Ngày cậu em chồng đưa người yêu về ra mắt bố mẹ, với tư cách “chị dâu cả”, cô cũng ngồi cùng với bố mẹ chồng để “khảo sát” cô gái sắp về làm dâu cùng nhà này. Cô chỉ hỏi cô em dâu tương lai ba câu hỏi, y như người ta phỏng vấn tuyển dụng vậy. Câu đầu tiên: “Em học trường nào, ngành nào, kết quả học tập ra sao?”, câu thứ hai “Em có muốn đi làm ngay hay muốn lấy chồng sinh con, việc làm tính sau?”. Câu thứ ba: “Ngoại ngữ em khá không? Giao tiếp tốt không?”. Bố chồng cô cười, bảo con hỏi từ từ, kẻo em nó sợ. Cô nói ngay: “Con muốn sang năm nghỉ sinh cháu, rất cần có người đáng tin cậy hỗ trợ công việc của con. Nếu được, con xem xét và tuyển em nó vào làm chỗ con, còn chuyện cô chú ấy có nên vợ chồng không thì tùy duyên của họ bố ạ”. Bố mẹ chồng gật gù, hài lòng với cách điều hành công việc của cô dâu cả. Cứ cho cô con dâu thứ hai tương lai làm việc, có cơ hội đi lại, tiếp xúc, sẽ hiểu được đường ăn, nết ở của cô dâu tương lai, sau quyết định sẽ chắc chắn hơn. May sao, cô gái cũng sớm được trở thành cô dâu trong gia đình, trở thành cánh tay phải của chị dâu cả.
(Ảnh: minh họa)Cô dâu út đến với “đại gia đình” này muộn hơn, trắc trở hơn, nhưng cuối cùng cũng thành công. Cậu em út cao to, đẹp trai, ăn nói tháo vát, làm nghề lái xe du lịch. Chẳng hiểu thế nào, anh chàng này lại ch*t mê ch*t mệt một cô gái đã có một đời chồng, hơn cậu 3 tuổi, có một đứa con riêng, nhưng sau ly hôn thì người chồng nhận nuôi con. Khi cậu út báo cáo với cả nhà về mối tình này, toàn thể gia đình quyết tâm “đánh phá ác liệt”. Bố mẹ cậu vào tận Đà Nẵng, tìm đến nhà trọ của cô gái, van lạy cô buông tha cậu út. Họ nói, nếu cô cần tiến, họ sẽ hỗ trợ vài chục triệu để lấy vốn làm ăn, chứ đừng phá hỏng đời “thằng út”, nó chỉ là “thằng lái xe”, còn ăn bám bố mẹ, chưa có gì là của riêng đâu. Cô gái chỉ khóc, nói rằng con không biết gia đình mình giàu nghèo thế nào, con cũng không bám vào anh ấy để lợi dụng, con chỉ yêu anh ấy vì anh tử tế, tuy là dân lái xe mà không nhậu nhẹt, không Đ*nh b*c, và cũng rất thương cô. Nếu không được lấy anh ấy để làm dâu Hà Thành, cô vẫn giữ mãi tình cảm với anh, kể cả khi anh lấy vợ. Bố mẹ cậu út thấy bất lực, về “báo cáo” lại với chị dâu trưởng tình hình và nhờ chị tác động, ngăn cản mối tình này.
Trong dịp đi công tác, cô dâu cả đến thăm cô người yêu của cậu út. Chỉ một đêm ngủ lại nhà trọ, tâm sự với nhau mà cô dâu cả quyết định “để chị lo việc này”. Về Hà Nội, cô thuyết phục thế nào mà bố mẹ chồng cô lại chấp nhận “cho chúng nó lấy nhau”. Cậu út thì vào phòng anh cả, miệng cười toe toét: “Bái phục bà chị, sao ông anh tôi tốt số thế, vớ được bà chị như vớ được cục vàng. Hai bố mẹ nhà mình đại cổ hủ, thế mà chấp nhận nghe lời chị, tuyệt vời”. Cô em dâu út được tin người yêu gọi vào báo là “thắng lợi”, đã tức tốc gọi điện thoại cảm ơn chị dâu cả.
(Ảnh: minh họa)Cô dâu út ít học vì nhà nghèo, trước chỉ bán hàng lưu niệm cho khách du lịch, võ vẽ ít câu tiếng Anh bồi, được cái nết ngoan ngoãn, chăm làm, nhẹ nhàng, nên chị dâu cả lại bố trí việc cho cô em vừa tầm, đó là “nhân viên văn phòng”. Nói thế cho em nó đỡ tủi thân, chứ thực ra là dọn dẹp văn phòng, lau chùi nhà cửa, pha nước tiếp khách, thỉnh thoảng phô tô ít tài liệu.
Ba cô gái, ba chị em dâu cùng làm chung một chỗ, dưới sự chỉ đạo của chị dâu cả, trên kính, dưới nhường, sai thì mắng mỏ, có lộc thì cùng vui, việc của người này cũng là việc của người kia, khiến cho ba anh em cùng vui, bố mẹ chồng thì tự hào. Mẹ chồng thì bảo mẹ cả đời nhận danh hiệu “đẹp gái nhất nhà”, vất vả chăm sóc bốn bố con nhà nó. Nay có các con, lực lượng của mình cân bằng, mẹ chẳng phải lo gì nữa. Công này thuộc về chị dâu cả đấy. Cô dâu cả cũng nhún nhường nói rằng: “Các em cũng ngoan, cũng tận tâm với công việc và gia đình, chứ mình con sao lo nổi”.
Khi nói đến một gia đình có nhiều nàng dâu, người ta nghĩ ngay đến cảnh ghen ghét, lườm nguýt, nói xấu nhau với gia đình chồng, mặt sưng mày xỉa, đá thúng đụng nia, nói khích bác, châm chọc nhau. Nhưng ngày nay, khi các cô dâu đều là “phụ nữ thời đại mới”, họ biết cách chung sống khá hòa hợp, nhiều khi người khác nghĩ họ là chị em gái…