Nghe hai từ 'đừng về', tôi buồn thăm thẳm. Tôi biết, mẹ nói: 'Đừng về con ạ' là trong nước mắt. Và không riêng gì mẹ tôi, nhiều bà mẹ miền Trung có con xa quê khác cũng nén nước mắt khuyên con đừng về. Bởi, mẹ nghĩ rằng, vợ chồng con về sẽ tốn kém, các cháu phải vất vả đi tàu xe, đau bệnh khi thời tiết thay đổi.
Mẹ có biết, nếu làm theo lời mẹ, tức là con mất đi cơ hội được gặp mẹ. Bố mẹ đã lớn tuổi rồi, con thì sống xa quê, con có gặp được bố mẹ bao nhiêu lần nữa đâu chứ. Không về, con tiếc lắm mẹ ạ.
Nhớ hồi con là sinh viên, năm nào con cũng về nhà dịp Tết, vì chi phí ra vào rẻ, thân trai một mình tàu xe, cơm đường cháo chợ. Về quê khi đó, lại có mác sinh viên nên chi tiêu chả đáng là bao.
Ra trường, rồi lấy vợ sinh con, số lần về Tết của con cứ thưa dần, không phải vì con không nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ Tết mà vì chi phí quá đắt đỏ, con phải lo cho vợ con.
Gia đình con có bốn người, gồm hai vợ chồng và hai con gái. Mỗi lần về Tết, chi phí tàu xe ra vào cũng phải mất 30 triệu đồng. Ngoài tiền vé, vợ chồng con phải mất thêm chừng 20-30 triệu đồng chi phí như taxi 4 lượt ra vào sân bay, tiền xe ra ngoại, vào nội, quà cáp cô dì chú bác, rồi nhành đào cây hoa vui chơi 3 ngày Tết.
Kể cả tiền chi tiêu, mừng tuổi của người xa quê cũng khác lắm. 'Thằng đó dân Sài Gòn về, nhiều tiền để nó trả' là câu cửa miệng bạn bè ở quê mỗi lần gặp. Nhưng cũng phải thôi mẹ ạ, chúng nó ở quê làm gì có tiền.
Thế nên mỗi lần về tết, không cầm trong tay 50 - 60 triệu đồng thì không ai dám. con làm viên chức còn đỡ, hàng vạn công nhân, mỗi lần về là mất đi một năm tiền lương. về xong, lúc trở lại, cả nhà đói vợ chồng con cái lại cãi nhau đến mệt. có người còn tiếc nuối biết thế... đừng về.
Thế nhưng vợ chồng con phải về mẹ ơi. con về là để thắp hương cho ông bà, được gặp bố mẹ, ăn bữa cơm ngày đầu năm và thủ thỉ với mẹ những chuyện buồn vui nơi xứ người. hãy chờ con mẹ nhé. còn mấy ngày nữa thôi là vợ chồng con lại tay xách nách mang đi máy bay về quê ăn tết với mẹ. nhất định thế mẹ nhé.