Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Hiến tặng trứng 6 lần kiếm hàng trăm triệu từ khi còn là sinh viên nhưng 10 năm sau người phụ nữ này muốn có con phải... cần người khác hiến trứng

Với việc làm này của mình trong 5 năm, cô không những mang đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn một món quà vô giá mà cô còn kiếm được khoản tiền kha khá.

Chia sẻ trên podcast Pregnantish, Michelle, 33 tuổi cho biết, hiện tại cô đang phải đối mặt với chứng vô sinh và nguyên nhân rất có thể do việc mà cô đã làm từ cách đây cả chục năm.

Khi còn là sinh viên đại học, vì thiếu tiền, Michelle đã quyết định hiến trứng của mình để giúp các cặp vợ chồng đang hiếm muộn và mong mỏi có con. Với việc làm này của mình, Michelle không những mang đến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn một món quà vô giá mà cô còn kiếm được khoản tiền kha khá.

Trong khoảng 5 năm, Michelle đã hiến tặng trứng 6 lần trước khi "nghỉ hưu" ở tuổi 26. Michelle cho biết, lần hiến tặng trứng đầu tiên cô nhận được 5.500 USD (khoảng 127 triệu đồng). Những lần sau đó số tiền cô kiếm được còn nhiều hơn và lần cuối cùng hiến trứng, cô đã nhận được khoảng 10.000 đô la (hơn 231 triệu).

Thế nhưng, 10 năm sau, khi cô và chồng quyết định có con thì mọi chuyện lại không suôn sẻ. Tháng 5 năm ngoái, vợ chồng cô bắt đầu cố gắng mang thai nhưng đã sảy thai 2 lần liên tiếp. Bác sĩ nói rằng, có thể cô sẽ cần một người khác hiến trứng để có con. Điều này khiến cô vô cùng thất vọng. "Tôi nghĩ rằng đây là lỗi của tôi. Lý do tôi không thể có một gia đình hoàn thiện là vì tôi đã sử dụng hết số trứng tốt của mình, tất cả đều biến mất.Tôi cứ tự trách mình nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa gì", Michelle chia sẻ.

Sau khi có thời gian để cân nhắc các lựa chọn của mình, Michelle cho biết cô sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để có thể có con.

Hiến trứng là gì?

Hiến trứng là quá trình người phụ nữ hiến trứng trong cơ thể mình để cho phép người phụ nữ khác gặp vấn đề về sinh đẻ có khả năng thụ thai. Một số trường hợp trứng đã hiến chưa được thụ tinh có thể được trữ đông lạnh và lưu trữ để sử dụng sau.

Hiến trứng được xem là một phần của phương pháp điều trị vô sinh đối với các cặp vợ chồng không thể có con. Năm 1984, em bé đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng trứng hiến tại Australia.

Hiến tặng trứng không ảnh hưởng đến khả năng có thai về sau

Từ câu chuyện của Michelle, nhiều người lo lắng chuyện hiến tặng trứng có thể ảnh hưởng đến khả năng có con sau này vì "hết trứng". Tuy nhiên, thực tế, tình trạng này không xảy ra.

Mỗi người phụ nữ có khoảng 2 triệu nang trứng từ lúc sinh ra, đến lúc dậy thì thì còn khoảng 300.000 đến 400.000 trứng, do sự thoái hóa tự nhiên của các nang trứng. Vào mỗi chu kỳ kinh, sẽ có khoảng 50-100 nang trứng đi vào quá trình chọn lọc và phát triển, tuy nhiên, cuối cùng chỉ có duy nhất 1 trứng rụng, những trứng còn lại sẽ thoái hóa. Nguyên nhân là vì sự phát triển của nang trứng được quyết định bởi một nội tiết tố gọi là FSH. Trong điều kiện bình thường, lượng FSH trong cơ thể chỉ đủ để cho 1 nang trứng phát triển và rụng trứng trong một chu kỳ kinh.

Khi kích thích buồng trứng, người cho trứng sẽ được sử dụng Thu*c có tác động tương tự FSH, khiến cho lượng FSH trong cơ thể nhiều hơn, từ đó dẫn đến số trứng của chu kỳ kinh đó phát triển nhiều hơn và số trứng bị thoái hóa ít hơn. Nói cách khác, kích thích buồng trứng chỉ tác động đến số nang trứng đáng lẽ sẽ thoái hóa của chu kỳ đó, chứ không tác động đến những nang trứng của chu kỳ sau.

Nếu không cho trứng, số lượng trứng của chu kỳ đó cũng mất đi. Vì vậy kích thích buồng trứng không làm giảm số trứng cũng như giảm khả năng có thai sau này của người cho trứng.

Một người phụ nữ có thể sử dụng trứng được hiến từ người khác cho những trường hợp sau

- Không có buồng trứng

- Có buồng trứng nhưng buồng trứng bất thường: T*i n*n, ung thư, cắt buồng trứng

- Đã kích trứng vài lần nhưng chất lượng trứng thu được không tốt

- Có bệnh về di truyền

Nếu không may mắn rơi vào những trường hợp trên, bạn nên nghĩ ngay đến giải pháp xin trứng.

Các xét nghiệm cần làm đối với người cho trứng

- Khai thác kĩ tiền sử bản thân, tiền sử gia đình

- Khám lâm sàng

- Xét nghiệm sàng lọc giống với người mẹ vì người này cũng trải qua quá trình kích trứng

- Xét nghiệm nhiễm sắc thể

- Xét nghiệm nhóm máu: Nên chọn người nhóm máu giống cha hoặc mẹ vì khi trẻ lớn lên, sẽ có những thắc mắc nghi ngờ nếu không cùng nhóm máu với bố mẹ

Chất lượng trứng của người hiến trứng quyết định một phần lớn đến sự thành công hay thất bại của một ca thụ tinh ống nghiệm. Do vậy, tìm người hiến trứng phù hợp là hết sức cần thiết.

Theo Insider

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/hien-tang-trung-6-lan-kiem-hang-tram-trieu-tu-khi-con-la-sinh-vien-nhung-10-nam-sau-nguoi-phu-nu-nay-muon-co-con-phai-can-nguoi-hien-trung-20200810151742511.chn)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY