Bệnh nhân đã được truyền điện giải bù dịch một tiếng trước nhưng thất bại, đang thở oxy lưu lượng cao, vật vã, tay chân lạnh, răng rỉ máu... cần hỗ trợ khẩn cấp.
"Chuẩn bị HES 130.000 dalton và albumin ngay. Tôi thông báo người nhà", bác sĩ Tiến nói với các đồng nghiệp. Ngoài cửa phòng cấp cứu, gương mặt mẹ cậu bé đầy nước mắt, còn người cha đứng ngồi không yên.
Bác sĩ giải thích ngắn gọn về tình trạng nguy kịch của bé, đồng thời cho biết phải đổi loại thuốc chống sốc mạnh hơn là dung dịch cao phân tử. Tuy nhiên, loại cao phân tử thường dùng là Dextran, HES 200.000 (được bảo hiểm y tế chi trả) đã hết do thiếu nguồn cung trên cả nước, không có hàng nhập khẩu. Buộc bác sĩ đổi sang loại cao phân tử khác cùng hoạt chất nhưng hiệu quả có thể không bằng, kết hợp với albumin. Ở cách này, gia đình cậu bé phải tự chi trả với giá khoảng 600.000 đồng một lọ albumin. Một liệu trình có thể phải truyền 20-30 lọ, tùy tình trạng sốc và thể trạng trẻ. Cha mẹ bé trai vội đồng ý, chỉ cần cứu được con trai.
"Vài tiếng cấp cứu sau đó dài như cả năm", bác sĩ Tiến kể. Ê kíp truyền túi HES 130.000 đầu tiên, túc trực suốt một giờ đầu theo dõi các chỉ số, song bé vẫn thoát huyết tương ồ ạt, tình trạng nặng hơn, được làm thêm nhiều biện pháp vẫn chưa thấy dấu hiệu khả quan. Các bác sĩ tính đến phương án cuối cùng là đặt nội khí quản cho bé thở máy, lọc máu. Đây là giải pháp nhiều nguy cơ, chỉ dùng khi đã chống sốc lần hai thất bại. May mắn, sau khi truyền hết lọ albumin thứ hai song song với HES 130.000, bệnh nhân "chịu" thuốc, các chỉ số dần cải thiện, thoát nguy kịch.
Ở những bệnh nhi đầu tiên áp dụng thuốc thay thế trong bối cảnh hết thuốc, dù đã được Sở Y tế TP HCM chấp thuận, bác sĩ Tiến và đồng nghiệp rất lo lắng, hồi hộp chờ đợi kết quả. "Đưa ra giải pháp mới mà không hiệu quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng bệnh nhân", anh cho biết.
Sử dụng thuốc thay thế để "chữa cháy" là một trong những cách nhiều bệnh viện đang áp dụng trong bối cảnh thuốc và vật tư y tế thiếu nghiêm trọng trong thời gian qua. theo thống kê của bộ y tế, toàn quốc có 28 sở y tế các tỉnh thành và 12 bệnh viện tuyến trung ương lâm vào cảnh này. nguyên nhân thiếu thuốc xuất phát từ những vướng mắc pháp lý trong đấu thầu khiến các đơn vị e ngại, lúng túng, dễ vướng bẫy...
Bác sĩ TP HCM truyền thuốc điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Quỳnh Trần
Tương tự, Bệnh viện Chợ Rẫy - đa khoa tuyến cuối của khu vực phía Nam (mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn lượt bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành), các bác sĩ cũng vất vả tìm cách giải quyết tình trạng thiếu thuốc. Riêng những thuốc không có loại thay thế, buộc phải phối hợp nhiều biện pháp điều trị. Chẳng hạn, với huyết thanh đa giá kháng nọc rắn cạp nong, cạp nia, hổ chúa, hổ đất, trước đây được nhập khẩu từ Thái Lan, trong nước chưa thể sản xuất. Từ đợt Covid-19 bùng phát vào năm ngoái đến nay, nguồn cung này chưa có hàng trở lại.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết nạn nhân bị rắn cắn nếu được sử dụng huyết thanh kháng nọc kịp thời sẽ trung hòa được ngay độc tố của nọc rắn, các cơ quan trong cơ thể nhờ đó không bị tàn phá. Bệnh nhân được truyền huyết thanh giải độc sớm thì hiệu quả điều trị càng cao, thông thường khoảng 2-3 ngày có thể hồi phục.
Trong bối cảnh không có huyết thanh kháng nọc, người bị rắn cắn được bác sĩ điều trị triệu chứng. Chẳng hạn, bệnh nhân bị liệt cơ, khó thở, sẽ được hỗ trợ hô hấp sớm, dùng thuốc tăng cường sức cơ, chờ khoảng 1-2 tuần nọc rắn bán hủy tùy theo lượng nọc trong cơ thể nhiều hay ít. Bệnh nhân giảm tiểu cầu sẽ được truyền tiểu cầu, rối loạn đông máu sẽ được truyền máu và các chế phẩm máu. Trong trường hợp diễn tiến nặng, bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật cao như lọc máu, thay huyết tương...
"Khi không có huyết thanh, thời gian chữa trị trung bình 7-14 ngày hoặc kéo dài hơn, chi phí cao, có thể gặp nhiều biến chứng", bác sĩ Hùng nói và cho rằng điều trị như vậy thường chỉ hiệu quả với bệnh nhân tới viện sớm, chưa rối loạn nhiều, lượng độc vào cơ thể bệnh nhân vừa phải. Việc trung hòa chất độc không thể chủ động như khi có huyết thanh kháng nọc. Hồi tháng 5, bé gái 4 tuổi ở Phú Yên qua đời sau 5 ngày bị rắn cạp nia cắn, do các bệnh viện không có huyết thanh giải độc rắn này.
Để chủ động hơn, các bác sĩ phải tìm tòi, ứng dụng nhiều biện pháp chưa được ghi nhận trong các phác đồ điều trị. Từ năm 2020, Bệnh viện Chợ Rẫy áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ mới đối với người bị rắn hổ mang chúa cắn như hỗ trợ nhịp tim từ bên ngoài, lọc máu liên tục để loại trừ độc chất... cứu sống một số bệnh nhân từng nguy kịch, được gửi thông tin đến WHO cũng như đăng tải trên các tạp chí về điều trị ngộ độc trên thế giới. Bệnh viện cũng liên kết một số nhà nghiên cứu, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, IVAC, xây dựng các quy trình, hy vọng chủ động sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang trong nước.
Tại Hà Nội, nhân viên y tế cũng đau đầu giải bài toán thiếu thuốc, vật tư y tế. Nhiều vật dụng từng phổ biến như catheter (ống thông) phục vụ ca mổ, kim luồn để truyền hóa chất... giờ không còn. Bệnh nhân phải bỏ tiền mua thay vì được hưởng bảo hiểm y tế (nếu bệnh viện có sẵn). "Chúng tôi rất ái ngại khi giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng này. Đã có trường hợp lớn tiếng cho rằng chúng tôi nói dối để thu tiền. Rất mệt mỏi", một bác sĩ cho biết.
Với nhóm thuốc giá rẻ, ít sử dụng, phục vụ cấp cứu, nhiều năm không có thầu, bác sĩ phải tự bỏ tiền túi ra mua. gần đây, bệnh viện thiếu thuốc propranolol 40 mg dùng cho bệnh nhân cấp cứu tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực. thuốc propranolol có chỉ định chặt chẽ, ít dùng, lọ 100 viên, mỗi lần chỉ sử dụng 1-2 viên với giá khoảng 3.000 đồng một viên. "chờ thầu không biết đến bao giờ, mà người nhà bệnh nhân không thể mua cả hộp nên tôi mua, ưu tiên cấp cứu người bệnh trong thời gian sớm nhất, còn thì để dành", anh nói.
Với những loại thuốc thiếu cục bộ, PGS.TS Đào Xuân Cơ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cho biết đơn vị ông thường liên hệ với các bệnh viện khác trao đổi, chia sẻ thuốc nằm trong danh mục đấu thầu tập trung. "Thuốc chỗ mình chưa dùng hết thì chuyển qua nơi đang thiếu và ngược lại", ông Cơ nói.
Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thuốc tại kho dược. Ảnh: Quỳnh Trần
Thời gian qua, chính phủ, bộ y tế vào cuộc tháo gỡ các vướng mắc để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. bên cạnh gia hạn khẩn cấp gần 10.000 giấy phép thuốc sắp hết hạn, bộ y tế đẩy nhanh đàm phán giá biệt dược gốc, lập các đoàn kiểm tra đến các bệnh viện để có giải pháp phù hợp. mới đây, ba gói thầu mua sắm cấp quốc gia đã chọn được nhà thầu... hiện, tình trạng thiếu thuốc đã bớt căng thẳng hơn hồi tháng 5, 6.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho rằng, Việt Nam cần có trung tâm điều phối thuốc hiếm, dự trữ sẵn thuốc để bổ sung khẩn cấp cho các cơ sở y tế khi cần. Những thuốc này thường có lượng sử dụng không cố định, có lúc dùng nhiều, lúc lại rất ít. Các bệnh viện nếu lấy thuốc về nhiều nhưng không có bệnh nhân sử dụng sẽ dẫn đến tình trạng hết đát, phải hủy bỏ, ảnh hưởng đến kế hoạch đấu thầu của năm tiếp theo.