Tâm sự hôm nay

Chuyện về người phụ nữ không màng vật chất

Tròn 30 năm làm việc tại tổ giặt là, nơi “góc khuất” của Bệnh viện 103, công việc vất vả, độc hại, nhưng nữ tổ trưởng Đỗ Thị Hà luôn yêu nghề, tận tụy,
Tròn 30 năm làm việc tại tổ giặt là, nơi “góc khuất” của Bệnh viện 103, công việc vất vả, độc hại, nhưng nữ tổ trưởng Đỗ Thị Hà luôn yêu nghề, tận tụy, không nề hà việc khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với chị, không có việc sang, hèn... và luôn tìm thấy niềm vui trong công việc.

Niềm vui bình dị

Mấy tháng trước, ở Bệnh viện 103 (Học viện Quân y), mọi người thường thấy một nữ nhân viên ngày ngày chống nạng, đi lại rất khó khăn, nhưng vẫn không rời công việc ở nơi được xem là vất vả, độc hại, thầm lặng... nhất bệnh viện. Đó là chị Đỗ Thị Hà, Tổ trưởng Tổ giặt là, kiêm Chủ tịch Công đoàn Khoa Chống nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân y 103.

Nghe chúng tôi nhắc lại chuyện đó, chị Hà cười hồn hậu, giải thích: Khi tôi bị T*i n*n, các anh chỉ huy khoa, chị em trong tổ đến thăm, động viên tôi cứ ở nhà điều trị cho khỏe, nhưng suốt 30 năm gắn bó với công việc này, với tôi nó như “ngấm vào máu”, nhớ lắm mùi quân trang, chất tẩy, tiếng máy giặt... Thêm nữa, hằng ngày cả nghìn người bệnh, cán bộ, nhân viên cần quần áo, chăn màn, đồ vải sạch; rồi việc thu gom, phân loại rác thải y tế bệnh viện cũng không thể “gác lại”.

Câu chuyện giữa chúng tôi và tổ trưởng Hà chốc chốc lại bị gián đoạn bởi những cuộc điện thoại, hoặc có người cần gặp. Chị bộc bạch: “Những ngày phải nghỉ ở nhà, nhân viên các khoa, phòng... không biết tôi bị đau chân, vẫn điện thoại như mọi khi, khiến tôi càng nóng ruột. Có khi chỉ là mấy bộ quân trang phát sinh cho phòng mổ, hay quần áo bệnh nhân không may bị giây bẩn cần thay gấp..., nhưng đó là trách nhiệm “làm dâu trăm họ” của chị em trong tổ”.

Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của tổ giặt là, với nhiều loại máy móc, trang thiết bị, Đại tá, TS. Kiều Chí Thành, Chủ nhiệm Khoa Chống nhiễm khuẩn giới thiệu: “Tổ đảm nhiệm tới hơn nửa công việc thường xuyên của khoa, tính chất công việc nặng nhọc, độc hại. Do biên chế có hạn, trong khi số người đến khám, chữa bệnh tăng nhiều, nên chị em phải rất nỗ lực, có khi làm cả buổi trưa mới hết việc. Chị Hà đã gắn bó với tổ tròn 30 năm và luôn gương mẫu, lo toan, quán xuyến công việc rất chu toàn...”.

Tròn 30 năm trước, khi đang là Phó Bí thư đoàn xã Văn Yên (nay là phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội), có cơ hội phấn đấu, trưởng thành, nhưng cô gái trẻ Đỗ Thị Hà lại xin vào làm công nhân Tổ giặt là, Viện Quân y 103. Tuổi trẻ năng nổ, nhiệt tình, chị hăm hở làm việc, chẳng quản vất vả, khó khăn. Niềm vui của chị mỗi ngày là các thầy Thu*c bệnh viện được khoác trên mình những bộ quần áo công tác sạch sẽ; bệnh nhân và phòng mổ được đáp ứng đầy đủ, kịp thời các loại quân trang... Công việc của Tổ giặt là ngày ấy rất vất vả, nặng nhọc; máy móc lạc hậu, hóa chất không đủ, hầu hết công việc phải làm thủ công. Quân trang từ phòng mổ, buồng hậu phẫu đưa xuống, chị em phải phân loại, dùng bàn chải làm sạch rồi mới đưa đi giặt, luộc, phơi, sấy, là, gấp... Suốt nhiều năm, chị em trong tổ phải nấu những nồi nước to đùng để luộc quân trang; dùng củi, bếp than sấy khô quần áo, chăn, màn... khi trời mưa gió, ẩm thấp.

Với bản tính chất phác, kiệm lời khi nói về mình, chị Hà chỉ nói: Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Không có việc sang, hèn...” nên dù công việc vất vả, nặng nhọc, tôi luôn xác định phải làm tốt, góp phần cùng chị em trong tổ phục vụ chu đáo cán bộ, nhân viên và người bệnh...

“Chị cả” ham việc

Được sự quan tâm của lãnh đạo, những năm gần đây, máy móc, trang thiết bị, điều kiện làm việc của Tổ giặt là được cải thiện nhiều, nhưng theo Đại tá Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy Bệnh viện 103: Tổ giặt là vẫn là nơi “vất vả, độc hại, thầm lặng” nhất bệnh viện, hằng ngày phục vụ gần 40 khoa, phòng, nhưng các chị em trong tổ, tiêu biểu là Tổ trưởng Đỗ Thị Hà không hề so đo tính toán, phàn nàn, ngược lại rất tận tâm phục vụ...

Một cán bộ bệnh viện nhẩm tính, hiện bình quân mỗi ngày bệnh viện khám bệnh, điều trị từ 1.300 - 1.500 ca, cùng gần 100 ca mổ. Đồ vải bẩn, chất thải y tế “thượng vàng hạ cám” chuyển về Tổ giặt là khoảng 2 tấn/ngày; trong đó có nhiều bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, lao... nhưng chị em trong tổ không ai thoái thác nhiệm vụ. Đặc biệt, Tổ trưởng Đỗ Thị Hà đã 30 năm gắn bó với nghề, 9 năm làm tổ trưởng, các thành viên trong tổ đều là nữ, nhiều người là lao động hợp đồng, kinh tế gia đình rất khó khăn, nhưng nhờ sự gương mẫu, nhiệt tình, xốc vác của tổ trưởng, Tổ giặt là luôn đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhiều năm liền được cấp trên khen thưởng; Tổ trưởng Đỗ Thị Hà nhiều năm được tặng giấy khen, bằng khen và danh hiệu chiến sĩ thi đua.

Khoa Chống nhiễm khuẩn của Bệnh viện 103 là đơn vị “trẻ” của bệnh viện, nhưng đã đạt nhiều thành tích khá nổi bật, trong đó có đóng góp không nhỏ của Tổ giặt là. Đại tá Kiều Chí Thành, Trưởng khoa nhận xét: Là “chị cả” của tổ và khoa, đồng chí Hà luôn gương mẫu đi đầu trong công việc, phân công, quản lý, “cầm tay chỉ việc” tận tình cho những chị em mới vào nghề, quan tâm đến đời sống, hậu phương của chị em. Khi đi công tác xa, có chị ở cơ quan, chỉ huy khoa cũng rất an tâm.

Tổ giặt là do chị Hà phụ trách có 15 nhân viên, đều là nữ, nhưng ít khi có “điều tiếng”. Mấy chục năm qua, chị quen “đi sớm, về muộn”, trách nhiệm cao, yêu nghề và thương yêu đồng nghiệp. Là tổ trưởng, phải quán xuyến nhiều công việc của tổ, kiêm nhiệm công tác Hội phụ nữ, Công đoàn..., nhưng chị vẫn làm mọi công việc cùng nhân viên. Cô gái trẻ Nguyễn Hương Quỳnh, nhân viên của tổ cho biết: Chị em trong tổ luôn được tổ trưởng giúp đỡ, góp ý chân thành trong công việc và cuộc sống, nên công việc của tổ “chạy đều”, chị em vui vẻ, đoàn kết vì nhiệm vụ chung.

Nghĩa cử đẹp

Trong căn phòng nhỏ - nơi sinh hoạt của tổ, trên tường treo hàng chục bằng khen, giấy khen do các cấp trao tặng. Chị Hà mở tủ cho tôi xem cuốn sổ đã cũ sờn, giải thích: Không biết đã bao lần, chị em trong tổ qua kiểm tra, phân loại quân trang từ các khoa, phòng chuyển về, thấy tiền, vàng, tư trang... của cán bộ, nhân viên, người bệnh để quên và đều trả lại đầy đủ. Cách đây mấy năm, Ban Giám đốc bệnh viện nhận được lá thư của một bệnh nhân cảm ơn chị em Tổ giặt là đã trả lại số tiền khá lớn để quên trong túi áo. Thế là Ban Giám đốc bệnh viện biểu dương và hướng dẫn tổ lập cuốn sổ này. Đến nay, sau gần 4 năm, chị em trong tổ đã trả lại hơn 100 triệu đồng, 4 chỉ vàng, một đôi hoa tai, nhẫn cưới... cùng nhiều giấy tờ của bệnh nhân, cán bộ, nhân viên bỏ quên...

Chúng tôi lật từng trang sổ với tình cảm trân trọng. Ngày, tháng, năm, hiện vật nhặt được, họ tên, chữ ký của người bỏ quên tiền, hiện vật... đều được tổ trưởng Hà ghi chép đầy đủ, chi tiết; người ít nhất là 20 nghìn đồng, nhiều nhất, như ngày 28/12/2011, tổ trả lại cho bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo, ở Khoa B15 số tiền 14,2 triệu đồng. Các bệnh nhân: Đỗ Văn Thành (Khoa B9) nhận lại 6,6 triệu đồng; Tô Hiếu Hội (Khoa B15): 5,2 triệu đồng; Vũ Thị Thêu (Khoa B12): 3,6 triệu đồng; Ngô Tiến Văn (Khoa A2): 8 triệu đồng; Đinh Thị Hội (Khoa B12): một đôi hoa tai 2 chỉ vàng... Có nhân viên của bệnh viện mừng rơi nước mắt khi nhận lại kỷ vật là chiếc nhẫn cưới để quên trong túi áo công tác.

Chị Hà tâm sự: “Không kể số tiền, hiện vật trị giá nhiều hay ít, kể cả một mẩu giấy có thông tin cần thiết mà bệnh nhân để quên trong túi áo, chúng tôi cũng tìm và gửi lại. Nhiều trường hợp, để tìm và trả lại đúng người cũng khá vất vả; chị em phải chạy tới, chạy lui, do bệnh nhân chuyển qua điều trị ở nhiều khoa, có trường hợp đã ra viện. Hầu hết những người nhận lại tiền, vàng, đồng hồ, điện thoại di động,... đều muốn “có chút quà cảm ơn”, nhưng chị em trong tổ đều từ chối”.

Tôi hỏi lý do, chị nở nụ cười hiền: Người bệnh “cực chẳng đã” phải đi viện là khổ lắm rồi! Nhiều người nghèo ở quê ra, lo bệnh, lo tiền Thu*c thang, viện phí, ăn uống, đi lại... vất vả lắm! Vậy nên, thấy gì của người bệnh để quên chúng tôi đều tìm trả lại bằng được, như vậy “cái tâm” mới thanh thản. Chị em trong Tổ giặt là, kinh tế gia đình hầu hết còn khó khăn, nhất là nhân viên hợp đồng, tổng thu nhập chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, nhưng khi thấy tiền, tài sản của người bệnh, nhân viên bỏ quên đều trả lại và rất vui khi làm được việc này...

Cùng với mái ấm gia đình hạnh phúc, Tổ trưởng Đỗ Thị Hà luôn tự hào có một “gia đình lớn” - Tổ giặt là. Cán bộ, thầy Thu*c, nhân viên Bệnh viện 103 và nhiều người bệnh đều ghi nhận, trân trọng sự đóng góp thầm lặng của tổ suốt nhiều năm qua. Tình cảm đó tiếp thêm “lửa” yêu nghề, yêu lao động, yêu cuộc sống... của người nữ nhân viên tận tụy.

Thiếu tướng, PGS.TS. Hoàng Mạnh An, Giám đốc Bệnh viện 103 chia sẻ: “Thành tích của bệnh viện không chỉ là góp phần đóng góp những thành tựu hàng đầu cho nền y học nước nhà trong lĩnh vực ghép tạng cùng những tiến bộ vượt bậc trong khám bệnh, điều trị, phẫu thuật,... mà còn là chữ tín, niềm tin về y đức, tinh thần thái độ phục vụ. Gương sáng bình dị như tổ trưởng Đỗ Thị Hà rất đáng khen ngợi, nêu gương.

Bài và ảnh: Khánh Gia

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-chuyen-ve-nguoi-phu-nu-khong-mang-vat-chat-8515.html)

Chủ đề liên quan:

phụ nữ vật chất

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY