Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Giữ lại đôi chân cho bệnh nhân 64 tuổi viêm tủy xương

Tưởng đau dây thần kinh tọa, bà Hồng có nguy cơ phải cắt bỏ chân do viêm tủy xương.

Bác sĩ chuyên khoa i dương thị thủy - khoa nội cơ xương khớp, bệnh viện hồng ngọc (hà nội) cho biết, viêm tủy xương là một nhiễm trùng rất sâu, có nguy cơ diễn biến rất nặng như sốc nhiễm trùng, hoại tử xương, tiêu xương và phải cắt chi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân bị nhầm lẫn khi tự chẩn đoán thông qua các triệu chứng ban đầu của bệnh.

Chẳng hạn các dấu hiệu sưng, nóng, đỏ, đau ở vùng đùi kèm theo sốt xảy ra do nhiễm trùng dễ nhầm lẫn với trường hợp biến chứng do viêm tắc tĩnh mạch hoặc viêm tắc động mạch. Cụ thể là những người lớn tuổi có những bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường. Sự nhầm lẫn này cũng dễ dàng xảy ra ở một số bệnh nhân vừa có bệnh lý nền kèm theo tiền sử đau dây thần kinh tọa, thoát vị địa đệm.

Vừa qua, bệnh viện hồng ngọc tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân phạm thị hồng, (64 tuổi, hà nội) nhập viện trong tình trạng sốt cao (39 độ c); đùi trái phù nề, đau dữ dội, chân trái hoàn toàn không co duỗi được, người nhà phải bế.

Bệnh nhân Hồng được bác sĩ thăm khám.

Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận thấy vùng đùi trái của bệnh nhân sưng to, đỏ, đau nhiều, không có dấu hiệu đau lưng hay đau mông. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng, định lượng CRP (đo mức độ viêm trong cơ thể) tăng mạnh, cao gấp 41 lần mức cho phép. Với tình trạng này, các chuyên gia đưa ra chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng mô mềm hoặc xương hoặc mạch máu, hoàn toàn không liên quan đến đau dây thần kinh tọa.

Để xác định chính xác bệnh trạng, bệnh nhân được thực hiện một số xét nghiệm máu và cận lâm sàng (Chụp X-quang, MRI vùng đùi trái). Theo bác sĩ Thuỷ, trên ảnh chụp MRI, ở vị trí 1/2 dưới xương đùi trái, tủy xương có đám tổn thương kích thước 25*63 mm, tăng tín hiệu không đều trên T2W; trong khoang trước và sau cơ khép lớn có các ổ áp xe 10 mm. Chẩn đoán xác định tình trạng viêm xương tủy vị trí 1/2 dưới xương đùi trái, áp xe cơ đùi trái.

BS CKI Dương Thị Thủy - khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc phân tích tình trạng bệnh nhân.

Bệnh nhân lập tức được tiến hành cấy máu và cho sử dụng kháng sinh phổ rộng, kết hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ. Ba ngày sau, theo kết quả chụp X-quang kết hợp khai thác kỹ bệnh sử, bệnh nhân không có chấn thương, không gãy xương, không có vết thương hở.

Mặt khác, bác sĩ Thủy cũng nghi ngờ khả năng do trước đó bệnh nhân nghĩ mình bị đau thần kinh tọa nên có đi châm cứu; trong quá trình châm cứu không cẩn thận có thể đã đưa vi khuẩn vào máu, đến khu trú vùng tủy xương, cơ đùi trái dẫn đến tình trạng viêm. Kết quả cấy máu chứng minh điều đó. Ở cả hai bên tay bệnh nhân đều thấy tụ cầu vàng, điều đó có nghĩa tác nhân gây nhiễm khuẩn là do tổn thương ngoài da xâm nhập.

Trường hợp của bệnh nhân Hồng may mắn vì nhập viện kịp thời, các bác sĩ đã điều trị và có thể giữ lại đôi chân cho bệnh nhân. Sau một tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, đi lại bình thường và được xuất viện.

Nụ cười rạng rỡ của bà Hồng ngày ra viện.

Bà Hồng chia sẻ, lúc nhập viện bác sĩ chẩn đoán bị viêm tủy xương, bản thân hoang mang. Tuy nhiên, đến nay sức khỏe đã ổn. Hiện, bà xuất viện về nhà, hằng ngày chăm hai cháu nhỏ học online. "Từ đầu, tôi nghĩ bản thân bị đau dây thần kinh tọa trong mấy lần khám trước nên ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, dẫn đến chữa không đúng cách. Điều này khiến cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn", bà Hồng nói.

Lê Nguyễn

Ảnh: Bệnh viện Hồng Ngọc

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/giu-lai-doi-chan-cho-benh-nhan-64-tuoi-viem-tuy-xuong-4413453.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY