Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chống dịch khi Covid-19 lên đỉnh

Trung Quốc-Trong một ngày tồi tệ ở đỉnh dịch, họ nhận 9.600 cuộc gọi từ những người tuyệt vọng, hoảng hốt. Họ giúp được nhiều người, nhưng cũng có lúc bất lực.

Họ là các tình nguyện viên y tế tại trung tâm cộng đồng quận Vũ Xương, Vũ Hán. Bà Liu Xiaofeng là một trong số đó. 

"Những người gọi đến trút tất cả nỗi đau, bất lực và tuyệt vọng qua điện thoại", bà Liu, nguyên giám đốc khoa cấp cứu bệnh viện Vũ Hán Ti Tiouou, kể lại. "Họ la hét, khóc lóc trong tuyệt vọng".

Trong hàng nghìn cuộc điện thoại đó, có người là bệnh nhân Covid-19 đang trong trạng thái hoảng loạn. Một số khác là người thân trong gia đình của bệnh nhân, đang gọi để cầu xin được nhập viện.

Cảm giác bất lực tràn ngập, bà Liu nhớ lại một trường hợp đau buồn. Đó là một gia đình liên tục gọi điện cầu cứu sự trợ giúp nhưng bà không thể cứu được họ. Và rồi những cuộc gọi từ gia đình đó ngừng lại. Vài ngày sau, họ gọi lại. Nhưng lần này không phải để cầu cứu nhập viện, mà là để nhờ người đến đón thi thể của người thân đã qua đời.

Các tình nguyện viên y tế chống dịch tại Vũ Hán. Ảnh: SCMP

Các trung tâm cộng đồng nơi Liu làm việc do chính phủ Trung Quốc lập ra để ngăn chặn COVID-19 lan rộng. C hính phủ Trung Quốc đã huy động nhiều nguồn lực để ngăn chặn dịch bệnh, nhưng họ vẫn cần tới các tình nguyện viên. Vì thế hàng chục nghìn nhân viên y tế được gửi tới Vũ Hán với tâm niệm cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt.

Liu không còn xa lạ gì với công việc tình nguyện viên. Đầu năm 1976, khi còn học cấp hai, bà đề nghị được đến các bệnh viện giúp đỡ bệnh nhân sau trận động đất Đường Sơn, miền bắc Trung Quốc, giết ch*t hơn 240.000 người và làm bị thương 160.000 người. 

Người phụ nữ đã nghỉ hưu 4 năm nhanh chóng tham gia chống Covid-19, bất chấp sự phản đối từ gia đình. "Tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng tôi tin rằng chúng ta nên giúp đỡ nhau bất cứ khi nào có thể", bà nói.

Chen Xingxu, một tình nguyện viên của Đại học khoa học và công nghệ Huazhong, cũng tới vùng dịch giúp đỡ. Đầu tháng 2, Chen tập hợp hàng trăm tình nguyện viên từ khắp đất nước và thành lập 'Nhóm hỗ trợ Vũ Hán 520'. Nhiệm vụ của nhóm là kiếm trên phương tiện truyền thông xã hội những người cần giúp đỡ, xác minh tình trạng bệnh của họ và báo lại cho bệnh viện và cơ quan chính phủ.

Cùng lúc đó, các nhân viên y tế trên khắp Trung Quốc đã khẩn trương chuẩn bị hành lý đến Vũ Hán để giảm bớt áp lực căng thẳng cho các bác sĩ tại đây. Trong khoảng một tháng, hơn 10.000 nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc được gửi đến Vũ Hán, hơn 5.900 người được đưa tới các thành phố khác ở Hồ Bắc.

Y tá Li Hongyan, Khoa thần kinh - Bệnh viện Drum Tower ở phía đông thành phố Nam Kinh, đến Bệnh viện Vũ Hán số 1 vào ngày 17/2. Cô nằm trong số 40 bác sĩ và 160 y tá được gửi đến. Họ nhét tất cả găng tay, khẩu trang, Thu*c khử trùng, vitamin, và thậm chí cả tã lót và dầu gội mang theo.

Các y tá cho biết trang phục bảo hộ gây nhiều trở ngại trong việc tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: SMCP

Li Hongyan có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân, nhưng với dịch Covid-19 tình hình rất khác. Các ca làm việc thường là 4 giờ mỗi ngày, nhưng quá trình mặc đồ bảo hộ mất nhiều thời gian.

Trước khi vào phòng chăm sóc đặc biệt, nhân viên y tế phải đội hai chiếc mũ, hai khẩu trang, kính bảo hộ, một bộ đồ bảo hộ, một chiếc áo khoác cách nhiệt màu xanh, hai lớp găng tay và giày. Trong vài ngày đầu tiên, họ khó thở, kính mờ hơi nước, khẩu trang hằn lên mặt. Bởi vậy, họ gặp khó khăn hơn  trong việc tiếp xúc và điều trị cho bệnh nhân thông qua những lớp bảo hộ dày. Các nhân viên y tế cũng dễ bị nhiễm bệnh.

"Thông thường, khi bệnh nhân nguy kịch, chúng tôi sẽ chạy lại ngay", Li nói. "Nhưng với bệnh nhân Covid-19 chúng tôi không thể làm điều đó. Chạy nhanh có thể khiến bộ quần áo bảo hộ bị rách".

Nhân viên y tế cũng thường xuyên quan tâm đến sức khỏe tinh thần cho người bệnh.

Li kể, có những trường hợp cả gia đình bị cách ly, nhưng các thành viên không thể biết những người khác đang ở đâu. Có một bệnh nhân lớn tuổi, khoảng 90, đang chờ được xuất viện. "Ngày nào cụ ông cũng nhờ chúng tôi tìm vợ. Chúng tôi biết vợ cụ đang ở đâu đó trong khu chăm sóc đặc biệt, nhưng chúng tôi sợ phải báo tin buồn cho cụ nếu bà trong số các bệnh nhân Tu vong".

Bác sĩ Chen Kangning, Đại học Quân y Trùng Khánh, biết bệnh nhân có thể trở nặng nhanh như thế nào. Điều trị bệnh là một chuyện nhưng tinh thần cũng quan trọng không kém.

Bác sĩ Chen và các đồng nghiệp của ông đã tiếp quản Bệnh viện Tai Khang Tongji ở Vũ Hán vào đầu tháng 2. Đây là cơ sở đang được xây dựng và ban đầu dự kiến được mở vào tháng 5. Các bác sĩ biến bệnh viện còn dang dở thành một trung tâm điều trị chuyên khoa trong vòng một tuần, tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân.

Nhân viên y tế cố gắng điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện số 1 Vũ Hán.

Đối với tất cả các tình nguyện viên, cái ch*t có thể đến bất cứ lúc nào, cho dù đó là người tiếp nhận điện thoại hay trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Đầu tháng 2, He Hui, một tình nguyện viên Vũ Hán, người chuyên cung cấp vật tư y tế cho các bệnh viện, đã qua đời sau khi nhiễm nCoV.

Với bà Liu, từng là bác sĩ cấp cứu có nhiều kinh nghiệm, bà mạnh mẽ hơn hầu hết các tình nguyện viên khác. Vài ngày trước, khi đang ngồi trong xe lấy đồ y tế, Liu nghe trên đài phát thanh rằng một bác sĩ trẻ đã qua đời vì nhiễm nCoV. Bà sụp xuống và khóc mãi không thôi.

Thúy Quỳnh (Theo SCMP)

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/chong-dich-khi-covid-19-len-dinh-4064052.html#box_comment)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY