Khoa học hôm nay

Đây là cách dân mạng Trung Quốc phản ứng trước những hành xử của ông Trump với TikTok

Chủ đề về các mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ đối với TikTok và WeChat đã được xem hơn 500 triệu lần trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc.

Đã vài ngày kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành hai lệnh hành pháp cấm các giao dịch với ByteDance, chủ sở hữu TikTok và ứng dụng nhắn tin WeChat (ở Trung Quốc) của TenCent. Vẫn chưa rõ ảnh hưởng cụ thể của những lệnh cấm này sẽ ra sao khi chúng có hiệu lực vào giữa tháng 9, mặc dù điều đó có nghĩa là Apple và Google sẽ bị cấm cho tải TikTok và WeChat trên các cửa hàng trực tuyến của mình.

Và #hashtag mang theo tin tức này đã được nhìn thấy hơn 520 triệu lần trên Weibo, mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Các phản ứng trái ngược lẫn nhau. Một số lưu ý rằng Trung Quốc, đất nước đã cấm các nền tảng như Facebook trong hơn một thập kỷ, nên cũng không thể giả vờ là mình "có giá cao". Nhưng hầu hết mọi người trên Weibo đều bày tỏ sự thất vọng với việc Mỹ khăng khăng cho rằng TikTok nên được mua bởi một công ty trong nước, hoặc bị cấm hoàn toàn.

Hầu hết người dùng Internet Trung Quốc thất vọng về lệnh hành pháp của ông Trump.

"Những tên cướp Mỹ đang cướp bóc các công ty có chất lượng trên toàn cầu", đây là một bình luận gay gắt nhưng lại nhận được nhiều lượt ủng hộ trên Weibo. Một blogger đã chỉ ra rằng 89% doanh thu của ByteDance đến từ ứng dụng TikTok tại Trung Quốc, so với chỉ 6% từ Mỹ, trong khi đó công ty này vẫn quyên góp hàng triệu USD cho các nỗ lực ứng phó với Covid-19 trên toàn cầu. Người dùng này đã tham chiếu chính xác các số liệu được công bố hồi tháng 5 của ByteDance.

"Bạn có biết tại sao Mỹ lại nói rằng các công ty, hệ thống truyền thông, ứng dụng... của Trung Quốc đe dọa an ninh của Mỹ không?", câu hỏi được đưa ra bởi một người dùng, để rồi người này tự trả lời luôn sau đó. "Bởi vì các công ty Mỹ, hệ thống truyền thông, ứng dụng... đe dọa an ninh của các quốc gia khác, nên họ cho rằng những thứ này ở các quốc gia khác cũng là như vậy."

Các bình luận khác thì phủ nhận những lời chỉ trích mà các chính phủ phương Tây đưa ra về Trung Quốc, khẳng định Mỹ đang cố gắng kiểm soát luồng thông tin mà mọi người có thể nhìn thấy. "Điều này là để duy trì quyền bá chủ của việc phổ biến thông tin ở Mỹ. Nếu bạn kiểm soát được việc phổ biến thông tin, bạn có thể kiểm soát cách suy nghĩ của những người bình thường. Ngoài Trung Quốc, việc phổ biến thông tin cơ bản trên thế giới nằm chắc trong tay của Hoa Kỳ."

Ông Trump đang tỏ thái độ quyết liệt muốn với TikTok.

Trong khi đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã lên án các mệnh lệnh hành pháp của ông Trump, gọi chúng là những nỗ lực chính trị hóa nhằm "tách rời" lĩnh vực công nghệ của Mỹ khỏi Trung Quốc. Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo: "Cuộc tấn công của Washington vào TikTok chỉ là một món khai vị giữa làn sóng thanh trừng các công ty internet Trung Quốc tại thị trường Mỹ" .

Quan điểm suy nghĩ này cũng khiến một số người dùng Weibo lo lắng, cho rằng mọi người sẽ gặp bất lợi khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục "tách rời" nhau. Nhiều người bày tỏ sự giận dữ chống lại ông Trump, trong khi những người khác tỏ ra lo lắng hơn là tức giận.

"Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ đang đồng bộ nhất trí, và không ai thông cảm cho Trung Quốc", một bình luận tỏ thái độ lo ngại. "Đừng tưởng tượng rằng Trung Quốc sẽ có một cuộc sống tốt đẹp nếu ông Trump từ chức. Ngược lại, nếu ông ấy từ chức, quan hệ Trung-Mỹ sẽ chỉ ngày càng lạnh nhạt."

"Một cuộc chiến tranh lạnh mới vào năm 2020 đã bắt đầu", người khác bình luận.

Người dùng Trung Quốc cho biết sẽ mua điện thoại mới, thay vì tìm ứng dụng thay thế WeChat trên iPhone.

Mặc dù lệnh hành pháp của ông Trump đối với TikTok là một vấn đề lớn ở Mỹ, nhưng lệnh hành pháp chống lại WeChat thì lại có ý nghĩa hơn ở Trung Quốc. Bởi điều đó có nghĩa là người dùng iPhone tại Trung Quốc, với con số hơn 100 triệu, sẽ không thể tải xuống hoặc sử dụng WeChat nữa.

Mặc dù về mặt kỹ thuật nó chỉ là một ứng dụng nhắn tin, nhưng WeChat đã trở thành một nền tảng ngày càng giống với Facebook hơn. TenCent không công bố số lượng người dùng theo quốc gia, nhưng phần lớn trong số 1,2 tỷ người dùng của ứng dụng này là ở Trung Quốc.

Điều này khiến một hãng tin phải đặt câu hỏi cho người dùng Weibo: Apple hay WeChat?

Phần lớn những người được hỏi - khoảng 750.000 trên 800.000 người - cho biết họ sẽ mua một chiếc điện thoại mới, thay vì tìm một sản phẩm thay thế WeChat.

"Apple hay WeChat", một người dùng viết. "Đã đến lúc phải lựa chọn."

CEO ByteDance mới đây cũng bị dân mạng Trung Quốc mắng là 'kẻ phản bội' khi bán TikTok cho Mỹ.

"Có vẻ như Hoa Kỳ thực sự là một kẻ bắt nạt!", một người dùng khác bình luận, lưu ý rằng nước này đang theo chân Nga trong việc cấm WeChat.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng không bỏ lỡ cơ hội để nhấn mạnh rằng lệnh hành pháp có thể phản tác dụng như thế nào đối với Apple.

"Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt nạt công ty Trung Quốc Tencent có thể sẽ giáng một đòn nặng nề hơn vào Apple với khả năng mất đi phần lớn người dùng Trung Quốc, những người giúp tạo ra tới 20% doanh số toàn cầu của công ty, trong khi đồng thời thúc đẩy doanh số của các thương hiệu di động khác, chẳng hạn như Huawei, công ty mà ông Trump luôn muốn nghiền nát ", một báo cáo của Thời báo Hoàn Cầu viết.

Mới đây nhất Nhà Trắng đã ra lệnh đóng cửa đại sứ quán Trung Quốc ở Houston. Một số người trên Weibo đã coi hành động của ông Trump là chống Trung Quốc hơn là chống chính quyền Bắc Kinh.

"Tôi có mọi lý do để tin rằng Trump sẽ tweet vào một ngày nào đó trong tương lai: 'Không có người Trung Quốc nào được phép ở Mỹ. Tất cả người Trung Quốc đều là gián điệp, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Mỹ, đánh cắp nhiều bí mật quan trọng, tịch thu toàn bộ tài sản của người Trung Quốc'", một người dùng bất bình đăng tải quan điểm cá nhân.

Tham khảo Cnet

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/day-la-cach-dan-mang-trung-quoc-phan-ung-truoc-nhung-hanh-xu-cua-ong-trump-voi-tiktok-20200811163815606.htm)

Chủ đề liên quan:

Bảo Nam dân mạng TikTok trung quốc

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY