Sáng 8/11, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức lễ lỷ niệm 40 năm đào tạo bác sĩ nội trú (BSNT) BV. Là học viên BSNT khóa 9 của trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, đã không kìm được xúc động khi phát biểu tại buổi lễ cũng như trong chương trình tọa đàm 40 năm đào tạo BSNT…
Sáng 8/11, Trường ĐH Y Hà Nội tổ chức lễ lỷ niệm 40 năm đào tạo
bác sĩ nội trú (BSNT) BV. Là học viên BSNT khóa 9 của trường ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế, đã không kìm được xúc động khi phát biểu tại buổi lễ cũng như trong chương trình Tọa đàm 40 năm đào tạo BSNT…
Phát biểu tại buổi lễ PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Y tế cho biết đào tạo BSNT là một trong những phương thức đào tạo những chuyên gia giỏi, nhân tài của ngành y tế áp dụng cho các chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Chương trình đào tạo BSNT kéo dài ba năm, phần lớn thời gian dành cho thực hành; các học viên phải thường trú trong BV, học tập nghiên cứu với nhóm hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp của các giáo sư, bác sĩ giỏi và có nhiều kinh nghiệm. Qua đó đào tạo ra những bác sĩ có trình độ kiến thức tốt, trình độ tay nghề chuyên môn vững vàng, đủ năng lực hành nghề độc lập, là nòng cốt cho nhân lực chất lượng cao của các bệnh viện tuyến trung ương, các trường đại học y.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện nay nhiều cơ chế, chính sách đối với BSNT còn bất bập cần được tháo gỡ. Bác sĩ thông thường phải học 6 năm và hệ BSNT phải học 9 đến 10 năm. BSNT là những sinh viên y khoa giỏi, phải qua kỳ xét tuyển khó khăn, đào tạo nghiêm ngặt, đỏi hỏi các BSNT luôn phải nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, do các chính sách tuyển dụng, đãi ngộ còn nhiều bất cập, BSNT vẫn rất thiệt thòi về lương khởi điểm, chỉ được hưởng mức lương tương tự các ngành học có thời gian đào tạo 4 năm, số năm công tác cũng thiệt thòi hơn do thời gian nội trú tại bệnh viện không được tính là thời gian công tác…
Đáng chú ý, 13 năm nay BSNT không được Bộ GD&ĐT công nhận là thạc sĩ, mặc dù so với đào tạo cao học, thi tuyển đầu vào BSNT khó hơn, thời gian học lâu hơn, cho phí đào tạo tốn kém hơn… Khi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì chỉ được tính đầu vào như bằng đại học. Do đó, thời gian tới Bộ Y tế sẽ đề xuất Chính phủ có những chính sách hợp lý hơn với nhóm các BSNT như thay đổi về cách tính lương khởi điểm, thâm niên, chế độ bảo hiểm…
Theo PGS,TS Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, khóa đào tạo BSNT đầu tiên của Trường ĐH Y Hà Nội được tổ chức năm 1974 gồm 15 học viên thuộc sáu chuyên ngành: ngoại khoa, nội khoa, nhãn khoa, tai mũi họng, thần kinh, truyền nhiễm. Tính đến nay đã có 40 khóa BSNT được đào tạo với tổng cộng 1.983 học viên thuộc 35 chuyên ngành lâm sàng, cận lâm sàng và y học dự phòng. Trong số này, hàng trăm BSNT có học hàm GS, PGS; giữ các vị trí chủ chốt của ngành y tế và các khoa, bộ môn thuộc các BV… và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm đã diễn ra buổi giao lưu giữa thế hệ thầy, cô giáo,
bác sĩ nội trú qua các thời kỳ như: Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; GS.TS. Đặng Hành Đệ; GS.TS. Phạm Gia Khải; GS.TS. Nguyễn Lân Việt, nguyên Hiệu trưởng Trưởng ĐH Y Hà Nội với các học viên là BSNTđang được đạo tạo tại Trường. Tại Buổi giao lưu, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn, thách thức, đồng thời kiến nghị giải pháp nâng cao, phát triển mô hình đào tạo BSNT trong thời gian tới. Với hiệu quả của hệ đào tạo này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, sẽ mở rộng đào tạo BSNT, tăng cường đào tạo về lâm sàng để bác sĩ ra trường có thể ngay lập tức làm việc độc lập.
Sáng cùng ngày, tại trường ĐH Y Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Hiệu trưởng trường ĐH Y Hà Nội Nguyễn Đức Hinh và các quan khách đã cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình tòa nhà ký túc xá ĐH Y Hà Nội. Khu ký túc xá ĐH Y Hà Nội có diện tích sàn là 25.500m2, gồm 15 tầng và 1 tầng hầm, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 2.112 học viên, sinh viên. Tại mỗi tầng có khu vực sinh hoạt chung phục vụ cho các hoạt động tập thể của sinh viên. Ký túc xá trường ĐH Y Hà Nội được xây dựng với tổng kinh phí đầu tư trên 223 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển ngân sách nhà nước cấp là 100 tỷ đồng.
Thái Bình