Tình yêu và giới tính hôm nay

Kỳ cuối: Cần ứng xử như một vấn đề văn hóa

Chính vì những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề của MCBGTKS cho nên Nghị quyết số 21 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu “Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên”, và trước hết, “đến năm 2030, tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống”.

Nghiêm cấm lựa chọn tỷ số giới tính khi sinh

Theo các chuyên gia nghiên cứu về vấn đề dân số, tỷ số giới tính khi sinh liên quan đến vấn đề văn hóa, phong tục, tập quán của người dân từ hàng ngàn năm nay nên chúng ta phải với việc MCBGTKS như là một vấn đề văn hóa. Để giải quyết vấn đề nan giải này không thể nóng vội mà phải làm từng bước, huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân để thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần triển khai cả một hệ thống giải pháp, vừa cấp bách, vừa lâu dài.Trước tiên cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ hiểm họa của MCBGTKS.Theo PGS. Lưu Bích Ngọc, tính từ năm 2000 đến nay đã có 8 năm để Việt Nam triển khai một số chính sách can thiệp phòng chống MCBGTKS. Chương trình về đề án phòng chống MCBGTKS khi sinh ở Việt Nam do Tổng cục Dân số - KHHGĐ (Bộ Y tế) ở Việt Nam thực hiện cho đến nay đã bao quát được tới 50 tỉnh thành. Đây đều là những địa phương có tỷ lệ mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh cao.

Chính vì thế, chúng ta đã đưa ra những giải pháp mang tính chất mạnh như: Giám sát và phát hiện những hành vi lựa chọn giới tính khi sinh theo đúng tinh thần của Pháp lệnh dân số năm 2003 và sau đó, gần đây đã bắt đầu đưa ra những điều để quy định vi phạm tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh thì sẽ bị xử phạt nặng. Cụ thể, Điều 7 trong Pháp lệnh Dân số đã ghi rất rõ “Nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức”. Và việc tuyên truyền, phổ biến thực hiện nghiêm Pháp lệnh Dân số không chỉ cho người dân mà còn cả cho đội ngũ truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, PGS. Lưu Bích Ngọc cũng cho biết: “Phải thắng thắn thừa nhận hiệu quả của các chính sách hiện nay chưa cao. Khi mà chúng ta áp dụng những biện pháp hành chính mạnh, chúng ta không thể có đủ nguồn lực thanh tra, hay cơ quan chức năng để tung đi các phòng khám, cơ sở y tế,…để giám sát có siêu âm và công bố giới tính thai nhi hay không? Và việc công bố lựa chọn giới tính thai nhi cũng được ẩn dấu dưới nhiều hình thức tinh vi, khó phát hiện”.Với Pháp lệnh Dân số năm 2003 có Điều 7 về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Năm 2006, Luật bình đẳng giới cũng đã được Quốc hội thông qua.Bởi vậy, cần nỗ lực hơn nữa để các luật và pháp lệnh này đi vào cuộc sống.Mặt khác, khi xây dựng các chính sách pháp luật cần chú ý đến khía cạnh giới.

Hiện nay, hầu hết phụ nữ mang thai đều biết giới tính thai nhi trước khi sinh cho thấy tình trạng sử dụng trái phép và sai mục đích những thành tựu y học là rất phổ biến. Song, đến nay rất ít địa phương xử phạt theo Nghị định số 114/2006/NĐ-CP và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, dân số và trẻ em. Vì vậy, cần tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật; yêu cầu các cơ sở y tế, nhất là y tế tư nhân cam kết không tư vấn và cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi; xử phạt nghiêm khắc những người vi phạm là giải pháp quan trọng, cần thiết hiện nay.

Hoàn thiện các chính sách an sinh - xã hội

Trình độ phát triển kinh tế - xã hội còn thấp là nguyên nhân cơ bản của “lựa chọn con trai” dẫn đến MCBGTKS. Vì vậy, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội là giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài nhằm giải quyết tận gốc tình trạng trọng nam hơn nữ. Tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ và bé gái được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để có thể không chỉ thụ hưởng một cuộc sống khỏe mạnh mà còn có cơ hội phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội.

Mặt khác, cần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội, để người cao tuổi nói chung và người cao tuổi có hai con gái yên tâm khi tuổi già, như: Chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi; hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng; giáo dục thái độ mọi người, con trai, cũng như con gái đều có trách nhiệm với cha mẹ một cách bình đẳng... Cần có những mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng, an sinh xã hội như: Đóng góp quỹ cộng đồng nhằm chăm sóc những người cao tuổi cô đơn, ít con,…giảm tâm lý yêu thích con trai.

Mới đây Bộ Y Tế tiếp tục đưa ra các đề xuất nhằm giảm MCBGTKS, trong đó có việc ưu tiên cho những gia đình sinh con gái. Bộ Y tế có đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt và những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác…Nhiều địa phương có các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ gia đình sinh 2 con là gái như: Tổ chức các Hội nghị biểu dương, tôn vinh, chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ sinh con một bề là gái, các con thành đạt, làm kinh tế giỏi, con cái chăm ngoan, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà….

Tuy nhiên, trong tất cả các giải pháp quan trọng nhất vẫn là công tác truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân. Bên cạnh đó, việc tăng cường cam kết chính trị phải được đặt lên hàng đầu. Bởi một mình ngành dân số không thể đạt được sự thành công trong việc kiểm soát, giảm thiểu MCBGTKS nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với sự tham mưu nòng cốt của ngành Dân số-KHHGĐ và sự tham gia tự nguyện của người dân.

Bảo đảm cân bằng giới tính theo quy luật sinh sản tự nhiên là cần thiết, nhưng cũng rất nan giải, không thể thành công trong “một sớm, một chiều”. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao nhận thức về hệ lụy xã hội nặng nề và tác động tiêu cực đối với sự phát triển của MCBGTKS. Từ đó theo dõi sát sao và kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, đề xuất các giải pháp phù hợp tình hình thực tế của địa phương khi phát hiện có MCBGTKS trên địa bàn.

“Nếu để dự báo và với những can thiệp như hiện nay, cộng thêm một điều kiện ước lượng khả năng mình có thực hiện được hay không thì đề nghị công tác dân số, các đề án phòng chống, giảm thiểu MCBGTKS phải tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư kinh phí, đầu tư nguồn lực cho nó. Như vậy, Nghị quyết 21 của Ban chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu đưa tỉ số này về mức cân bằng tự nhiên vào năm 2030 sẽ đạt được”, PGS. Lưu Bích Ngọc cho biết thêm.

Minh Khuê

Mạng Y Tế
Nguồn: Lao động thủ đô (http://laodongthudo.vn/ky-cuoi-can-ung-xu-nhu-mot-van-de-van-hoa-74733.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY