Thẩm mỹ hôm nay

Thẩm mỹ trực tiếp thúc đẩy tâm lý, làm tăng năng suất lao động, nhưng nó còn tham gia nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò chủ yếu của nó vẫn là làm giàu có cho đời sống tinh thần của con người.. Vai trò của những thước đo thẩm mỹ trong đời sống tinh thần cũng tương tự như vai trò của những thước do đạo đức trong đời sống xã hội.

Cô gái cao 1,48 mét chinh phục hơn 60 giải chạy

TP HCM-Bén duyên chạy bộ đường dài từ năm 2016, Nguyễn Thị Đường hầu như không bỏ một giải chạy marathon nào trong 3 năm qua.

Đường 28 tuổi, được mọi người đặt biệt danh là "Tiểu Đường" vì thân hình nhỏ bé chỉ cao 1,48 m, nặng 42 kg. Thời đi học, cô luôn bị điểm liệt môn thể dục và thường được thầy cô ưu ái cho qua. Đường tâm sự, thể dục là môn cô ghét nhất.

Tiểu Đường bén duyên với môn chạy bộ khi tham gia đội chạy phong trào của trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Người tạo cảm hứng và truyền đam mê cho cô là thầy giáo hướng dẫn đội tuyển. Vì mến mộ tấm lòng và tâm huyết với môn chạy của thầy, Đường tích cực tham gia đội chạy suốt 5 năm sinh viên. Từ đó, niềm đam mê chạy bộ trong cô lớn dần.

Đầu năm 2016, Tiểu Đường làm quen với các thành viên Hội chạy đường dài (LDR) ở Hà Nội. Họ kể cho cô nghe về việc thường chạy bộ vòng quanh hồ Tây. Cô nghĩ thầm: "Một vòng hồ dài 15 km sao có thể chạy được? Mấy người này bị điên rồi". Nhưng một tháng sau, khi tham gia chạy cùng LDR, Đường hoàn thành một vòng hồ Tây ngay lần chạy đầu tiên trước sự ngạc nhiên của chính mình.

Kết quả khích lệ ấy càng làm ngọn lửa đam mê chạy bộ của Đường mãnh liệt hơn. Cô tìm được mục tiêu của mình là thử thách bản thân qua mỗi bước chạy và nâng cao thành tích.

Chạy bộ giúp Tiểu Đường có nhiều niềm vui sống, giải tỏa stress và cải thiện sức khỏe. Ảnh do nhân vật cung cấp

9/2016, tại giải Vietnam Mountain Marathon ở Sapa cự ly 42 km, Tiểu Đường gặp Sophie đến từ Anh với số bib (số báo danh) sát nhau là 4242 - 4243. Hai cô gái đã nắm tay cùng nhau về đích với thời gian 6 giờ 24 phút.

"Bất ngờ ở giây phút cuối, Sophie đẩy tôi lên trước một bước để có giải nhì chung cuộc. Khoảnh khắc ấy khiến tôi xúc động và không bao giờ quên". Từ giây phút đó, cô gái nhỏ cảm thấy chạy bộ là sợi dây kết nối đặc biệt giữa những người xa lạ với nhau, dù khác ngôn ngữ và văn hóa.

Trong một giải chạy giải ở Hạ Long, khi chạy về đến cầu Bãi Cháy, cô đuối và mệt, chân tay bủn rủn ráng lết từng bước. Tới điểm đích, Đường bật khóc vì quá mệt với sự cố gắng đến tột độ. Tại giải Vietnam Jungle Marathon ở Thanh Hóa năm 2018, có nhiều đoạn chân không nhấc nổi, người run lẩy bẩy vì kiệt sức. Lần đó, cô quên mất mật khẩu điện thoại trong hai ngày.

Ở những giải chạy hàng chục km, Tiểu Đường không từ bỏ giữa chừng dù chân mỏi, người có mệt đến đâu. Cứ mỗi lần như thế, cô rèn thêm được về ý chí và thể lực. Đường cho rằng nếu không cố gắng lúc này, mình sẽ hối tiếc khi về đích. Chiến thắng chính mình luôn là chiến thắng vinh quang nhất.

Đường chia sẻ bí quyết để chạy bền là hãy chia đường chạy thành những đoạn nhỏ và đặt mục tiêu tinh thần để chạy tốt hơn. Mỗi đoạn chạy hãy nghĩ tới một người thân để lấy động lực. 

"Người tôi hay nghĩ đến là cha của mình. Ông đang chờ mình ở cuối đường đua", cô nói.

Tiểu Đường tâm sự mẹ cô phản đối kịch liệt vì muốn con gái lớn phải lo lập gia đình. Chạy bộ làm đen da và tốn thời gian nhưng cô vẫn kiên trì chạy chỉ mong mẹ hiểu niềm đam mê của mình. Sau 3 năm gắn bó với chạy bộ, cô gái nhỏ đã chinh phục hơn 60 giải chạy bộ tại Việt Nam và chưa bao giờ đứng cuối ở những cuộc đua mình từng tham gia.

Tiểu Đường tại một giải chạy được tổ chức ở Đà Nẵng năm 2019. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Để chinh phục những cung đường chạy khắc nghiệt, Đường luôn đặt kế hoạch về lộ trình tập luyện sao cho chạm đỉnh tập luyện trước ngày diễn ra giải từ hai đến ba tháng. Cô chọn nhiều dạng bài tập như chạy dài, tập chạy biến tốc, tập tempo hay chạy thả lỏng để cơ bắp có thời gian nghỉ. Tùy vào thể lực và mục tiêu, Đường thay đổi thời gian và tốc độ của những tổ hợp bài tập. 

Ngoài việc tích lũy thể lực để làm quen với chạy địa hình trong thời gian dài, dinh dưỡng cũng là một khâu chuẩn bị quan trọng trước khi Đường thi đấu. Một tháng trước ngày thi, cô sẽ giảm cường độ tập luyện, thay vào đó là bổ sung ăn uống đầy đủ chất tăng năng lượng cho cơ thể.

Khi còn ở Hà Nội, mỗi tối làm việc xong, Tiểu Đường thay trang phục thể thao và chạy quanh khu công nghiệp. Mỗi tuần, cô chạy từ 30 đến 60 km. Sau một thời gian gắn bó với chạy bộ, sức khỏe của Đường cải thiện lên nhiều. Bệnh viêm xoang từ nhỏ cũng đã khỏi hẳn. Những lúc gặp stress vì công việc, cô cũng giải tỏa bằng cách xỏ giày vào và chạy. 

Chạy bộ giúp Đường biết chú ý lựa chọn thực phẩm phù hợp với sức khỏe hơn. Cô không còn uống bia rượu vui vẻ với bạn bè như trước, không ăn đồ quá cay, quá mặn hay đồ ngọt. Đường không còn thức khuya mà luôn ngủ đủ giấc để có sức khỏe tốt.

Những ngày tháng khổ luyện và nỗ lực trên từng bước chạy giúp Đường đạt nhiều thành tích đáng nể khi về nhất cuộc thi leo 72 tầng tòa nhà Keangnam, vô địch cuộc thi chạy núi Hàm Lợn, Sóc Sơn (70 km), giải nhì Vietnam Mountain Marathon 2016 (42 km). Cô giành giải nhì Marathon Hạ Long 2016 (42 km), giải nhì Marathon Tam Đảo 2017 (70 km), giải nhất thử thách chạy 15 giờ liên tục tại Sóc Sơn 2017, giải ba cự ly Vietnam Mountain Marathon 2017 (100 km), giải nhì Vietnam Mountain Marathon 2019 (70 km)...

Giữa năm 2019, Tiểu Đường quyết định vào TP HCM lập nghiệp, một phần bởi cộng đồng chạy ở miền Nam rất phát triển. Hiện cô được đào tạo để trở thành huấn luyện viên thể thao. Cô gái từng bị điểm liệt môn thể dục năm nào bây giờ đã trở thành một elite runner nổi bật của làng chạy marathon Việt Nam.

Cẩm Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/co-gai-cao-1-48-met-chinh-phuc-hon-60-giai-chay-4008989.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY