Tâm sự hôm nay

Hai cuộc tình đều bị phản bội khiến tôi trầm cảm

Gần đây, khi nói chuyện trước nhiều người, tôi mất bình tĩnh, lo lắng và giọng bị run, dù chỉ là những cuộc trò chuyện bình thường.

Tôi 31 tuổi, có công việc thu nhập tốt, ngoại hình ổn, có thể nói tôi ổn định về cuộc sống nhưng không cảm thấy hạnh phúc. Tôi đã trải qua 2 cuộc tình đáng quên. Cả 2 người đàn ông này đều là những mẫu người giỏi và trầm tính, được người xung quanh nhận xét là hiền lành, tốt bụng, rồi họ đều lừa dối tôi. Ngay khi phát hiện, tôi chọn chia tay dù rất yêu. 

Ký ức thanh xuân của tôi sự lừa dối, bất cần và đau lòng. Người thứ hai, sau 5 năm quen nhau, tôi phát hiện và chia tay, đến giờ đã được 2 năm. Trong năm rưỡi đầu đó, cảm giác bị sốc, bị phản bội với người cũ quá lớn, quá nặng nề, tôi để mình hẹn hò với 3 người ngoại quốc, không phải tình một đêm mà là tìm hiểu, trò chuyện và hẹn hò đàng hoàng. Tại sao là người ngoại quốc? Vì tôi không muốn ai biết mình đang như thế nào, không muốn ai đồn đoán về tôi, nhưng tôi không thể yêu họ được, chẳng thấy một sự đồng điệu nào cả nên dừng lại. Khi đi lại những chốn cũ, tôi nhớ lại những kỷ niệm trước và thấy buồn thăm thẳm. Tôi nghĩ một cô gái như mình đáng lẽ xứng đáng để tôn trọng, được hạnh phúc chứ?

Không còn trẻ nữa, tôi khó có thể tìm được một người tương đồng với mình. Hơn nữa, tôi mệt mỏi quá, sẽ tốn bao nhiêu năm nữa cho một cái kết mà mình không thể đoán trước được, là hạnh phúc hay một ngày nào đó sẽ lại bị phản bội? Tôi thu mình lại, cảm thấy tự ti, lúc phát hiện họ lừa dối, mỗi sáng thức dậy tôi đều tự hỏi tại sao, tôi có gì không tốt? Tôi sợ bị trở thành trung tâm, sợ mọi người tập trung vào mình.

Tôi vẫn có bạn bè thân nhưng bạn bè cũng có niềm vui riêng với gia đình và người yêu họ. Có những ngày cuối tuần, tôi chẳng còn tâm trạng để ra ngoài hay vận động, tập thể dục, chỉ nằm dài mở tivi hoặc đọc sách, không hề trò chuyện với ai, tâm trạng vô cùng nặng nề và mệt mỏi. Chuyện tình cảm tôi cũng chưa bao giờ dám chia sẻ với ai.

Gần đây tôi cảm thấy mình bị stress, muốn ngủ cho quên hết muộn phiền, thỉnh thoảng cũng thoáng nghĩ qua việc Tu tu của những người bị trầm cảm. Có ai từng trải qua cho tôi lời khuyên được không?

Lam

Chuyên gia tham vấn tâm lý Phong Nguyên gợi ýChào bạn thân mến!

Sau khi đọc những dòng trải lòng của bạn, tôi xin chia sẻ những nỗi phiền muộn và cảm giác bế tắc bạn đang trải qua sau những đổ vỡ về tình cảm. Bên cạnh đó, tôi thấy mừng khi bạn hiểu được tình trạng của bản thân và tìm đến một hướng thay đổi tích cực, điều này được thể hiện rất rõ qua lá thư bạn gửi đến tòa soạn với mong muốn được hỗ trợ kịp thời.

Bất cứ ai sau khi bước ra khỏi những mối quan hệ đổ vỡ đều ít nhiều trải qua cảm giác đau buồn, mất mát. Bạn đang tự tách mình ra khỏi những mối quan hệ xung quanh, tuy nhiên bạn vẫn hướng cái nhìn của mình đến họ và lo lắng về cách mọi người nhìn mình, đồng thời có những câu hỏi nghi ngờ về bản thân. Chia tay không đồng nghĩa với việc giá trị bản thân bạn bị giảm sút hay bạn không xứng đáng nhận được những điều tốt đẹp. Việc chấm dứt một mối quan hệ chỉ mang ý nghĩa thông báo rằng hai bên không còn khả năng đáp ứng được những nhu cầu của đối phương.

Bên cạnh đó, tôi luôn ủng hộ mong muốn của bạn về việc tìm đến sự trợ giúp của người có chuyên môn về tâm lý để được hỗ trợ, nâng đỡ về mặt tinh thần. Việc bạn có những biểu hiện của việc trốn tránh, bắt đầu những mối quan hệ mới, hay thậm chí xuất hiện những suy nghĩ về việc tự sát là phản ứng tự nhiên của tâm lý con người để bảo vệ bản thân trước những yếu tố gây căng thẳng đến từ bên ngoài. Việc có người hỗ trợ về tâm lý sẽ giúp bạn có cho mình những phương thức hiệu quả để đối diện với các tình huống đó một cách lành mạnh. Mong rằng sau khi nhận được sự trợ giúp của những người có chuyên môn, bạn sẽ sớm tìm được hạnh phúc riêng cho bản thân.

Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/tam-su/hai-cuoc-tinh-deu-bi-phan-boi-khien-toi-tram-cam-4003030.html)

Tin cùng nội dung

  • Việc dạy dỗ, giáo dục một đứa con tự kỷ trở thành nỗi quan tâm, lo lắng của nhiều bậc cha mẹ.
  • Có đến 15% người trưởng thành bị trầm cảm. Dấu hiệu bệnh đôi khi rất thông thường nên mọi người dễ dàng bỏ qua.
  • Các nhà khoa học Hà Lan vừa cho biết một trong những phương pháp có thể giúp giảm triệu chứng trầm cảm ở người cao tuổi là dùng ánh sáng trị liệu.
  • Không chỉ người già bị bệnh trầm cảm mà ngày càng nhiều học sinh, sinh viên cũng mắc bệnh này. 7 cách sau sẽ giúp bạn có trạng thái tinh thần tốt.
  • Đó là kết luận của các nhà khoa học thuộc Đại học Tilburg (Hà Lan) sau khi khảo sát ở 5.785 người tại Mỹ trong 10 năm.
  • Rối loạn trầm cảm là một trong những rối loạn tâm thần phổ biến nhất tại Mỹ. Hàng năm khoảng 6.7% người Mỹ thường mắc bệnh này. Phụ nữ có khả năng bị trầm cảm hơn 70% so với nam giới trong suốt cuộc đời.
  • Sau sinh luôn là khoảng thời gian vô cùng khó khăn đối với phụ nữ. Ngoài việc chăm sóc chu đáo cho gia đình, con cái, họ còn phải đối mặt với nguy cơ cao mắc chứng trầm cảm. Vậy làm thế nào để vượt qua giai đoạn này?
  • Thời gian thực sự có khả năng chữa lành vết thương. Bạn chỉ cần 11 tuần để vượt qua nỗi đau tình tan (thời gian cần thiết để hồi phục sau một cuộc ly hôn là 18 tháng) kết quả nghiên cứu mới.
  • Mạng xã hội chiếm 1/3 lý do của các vụ ly hôn, và con số này đang tăng dần lên.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY