Bệnh nhân thở ngáp cá, tay chân lạnh, môi tím, toàn thân nhợt nhạt. Kết quả chụp MSCT ngực phát hiện phình động mạch chủ ngực kèm tràn dịch ngoài màng tim.
Các bác sĩ nghi ngờ phình động mạch đã vỡ, quyết định mổ tim ngay. Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Minh Thành, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, ngày 23/4 cho biết bệnh nhân trong tình trạng trụy tim mạch, tình huống "thập tử nhất sinh", cơ hội cứu sống rất mong manh. Các bác sĩ thuyết phục người nhà "còn nước còn tát".
"Nếu không mổ ngay thì không có cơ hội cứu sống bệnh nhân nữa", bác sĩ Thành nói.
Trên bàn mổ, các chỉ số sinh tồn bệnh nhân rất nguy kịch, huyết áp tụt rất thấp. các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tim, đặt đường truyền tim mạch trung tâm, dùng Thu*c adrenaline để duy trì huyết áp, thiết lập ngay hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ecmo).
Kíp mổ đã lấy ra một khối máu tụ khoảng 400 g cùng dịch máu đang chèn ép lên các buồng tim và động mạch chủ ngực, tim đập thoi thóp.
Theo bác sĩ Thành, sau khi khởi động ECMO để cung cấp máu cho các tạng trong cơ thể, bệnh nhân được hạ thân nhiệt còn 28-30 độ C, làm liệt tim và cô lập hoàn toàn vị trí phình động mạch chủ ngực, kíp mổ tìm thấy vị trí vỡ túi phình dài khoảng 3 cm. Khối phình động mạch chủ ngực khá lớn, đường kính 7-8 cm, đang vỡ và chảy máu. Toàn bộ túi phình động mạch được cắt bỏ, thay thế bằng mạch máu nhân tạo dài khoảng 12 cm. Tim được sưởi ấm dần và tự đập lại, trong sự vui mừng của các bác sĩ.
Trải qua ca mổ kéo dài 5 giờ, bệnh nhân bước vào giai đoạn hậu phẫu nhiều thách thức. Sau 30 giờ hồi sức tim, bệnh nhân tự thở được, huyết động ổn, rút nội khí quản. Sau 72 giờ, bệnh nhân không có biểu hiện suy các tạng và hồi phục nhận thức hoàn toàn. Dự kiến, bệnh nhân có thể xuất viện trong tuần tới.
Bệnh nhân điều trị tại khoa Phẫu thuật tim. Ảnh: Bích Hạnh.
Theo bác sĩ Thành, phình động mạch chủ ngực thường gặp ở người lớn tuổi, khoảng 60-70 tuổi mắc bệnh lý xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Người độ tuổi 50-60 cũng có thể gặp do bệnh lý nhiễm trùng như giang mai, nhiễm trùng máu... Gần đây, bệnh nhân phình động mạch chủ tuổi trẻ hơn, khoảng 40-50.
"Bệnh nhân này chỉ mới 45 tuổi, nguyên nhân có thể do bệnh mô liên kết bẩm sinh", bác sĩ Thành nhận định. Bệnh nhân may mắn được cấp cứu, phẫu thuật kịp thời. Nếu trễ thêm khoảng thời gian ngắn có thể không cứu được. Động mạch chủ ngực xuất phát từ tim, là động mạch lớn nhất của cơ thể, khi vỡ gây chèn ép tim cấp, thiếu máu tạng như não, gan, thận... bệnh nhân Tu vong nhanh.
Bác sĩ khuyến cáo người trẻ tuổi, mắc bệnh lý tăng huyết áp và đau ngực, nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm phình động mạch chủ ngực nếu có, theo dõi và điều trị kịp thời.