Khoa học hôm nay

Điều cần cho cuộc sống lớn hơn những kỳ thi

MangYTe - Theo PGS.TS Lê Anh Vinh - phó viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, điều cần cho cuộc sống của một đứa trẻ trong các nhà trường phổ thông lại lớn hơn những kỳ thi.

Học sinh Trường phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội trong giờ trải nghiệm về thiên văn học - Ảnh: T.PHÚC

Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tinh giản nội dung chương trình hướng tới những thay đổi tích cực trong dạy học, đánh giá học sinh phổ thông, PGS.TS LÊ ANH VINH cho biết: Vào tháng 8-2017, Bộ GD-ĐT đã tổ chức rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành theo hướng tiếp cận chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn lần giảm tải nội dung chương trình mới đây là do tình thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Tuy nhiên, hướng rà soát, tinh giản cũng có nhiều điểm tương đồng với đợt rà soát năm 2017 và có những điều chỉnh phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Nói một cách khác, tuy việc tinh giản lần này là một giải pháp tình thế nhưng bộ cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

PGS.TS Lê Anh Vinh

Giảm bớt nội dung sự kiện, đòi hỏi ghi nhớ

* Ông có thể nói rõ hơn đó là những nội dung gì?

- Trong đợt rà soát năm 2017, chúng tôi tập trung vào các hướng dẫn điều chỉnh và thực hiện nội dung dạy học nhằm vào ba nhóm: thứ nhất là tinh giản những nội dung chồng chéo không cần thiết giữa các môn, các lớp.

Thứ hai là điều chỉnh hoặc hướng dẫn thực hiện một số nội dung theo hướng tập trung vào những nội dung cốt lõi, giảm bớt những nội dung mang tính sự kiện, nặng về đòi hỏi ghi nhớ… tăng cường cho học sinh vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề, đặc biệt là các vấn đề thực tiễn, phát triển năng lực học sinh.

Thứ ba là tổ chức, sắp xếp lại một số nội dung ở một số môn theo hướng tích hợp nhằm giảm sự trùng lặp không cần thiết, tạo thuận lợi cho dạy học phát triển năng lực học sinh. Trong tình huống cần phải tinh giản chương trình thì sẽ tập trung vào nhóm hai.

* Ở phần giảm tải vừa công bố có khá nhiều nội dung được chuyển sang phần khuyến khích tự đọc, tự làm có sự hỗ trợ của phụ huynh, hoặc tự học có hướng dẫn. Theo ông, đây có phải là một hướng sẽ duy trì khi thực hiện chương trình mới không?

- Việc chuyển một số nội dung sang phần học sinh tự đọc, tự làm ở nhà để có đủ thời gian tập trung dạy kiến thức cốt lõi trong tình thế eo hẹp thời gian. Tuy nhiên, ở đây cần phân biệt rõ những nội dung khuyến khích tự đọc, tự làm, không phải bắt buộc. Nó khác với nội dung tự học có hướng dẫn. Việc tự học có hướng dẫn là nhiệm vụ học sinh buộc phải làm, với sự hướng dẫn của giáo viên.

Các nội dung tự học đó sẽ liên quan tới nội dung bài học trên lớp và có thể sẽ nằm trong phạm vi kiểm tra, thi cử. Chúng ta nên nhìn nhận đơn giản đây là cách giao nhiệm vụ học tập có sự hướng dẫn, kiểm soát của giáo viên nhằm giúp học sinh biết cách tự học, hình thành tác phong học tập tích cực, đúng với tinh thần đổi mới giáo dục.

Từ thụ động sang chủ động

* Nhiều trường, giáo viên phổ thông chỉ mong đợi việc tinh giản là cắt bớt chương trình, giới hạn kiến thức phải dạy học. Nhưng nếu việc tinh giản lại chạm đến những vấn đề đổi mới phương pháp dạy học, đòi hỏi giáo viên phải điều chỉnh kế hoạch, thiết kế bài giảng khác trước. Điều này liệu có khiến họ gặp khó khăn?

- Chính những khó khăn do dịch bệnh đã khiến các trường phải chuyển dần từ thụ động sang chủ động xoay xở, tìm kiếm cách dạy học phù hợp. Khi việc nghỉ học kéo dài hơn dự kiến thì học qua Internet, qua truyền hình trở thành một giải pháp tốt nhất có thể và đang được nhiều trường, nhiều địa phương thực hiện.

Giáo viên phổ thông có sự linh hoạt cao, tôi cho rằng họ đủ năng lực thích ứng với thay đổi. Chỉ có một khó khăn lớn là thiếu thời gian để có thể chuẩn bị kỹ lưỡng, trong khi nhiều nhà trường, thầy cô giáo vẫn xem đây như là giải pháp tình thế, chưa nhận thấy thách thức hiện tại cũng là cơ hội mà họ nên nắm lấy.

Áp lực thi cử chi phối dạy học

Thực tế là áp lực điểm số hay áp lực thi cử chi phối việc dạy học ở bậc phổ thông. Giáo viên, phụ huynh lo cho học sinh đạt điểm cao, nhà trường, rồi các cấp quản lý cũng lo cho trường học trên địa bàn mình phụ trách đạt thành tích cao.

Cứ như thế, tất cả chạy theo điểm số, mục tiêu thi cử dẫn đến cách dạy học kiểu luyện tủ, dạy chỉ để đi thi, để đạt kết quả cao. Đây là một thực tế buồn, nhưng cũng là câu chuyện chung của nhiều nước, chứ không chỉ riêng của Việt Nam.

Trong khi đó, việc phát triển những năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh mới là nhiệm vụ quan trọng của các trường phổ thông. Đây mới là điều cần cho cuộc sống của những đứa trẻ, chứ không phải là những kỳ thi.

Để công cuộc đổi mới thành công, chúng ta cần cùng lúc tác động vào cả ba thành phần: nội dung chương trình - sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy và kiểm tra - đánh giá. Trong đợt đổi mới lần này, khi triển khai chương trình mới, bên cạnh việc đào tạo, chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên, bộ đã có những chuẩn bị dài hơi về đổi mới kiểm tra, đánh giá.

Việc đánh giá học sinh không chỉ nhìn vào điểm số bài kiểm tra, bài thi, mà phải đánh giá được sự tiến bộ, quá trình hình thành năng lực, kỹ năng của học sinh. Việc này có thể có chuệch choạc trong những năm đầu, nhưng dần dần sẽ ổn định và đi vào quỹ đạo.

VĨNH HÀ thực hiện

Mạng Y Tế
Nguồn: Tuổi trẻ (https://tuoitre.vn/dieu-can-cho-cuoc-song-lon-hon-nhung-ky-thi-20200411110910698.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY