Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cảnh báo: Nắng nóng gay gắt có thể gây tổn thương não nặng khi làm việc lâu ngoài trời

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhân bị tổn thương não nặng nề do làm việc liên tục trong thời tiết nắng nóng.

Sốc nhiệt dẫn tới tổn thương não

Trao đổi với PV VietTimes, BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết Khoa vừa tiếp nhận một bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi, là nông dân đang làm việc trên cánh đồng thì rơi vào tình trạng mệt lả, sốt cao, xây xẩm mặt mày, đau đầu, buồn nôn, choáng váng.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê, da khô, không tiếp xúc được, sốt trên 41 độ C, mất nước nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiệt do làm việc dưới nhiệt độ cao trong thời gian dài.

Ngay lập tức, bệnh nhân được bóp bóng qua mask, đặt ống nội khí quản để bảo vệ đường thở, hạ sốt, truyền dịch, chụp CT não và làm các xét nghiệm đánh giá. Kết quả chụp phim CT cho thấy bệnh nhân có tổn thương phù não và các đánh giá xét nghiệm cho thấy rất nhiều rối loạn trong cơ thể. Với nỗ lực của các bác sĩ, bệnh nhân đã được cứu sống nhưng bị tổn thương não nghiêm trọng. Tổn thương não đã để lại những di chứng nặng nề cho người bệnh như rối loạn ý thức, hoạt động chậm chạp, đi lại khó khăn, không làm chủ được cơ thể,…

BS. Nguyễn Văn Chi – Trưởng Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: Minh Thúy)

Ngoài bệnh nhân trên, Khoa Cấp cứu A9 cũng đang điều trị cho một bệnh nhân nam 62 tuổi có tiền sử cao huyết áp bị đột quỵ ngay trong đêm. Khi nhập viện, bệnh nhân đã liệt nửa người và rơi vào tình trạng hôn mê. BS. Chi cho biết, do bệnh nhân bị tai biến trong đêm nên không thể xác định được thời gian bệnh nhân đột quỵ dẫn đến việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Thực tế, thời tiết nắng nóng đã tạo ra nhiều yếu tố nguy cơ làm bệnh lý nền mà người dân đang mắc trở nên bất ổn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng không phải yếu tố trực tiếp gây bệnh mà chỉ là yếu tố gián tiếp khiến huyết áp cũng như bệnh nền của nhiều bệnh nhân rơi vào trạng thái không ổn định.

Do đó, với những người bắt buộc phải làm việc trong thời tiết nắng nóng, các bác sĩ khuyến cáo nên chọn thời điểm phù hợp để ra ngoài, có thể là cuối giờ chiều, chọn những nơi có môi trường thông thoáng. Nếu phát hiện một người làm việc lâu trong môi trường nắng nóng, bị say nắng, bắt đầu có biểu hiện choáng váng xây xẩm, bị rối loạn thần kinh trung ương thì phải có người giám sát để sơ cứu ban đầu, đồng thời, có các biện pháp chống nóng kịp thời, bố trí đủ nước, định lượng thời gian để rời khỏi môi trường nắng nóng.

4 đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong thời tiết nắng nóng

Theo BS. Chi, khi cơ thể con người ở trong môi trường nhiệt độ quá cao thì khả năng điều nhiệt sẽ bị ảnh hưởng. Mỗi người đều có một trung tâm điều nhiệt, khi trung tâm này gặp trục trặc thì cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách ra mồ hôi để giảm nhiệt độ, giảm sinh nhiệt. Tuy nhiên, điều này chỉ nằm trong một giới hạn nhất định. Nếu cơ thể không thể điều chỉnh được nhiệt độ nữa thì trung tâm điều nhiệt, các cơ quan trong cơ thể sẽ bị rối loạn, gây ra nhiều tổn thương khó hồi phục như rối loạn đông máu, phù não, thậm chí là bị xuất huyết não.

Chính vì thế, BS. Chi khuyến cáo 4 nhóm đối tượng dễ bị ảnh hưởng trong thời tiết nắng nóng cần đặc biệt lưu ý. Đối tượng đầu tiên là những người bắt buộc phải làm việc kéo dài ở ngoài trời khi thời tiết nắng nóng như người nông dân làm việc trên cánh đồng, công nhân xây dựng, người tham gia giao thông đi xe đạp, xe máy,… Đối tượng thứ 2 là những người có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, bệnh lý hô hấp mạn tính,.... khi nhiệt độ cao sẽ có nguy cơ bất ổn các bệnh lý người bệnh đang mắc có thể dẫn tới những biến chứng không thể lường trước được. Đối tượng thứ 3 là trẻ nhỏ do chưa có ý thức về thời tiết nên các cháu có thể mải chơi, hoạt động nhiều trong thời tiết nắng nóng dễ bị sốc nhiệt, say nắng. Đối tượng cuối dễ bị ảnh hưởng là người già, sức chịu đựng kém, mang nhiều nguy cơ bệnh tật, phản xạ khát kém, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiếu nước.

Nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong thời tiết nắng nóng (Ảnh: Minh Thúy)

BS. Chi nhấn mạnh, trong thời tiết nắng nóng, mô hình bệnh tật có nhiều thay đổi nhất định, nhất là bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu về các bệnh lý tim mạch, đột quỵ có xu hướng tăng. Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời tiết nắng nóng. Họ thường xuyên thấy khó chịu trong người nhưng lại ngại đi khám bệnh, quên uống Thu*c mà các bác sĩ đã kê đơn,…

Vì thế, BS. Chi khuyến cáo trong những ngày nhiệt độ ngoài trời tăng cao, mỗi người nên tăng cường dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh để thanh nhiệt, uống nước chanh, cam, nước dừa,… Khi từ nơi nắng nóng nhiệt độ cao về nhà không nên tắm ngay bằng nước lạnh mà nên nghỉ ngơi để cơ thể hạ nhiệt độ, uống bù lại nước, để ráo mồ hôi. Sau khi tắm xong không nên vào ngay phòng điều hòa để nhiệt độ quá thấp. Khi sử dụng điều hòa, không nên để nhiệt độ chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài rất dễ gây ra tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột. Mỗi gia đình nên điều chỉnh nhiệt độ điều hòa vào khoảng 27 độ, những ngày quá nóng nên để nhiệt độ chênh lệch với môi trường bên ngoài tối đa là 10 độ C.

Mạng Y Tế
Nguồn: VietTimes (https://viettimes.vn/canh-bao-nang-nong-gay-gat-co-the-gay-ton-thuong-nao-nang-khi-lam-viec-lau-ngoai-troi-486202.html)

Tin cùng nội dung

  • Sau một cơn đột quỵ, hầu hết những người bệnh đều cảm thấy mệt mỏi ở một mức độ nào đó. Những bệnh nhân sau đột quỵ thường phải nỗ lực nhiều hơn để bù lại sự suy yếu hoặc mất đi những chức năng thông thường
  • Bộ não kiểm soát khả năng vận động, cảm giác, giao tiếp, suy nghĩ và hành động. Tổn thương não do đột quỵ có thể ảnh hưởng tới bất kỳ khả năng nào nêu trên.
  • Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi mạch máu bên trong hoặc gần não bị đứt làm máu tích tụ trong não gây hại cho các tế bào não.
  • Cao huyết áp (còn gọi là “lên tăng-xông”) xảy ra khi máu của bạn di chuyển qua động mạch ở áp lực cao hơn bình thường. Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra cao huyết áp. Nếu huyết áp quá cao hoặc vẫn ở mức cao trong một thời gian dài, nó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.
  • Sốc nhiệt là tình trạng nghiêm trọng nhất của các rối loạn liên quan đến nhiệt, sau chuột rút do nhiệt và say nắng. Sốc nhiệt thường là hậu quả của việc luyện tập thể thao hoặc lao động nặng nhọc trong môi trường nóng bức mà không uống bù đủ nước.
  • Đột quỵ xảy ra khi xuất huyết não bộ hoặc khi lưu lượng máu tới não bộ bị tắc nghẽn. Liên hệ bác sĩ ngay lập tức nếu có triệu chứng của đột quỵ.
  • Thuốc chẹn canxi (CCB= calcium channel blocker) ngăn không cho dòng canxi vào nội bào, làm cản trở quá trình co cơ.
  • Cao huyết áp là một chứng bệnh về tim mạch của người cao tuổi, nhất là hiện nay chế độ ăn uống đầy đủ, số người béo phì xuất hiện nhiều. Bệnh này là một trong những nguyên nhân dẫn đến đột quỵ và để lại nhiều di chứng nặng nề.
  • Dược liệu dâu tằm bao gồm nhiều bộ phận của cây dâu: lá (tang diệp), cành (tang chi), quả (tang thầm), vỏ rễ (tang bạch bì) và tầm gửi cây dâu (tang ký sinh).
  • Trong các phương pháp điều trị bệnh cao HA, bên cạnh việc dùng Thuốc có những phương pháp mang tính cổ truyền có thể giúp mọi người phòng ngừa và điều trị tốt bệnh này.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY