Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chiến lược chống dịch một mình một kiểu của Thuỵ Điển

Hầu hết các nước châu Âu đang thực hiện lệnh phong toả và hạn chế nghiêm ngặt nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan, kèm theo những quy định phạt nặng người vi phạm. Nhưng Thuỵ Điển thì không.

Không có lệnh phong toả ở Thuỵ Điển, người dân vẫn đi mua sắm đông đúc ở Stockholm. Ảnh: Sky News

Chống dịch dựa trên tự nguyện

Các nhà hàng, quán bar vẫn mở cửa bình thường tại đất nước Bắc Âu này. Các trường học, sân chơi cũng vậy. Và chính phủ đang trông đợi vào những hành động tự nguyện để kiểm soát sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đó là một cách tiếp cận gây tranh cãi, một chính sách từng gây chú ý với Tổng thống Mỹ Donald Trump. “Thụy Điển đã làm điều đó, họ gọi nó là miễn dịch cộng đồng. Thụy Điển đang gánh chịu [hậu quả] rất tệ”, ông Trump phát biểu hôm 7/4.

Tuy nhiên, Chính phủ Thụy Điển lại tự tin chính sách của mình có thể phát huy tác dụng. Ngoại trưởng Ann Linde phát biểu trên truyền hình hôm 8/4 rằng Tổng thống Trump "thực sự sai" khi cho rằng Thụy Điển đang đi theo lý thuyết "miễn dịch cộng đồng" - cho phép đủ một số đông người nhiễm virus trong khi bảo vệ những đối tượng dễ tổn thương, đồng nghĩa để cho dân số nước này phát triển khả năng miễn dịch chống lại bệnh tật. Bà Linde giải thích, chiến lược của Thuỵ Điển là “không phong toả và chúng tôi lệ thuộc rất nhiều vào ý thức tự chịu trách nhiệm của người dân”.

Nhà dịch tễ học Tegnell bảo vệ quyết định duy trì hoạt động tại các trường học. "Chúng tôi biết rằng việc đóng cửa trường học ảnh hưởng rất nhiều đến chăm sóc sức khỏe vì nhiều người không thể đi làm nữa. Rất nhiều trẻ em sẽ khổ sở nếu không được đến trường”.

Trong khi đó, Elisabeth Liden, một nhà báo ở Stockholm, nói với CNN rằng thành phố hiện tại đã bớt đông đúc hơn. "Tàu điện ngầm chạy chỉ với vài hành khách mỗi toa. Tôi có cảm giác đa số mọi người đang thực hiện các khuyến nghị về giãn cách xã hội một cách nghiêm túc”.

Cách tiếp cận gây hoài nghi

Trọng tâm chiến lược chống dịch COVID-19 của Thụy Điển là bảo vệ người già. Bất cứ ai từ 70 tuổi trở lên đều được khuyến cáo ở nhà và hạn chế tiếp xúc xã hội càng nhiều càng tốt. Một quan chức chính phủ Thụy Điển nói rằng trên toàn dân ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ, nhưng nhiều người đã “tức giận về việc không thực thi lệnh cấm tới thăm các trại dưỡng lão mãi tới ngày 1/4, vì thế bây giờ virus đã lan khắp các trại dưỡng lão, khiến số người ch*t tăng lên”.

Tuy nhiên, cách tiếp cận “một mình một kiểu” của Thuỵ Điển đã gây hoài nghi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nhận thấy làn sóng gia tăng các ca nhiễm virus mới tại nước này, đại diện WHO nói với CNN hôm thứ 7/4 rằng "bắt buộc" Thụy Điển phải "tăng cường các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus, chuẩn bị và tăng khả năng của hệ thống y tế để đối phó, đảm bảo khoảng cách vật lý và tuyên truyền lý do tại sao cách thức tất cả các biện pháp ngăn ngừa cho dân chúng".

Người dân đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Stockholm, Thụy Điển, ngày 28/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

"Chỉ có một cách tiếp cận 'toàn xã hội' mới có tác dụng ngăn chặn sự leo thang [dịch] và xoay chuyển tình thế", người phát ngôn của WHO tại châu Âu cảnh báo Stockholm.

"Đường cong dịch" của Thụy Điển - tức biểu đồ các ca mắc COVID-19 mới theo ngày – chắc chắn là đang dốc hơn nhiều quốc gia khác ở châu Âu vốn áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn. Một nghiên cứu của Imperial College London ước tính rằng 3,1% dân số Thụy Điển đã bị nhiễm virus (tính đến ngày 28/ 3) - so với 0,41% ở Na Uy và 2,5% ở Anh. Về các ca Tu vong, đến ngày 8/4, tỷ lệ Tu vong do COVID-19 tại Thuỵ Điển là 67 ca/1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này là Na Uy là 19/1 triệu và Phần Lan 7/1 triệu.

Một số nhà nghiên cứu Thụy Điển đang yêu cầu chính phủ phải siết chặt hơn. Tuần này, một số bác sĩ lâm sàng nổi tiếng đã viết thư ngỏ cho biết một lượng lớn người dân đang tới các quán bar, nhà hàng và trung tâm mua sắm, thậm chí đi trượt tuyết. "Thật không may là tình trạng này đang chuyển thành tổng số người ch*t tiếp tục tăng cao ở Thuỵ Điển”, bức thư viết.

Cecilia Söderberg-Nauclér - một nhà nghiên cứu miễn dịch virus tại Viện Karolinska của Thụy Điển - là một trong hơn 2.000 chuyên gia y tế và các nhà nghiên cứu đã ký vào bản kiến ​​nghị yêu cầu hành động cứng rắn hơn. Cô nói với CNN: "Chúng tôi đang không chiến thắng trong trận chiến này. Thật kinh khủng”. "Nơi tôi sống mọi người đang làm việc tại nhà, nhưng họ vẫn đến nhà hàng, quán cà phê, lẫn lộn cả người già người trẻ từ các trường học. Đó không phải là giãn cách xã hội”.

Lo ngại "cơn bão" lây nhiễm

Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân ngày 6/4 tại Stockholm. Ảnh: AP/ Getty Images

Tom Britton, Giáo sư thống kê toán học tại Đại học Stockholm, là người có kinh nghiệm lập mô hình cách thức các bệnh truyền nhiễm hoạt động trong dân cư. Ông tin rằng 40% dân số thủ đô Thụy Điển sẽ mắc bệnh vào cuối tháng Tư này. Mặc dù thừa nhận khó khăn trong đo lường tỷ lệ lây nhiễm, ông Briton nói rằng "dự đoán tốt nhất của tôi hôm nay sẽ là 10% hoặc hơn một chút" toàn dân số Thuỵ Điển sẽ nhiễm virus trên cả nước.

Một số người phản đối chính sách của chính phủ lo ngại rằng việc phụ thuộc vào hành vi tự nguyện sẽ gây ra sự tăng đột biến nhanh hơn nhiều các ca lây nhiễm mới và có khả năng đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe vào quá tải.

Khu vực xét nghiệm và tiếp nhận bệnh nhân nghi nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Karolisnka ở Solna, Thụy Điển, ngày 31/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, Thụy Điển đã chuẩn bị tốt hơn để vượt qua cơn bão COVID-19 so với các quốc gia khác. Khoảng 40% lực lượng lao động của đất nước làm việc tại nhà thường xuyên, ngay cả trước khi virus tấn công. Ngoài ra, Thụy Điển có tỷ lệ người dân sống độc lập cao, khác với ở Nam Âu, không có gì lạ khi có ba thế hệ sống chung một mái nhà.

Emma Grossmith, một luật sư về việc làm người Anh tại Stockholm, nói rằng một yếu tố khác có lợi cho Thụy Điển là một mạng lưới phúc lợi xã hội hào phóng, đồng nghĩa người dân không cảm thấy cần thiết phải đi làm nếu con của họ bị ốm. Hỗ trợ của nhà nước được tính ngay khi họ nghỉ một ngày làm vì con ốm. "Hệ thống ở đây đã được thiết lập tốt để giúp mọi người đưa ra lựa chọn thông minh hơn, cuối cùng có lợi cho nền dân số nói chung", Grossmith nói với CNN.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/chien-luoc-chong-dich-mot-minh-mot-kieu-cua-thuy-dien-20200412153620755.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY