Tâm sự hôm nay

Đồng phục của học sinh: Phụ huynh thoát cảnh bị ép buộc

Học sinh sắp bước vào năm học mới. Sát ngày khai giảng, nhiều Sở Giáo dục và đào tạo (GDĐT) trên cả nước (trong đó có Hà Nội) đồng loạt có văn bản chỉ đạo...
Học sinh sắp bước vào năm học mới. Sát ngày khai giảng, nhiều Sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trên cả nước (trong đó có Hà Nội) đồng loạt có văn bản chỉ đạo về việc nghiêm cấm nhà trường ép học sinh thay đồng phục mới. Điều này được phụ huynh đón nhận hồ hởi.

Nhiều phụ huynh mừng rỡ vì không còn cảnh con không dám tới trường vì chưa mua đồng phục mới, không phải lo lắng con mình “úi xùi” không bằng bạn bằng bè. Không phải chi món lớn đầu năm học, gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản để cho con thêm quyển sách, quyển vở và chiếc cặp sách lành lặn.

Đồng phục đâu phải thứ làm nên thương hiệu của một trường. Ngày xưa, cha mẹ đi học đâu cần đồng phục, thế mà nhiều người vẫn thành đạt, góp phần xây dựng đất nước. Bởi vậy, văn bản chỉ đạo của các Sở GD&ĐT tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh bằng việc không bắt buộc thay thế và mua mới đồng phục là vô cùng đúng đắn.

Tuy nhiên, quy định đã có, nhưng thực hiện thế nào lại là một nhẽ. Quanh chuyện đồng phục của con vẫn còn nhiều điều để phụ huynh rút kinh nghiệm. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ.

Năm nay bộ đồng phục của học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông (THPT) K.L, Hà Nội gồm: 3 bộ quần áo sơ mi, 2 áo khoác và 1 bộ thể thao, tổng cộng 1.730.000 đồng - là nửa tháng lương cơ bản của một công chức. Hôm cuối tháng 6 đến nhập học cho con, nhiều người không đủ tiền, chỉ muốn mua một vài thứ trong bộ đó (áo khoác, bộ thể thao), nhưng nhà may đồng phục cho trường không bán lẻ, phải mua cả bộ họ mới bán. Sau nhiều hồi từ chỗ năn nỉ không được, rồi lời qua tiếng lại, nhiều phụ huynh không mua được thứ cần mua nếu không chịu bỏ ra hơn 1,7 triệu đồng.

Chiều ngày 28/8, sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội có văn bản yêu cầu các trường không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới, theo địa chỉ nhà may đồng phục cho Trường THPT K.L dán ở cổng trường, tôi tìm đến nhà may trên phố Đoàn Trần Nghiệp, trong vai phụ huynh để hỏi mua bộ đồng phục thể thao cho con. Gọi là nhà may chứ thực ra chỉ là một căn nhà chừng 30m2 trong ngõ nhỏ, không có dáng dấp của một cơ sở may mặc, có chăng đây chỉ là nơi “đầu nậu” phân phối, đồng phục học sinh để bừa bộn dưới nền nhà. Chị chủ nhà tỉnh queo khi biết tôi chỉ mua bộ đồng phục thể thao và nhất định chị không bán lẻ, nếu tôi không mua trọn bộ, dù tôi đã đưa ra đủ các lý do để thuyết phục. Đã vậy chị còn dọa: “ Em mà không mua cho con thì vào đầu tháng 9, các thầy cô kiểm tra, con mặc không đúng bộ của trường là ch*t dở đấy”. Tôi bực bội ra về và tìm đến các điểm bán đồng phục, nhưng đều nhận được những cái lắc đầu: “Đồng phục thể thao thì khó, vì họ thiết kế mỗi trường một kiểu, không giống ai, để còn độc quyền phân phối, phụ huynh không thể mua ở nơi khác được. Bây giờ chị cần mua một bộ, họ không bán, buộc chị phải mua cả bộ thôi. Đó là chiêu trò bắt ép để bán hàng mà”. Ừ nhỉ, thử làm một phép tính đơn giản, năm nay Trường THPT K.L tuyển sinh 600 học sinh lớp 10, ngần đấy em sẽ phải mua đồng phục mới, nhân với số tiền 1.730.000 đồng/trọn bộ, sẽ là con số hơn 1 tỷ đồng. Một món hàng hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận sơ sơ cũng phải trăm triệu đồng, thế nên họ mới nghĩ ra chiêu trò bắt ép phụ huynh khổ sở như vậy.

Nay đã có văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục từ trên xuống, cứ thế mà thực hiện. phụ huynh không phải oằn mình cố gắng chi những khoản không cần thiết, gây lãng phí. Các con vẫn tự tin vào lớp học mà chẳng còn lo mặc đồng phục cũ sẽ bị gây khó dễ vì làm mất thi đua của lớp. Chất lượng học tập mới là điều quan trọng.

Ngọc An

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-dong-phuc-cua-hoc-sinh-phu-huynh-thoat-canh-bi-ep-buoc-16835.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY