhân nhưng lại có thể bảo vệ sức khỏe của rất nhiều người, đó là niềm hạnh phúc khó tả của những bác sĩ công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng”, bác sĩ Khổng Minh Tuấn cho biết thêm.

Những công việc các cán bộ y tế dự phòng Thủ đô đã và đang làm vì sức khỏe người dân trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Hy vọng rằng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều chính sách ưu đãi hơn đối với cán bộ y tế dự phòng. Khi các nhân viên y tế hệ y tế dự phòng được quan tâm như hệ điều trị thì hiệu quả phòng, chống dịch sẽ được nâng cao, công việc của những cán bộ y tế dự phòng lúc đó sẽ được cộng đồng biết đến nhiều hơn chứ không còn thầm lặng như bấy lâu.

Minh Khuê - Kim Tiến

Mạng Y Tế
Nguồn: Lao động thủ đô (http://laodongthudo.vn/can-bo-y-te-du-phong-ha-noi-tham-lang-cong-hien-hi-sinh-106417.html)

Tin cùng nội dung

  • Xét nghiệm máu là một loại xét nghiệm phổ biến, giúp chẩn đoán, theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh, và kiểm tra nhóm máu của bạn, trước khi được truyền máu.
  • Xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể giúp xác định một số loại bệnh nhiễm trùng nhất định và một số rối loạn khác.
  • Tốc độ lắng máu hay tốc độ lắng hồng cầu (erythrocyte sedimentation rate - ESR), protein C phản ứng (C-reactive protein - CRP) và độ nhớt huyết tương (plasma viscosity - PV) là các xét nghiệm máu thường được sử dụng để phát hiện sự gia tăng protein, và là dấu hiệu của viêm.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận (eGFR) được sử dụng không phải để trực tiếp chẩn đoán các bệnh về thận mà nhằm đánh giá hoạt động chức năng của thận có tốt hay không.
  • Thấy chiếc taxi không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, một chiến sỹ công an phường đứng trước đầu xe đã bị chiếc xe này hất lên nắp capo, chạy một đoạn dài trên phố.
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Đỗ 2 trường Đại học, một trường Thủ khoa, 1 trường Á khoa, nhưng Trần Văn Cường (THPT Trần Phú - Hà Tĩnh) buồn lo nhiều hơn vui sướng, em còn không dám chắc liệu mình có thể đi học hay không vì gia cảnh quá khốn khó, éo le.
  • Những điều cần biết khi thực hiện xét nghiệm di truyền.
  • Dịch vụ phòng ngừa là rất quan trọng cho tất cả mọi người, đặc biệt là đối với người cao tuổi. Đó là vì nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe tăng lên khi bạn có tuổi. Bằng cách ngăn ngừa, hoặc xác định chúng ở giai đoạn sớm, bạn có nhiều khả năng sống một cuộc sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, và thỏa mãn hơn.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY