Quốc sư Huệ Sinh đã hoằng dương cống hiến cho sự tụ sinh và hưng thịnh của Phật đạo nước nhà. Để tỏ lòng tri ân người, nhân dân và các đạo tràng đã lấy đóa HOA BẤT TỬ đỏ thắm trên đỉnh núi Hymalaya làm biểu tượng để tôn vinh công đức và sự nghiệp của Quốc sư, sống mãi với lịch sử và Phật đạo.
Huệ Sinh - Lâm Khu sinh vào năm Ất Dậu (985) tại làng Nhót, Đông Phù Liệt, Thăng Long nay là xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Khi lọt lòng mẹ, Lâm Khu khóc vang cả ba dòng sông quê hương. Ngắm nhìn cậu bé khôi ngô, tuấn tú khác thường, bà đỡ thốt lên: Bà con ơi, làng ta có Thánh rồi!
Lâm Khu lớn lên khỏe mạnh, thông minh, là một thần đồng học một biết mười, chữ nghĩa tinh thông, huyền diệu cả Khổng giáo và Lão giáo. Đến khi được đọc kinh Viên Giác, Bát Nhã, Tổng Trì Tam Ma Địa, Lâm Khu bừng tỉnh ngộ, quyết một lòng đi theo con đường của đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Thấy con có chí hướng Phật đạo, bố mẹ đã dựng ngôi am chùa trên vùng đất cao, bên bờ sông Kim Ngưu để cậu bé ngày đêm được tụng kinh niệm Phật, cầu an cầu phúc cho quê hương.
Vào năm Giáp Thìn (1004), khi vừa tròn 19 tuổi, Lâm Khu xuất gia lên thụ nghiệp tại chùa Cổ Pháp, Bắc Ninh, lấy pháp danh là Huệ Sinh. Như vậy, Huệ Sinh xuất gia trước ngày nổ ra cuộc chính biến Hoa Lư 6 năm (1009).
Vào một ngày, suy ngẫm kinh Phật, thấy lòng dạ bừng sáng, Thiền sư Huệ Sinh sung sướng thốt lên: Đạo Phật là yêu nước. Đạo Phật là đạo lý, hợp với tính cách người Việt ta. Đạo Phật là đường đi, là lối thoát khỏi bóng đen phương Bắc, để giành lấy độc lập - tự do! Sự phát kiến đó như một chân lý và dần dần hình thành chủ nghĩa yêu nước Huệ Sinh.
Năm Ất Tỵ (1005) Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà. Mười người con trai nổi lên xâu xé quyền lực. Lê Long Đĩnh vô cùng tàn bạo đã giết Vua Lê Trung Tông cướp ngôi. Long Đĩnh buông thói ăn chơi trác táng tới mức khi ngự triều phải nằm mà phán xét, vì thế người ta gọi là Vua Lê Ngọa Triều.
Trước sự suy đồi của triều đình, kẻ thù thì lăm le nơi biên thùy. Đó là thời cơ nổ ra cuộc chính biến Hoa Lư năm Kỷ Dậu (1009), lật đổ nhà Tiền Lê, tôn thân vệ Lý Công Uẩn lên ngôi vua lấy hiệu là Lý Thái Tổ, mở ra một nền độc lập lâu dài cho đất nước. Chi hậu Đào Cam Mộc, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Huệ Sinh, tướng quân Nguyễn Đê… là những yếu nhân trong cuộc chính biến thần kỳ và lịch sử này.
Sau khi Hoàng đế Lý Thái Tổ lên ngôi, triều đình bề bộn ngổn ngang công việc. Cùng với Đào Cam Mộc, Lê Nhân Nghĩa, Lương Nhậm Văn, Thiền sư Huệ Sinh đã hết lòng phụng sự nhà Lý. Ở phía sau, Huệ Sinh miệt mài công việc kỹ trị, soạn thảo các chiếu, sắc, chỉ quan trọng để trình Vua ban. Không bao lâu, lòng dân đã yên, đất nước dần dần đi vào ổn định.
Một hôm, nhà Vua hỏi Huệ Sinh về một kinh đô mới ở bên bờ sông Nhị Hà. Thiền sư ngạc nhiên thấy Lý Công Uẩn nhớ lâu đến thế. Đó là câu chuyện từ ngày nào, khi hai người có chuyến đi từ Hoa Lư về Cổ Pháp, Bắc Ninh. Nhà Vua phấn chấn khoát tay, quyết định soạn thảo Chiếu Dời Đô.
Từ khi triều đình dời đô về Thăng Long: “Ở vào trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi…” Nhưng các nhà phong thủy vẫn thấy thiếu cái gì đó?! Thiền sư Huệ Sinh đã tấu lên Vua: là một đất nước hùng mạnh thì nên có một biểu tượng tương xứng. Ví như nước Hoa Hạ có Vạn Lý Trường Thành, nước Chiêm Thành có thánh địa Mỹ Sơn và xứ Chân Lạp sắp xây tháp Ăng Co… Nghe tấu trình hợp ý, Vua cả mừng chuẩn y, bèn giao cho Huệ Sinh làm hoạch định xây dựng Đại Phật Đường Vạn Tuế.
Thiền sư Huệ Sinh đã dành nhiều thời gian đi điền dã cả một vùng đồi núi và rừng nguyên sinh tây Hồ Tây. Thiền sư đã phác thảo, rồi vẽ chi tiết tới từng hạng mục kiến trúc. Khi xem công trình, nhà Vua rất hài lòng, khen ngợi hết lời và chuyển qua để xin tham kiến Thiền sư Vạn Hạnh. Nhưng tiếc thay, công trình văn hóa tôn giáo đồ sộ đó đã bị bỏ quên. Huệ Sinh thực sự xót xa và nhiều đời sau nhà Lý vô cùng nuối tiếc.
Thiền sư trở về tu thiền tại chùa Quang Hưng, Bắc Ninh. “Mỗi lần nhập định, sư ngồi suốt năm ngày liền, người được tôn danh là Nhục thần Đại sĩ”. Khi thấy tinh thần đã thanh thản, Huệ Sinh quyết định đi vân du học hỏi thiên hạ. Nơi đến đầu tiên là Đền thờ Khổng Tử ở tỉnh Sơn Đông, nước Hoa Hạ. Tuy không khâm phục con đường của họ Khổng. Nhưng Huệ Sinh vẫn đến một lần bái lễ, để tỏ lòng kính trọng một vĩ nhân của nhân loại. Rồi Thiền sư trèo núi băng rừng, vượt qua mọi chông gai đi đến Thánh địa Phật giáo Ấn Độ. Tại đây, Huệ Sinh dốc lòng nghiên cứu triết học, đến chuyên sâu Phật pháp, Phật học. Thiền sư đã trở thành một học giả uyên bác, đạt tới chính quả bồ đề.
Thấm thoắt đã hơn mười năm vân du thiên hạ, Huệ Sinh nhận thấy việc du học đã chín muồi. Thiền sư quyết định trở về phụng sự đất nước.
Khi về đến Tổ quốc, Thiền sư Huệ Sinh trở lại trụ trì chùa Quang Hưng, Bắc Ninh. Vua Lý Thái Tông nghe tin cho quan hầu lên vời về kinh. Thiền sư đã trả lời viên quan hầu rằng: “Ngươi không thấy con vật làm cỗ tế hay sao? Khi chưa tế thì được ăn ngon mặc đẹp, đến khi bị bắt vào nhà Thái miếu thì dẫu muốn sống thêm ít ngày cũng không thể được. Vật tế còn như vậy, các vật khác có gì khác?” Thiền sư từ chối không về.
Vua phải cho quan hầu lên vài lần nữa, Thiền sư mới chịu về. Vua Lý Thái Tông rất mừng, đón Huệ Sinh rất trọng thị như người ruột thịt trong Vương gia. Rồi Vua gia phong chức Nội cung phụng tăng và ban sắc chỉ cho Thiền sư trở lại trụ trì chùa Vạn Tuế, Hồ Tây, Thăng Long.
Lịch sử đã ghi nhận, ở thời vàng son của nhà Lý, Thiền sư Huệ Sinh đã đem cả tâm lực và tài năng xây dựng chùa Vạn Tuế trở thành chốn tùng lâm, một trung tâm Phật giáo uy tín của kinh thành Thăng Long. Vạn Tuế là nơi hội tụ của các đấng minh quân như: Thượng hoàng Lý Thái Tông, Hoàng đế Lý Thánh Tông, Hoàng Thái hậu Ỷ Lan. Các bậc Vương gia như Hoàng tử Lý Nhật Trung, Hiền Vương Thái tử. Các vị đại thần như: Thái sư Lương Nhậm Văn, Thái bảo Đào Xử Trung, các danh sư như Biện Tài, Thông Biện và rất nhiều học giả, danh nhân đã đến thỉnh kiến và mời Quốc sư Huệ Sinh chủ trì các buổi lễ quan trọng.
Quốc sư Huệ Sinh đã dày công xây dựng ngôi Quốc tự Vạn Tuế trở thành một công trình văn hóa đặc sắc Thăng Long. Vạn Tuế vừa là trường (Đại học) đào tạo tu sinh, vừa là trung tâm nghiên cứu Phật học hàng đầu, vừa là cơ sở thực hành Phật pháp mẫu mực. Đó là một hình mẫu Học viện, một mô hình giáo dục tiên tiến, đi trước thời đại của nước ta lúc bấy giờ. Thật đáng trân trọng.
Sau cuộc chính biến Hoa Lư 1009, để giữ yên dân, Hoàng đế Lý Thái Tổ xuống chiếu cho xây mười ngôi chùa mới, trong đó có chùa Nhót-Long Hưng, nay là chùa Nhót-Hưng Long, Đông Mỹ, Hà Nội. Đích thân Thiền sư Huệ Sinh đã về hướng dẫn bà con dân làng xây chùa, trên chính vùng đất Am cổ tự linh thiêng ngày nào.
Người Đông Phù Liệt còn nhớ, sau khi chiến thắng được sứ quân Nguyễn Siêu, Đinh Bộ Lĩnh đã phá hủy làng Nhót thành một vùng hoang phế, đêm không còn tiếng chó sủa, ngày không một tiếng gà gáy. Ngôi chùa Nhót được xây lên, như một bức trường thành, một biểu trưng quyền lực của triều đại mới, ở phía Nam Thăng Long. Nhà Lý đã giải cứu Đông Phù thoát khỏi họa diệt chủng. Vì thế, ngôi chùa NhótLong Hưng là cơ duyên nhà Lý với Đông Phù. Đồng thời chùa Nhót cũng là chứng nhân của mối tình ruột thịt sắt son của Đông Phù với nhà Lý cho đến tận ngày nay.
Vào năm Nhâm Dần (1062), khi bước sang tuổi 77, thấy trong người đã yếu lắm, Huệ Sinh về thăm quê. Quốc sư cùng với sư trụ trì chùa Nhót đi đón hai bà công chúa Lý Từ Thục và Lý Từ Huy là con gái của vua Lý Thánh Tông về tu trì tại chùa làng. Đây là ước nguyện cuối cùng của Quốc sư Huệ Sinh, để trả nghĩa với nhà Lý, trả ơn với tổ tiên và trả tình cho quê hương đã sinh thành ra mình.
Nhiều người còn cho rằng, Huệ Sinh đón hai bà công chúa về chùa làng, là mang đại hồng khí và niềm kiêu hãnh về cho mọi người được ấm no hạnh phúc, trên mảnh đất linh thiêng này. Từ ngày đó, Đông Phù Liệt từng bước chuyển mình.
Có lẽ, vì vô cùng yêu mẹ mà Huệ Sinh gắn bó với quê hương. Từ tình yêu quê hương mà Huệ Sinh đã hết lòng phụng sự Tổ quốc. Với Quốc sư Huệ Sinh thì Tổ quốc, Quê hương và Mẹ là một.
Huệ Sinh là nhà hiền triết, đức độ khoan dung, kiên cường trong công việc nhưng cũng rất dễ xúc động. Trong sách Thiền Uyển Tập Anh đã chép: mỗi khi nói đến những yếu chỉ trong Phật pháp, ông thường cảm khái rơi lệ…
Người ta nhận thấy Huệ Sinh đã từng khóc với Mẹ nhiều lần. Lần thứ nhất, mới hơn mười tuổi, được lên Bắc Ninh chào Thiền sư Vạn Hạnh và xin sao chép sách kinh Tổng Trì Tam Ma Địa. Khi trở về đến nhà, mừng quá ôm lấy Mẹ, khóc thút thít, làm ướt cả vạt áo của bà Phạm Thị. Lần thứ hai, khi từ Thăng Long về quê để cùng dân làng chọn đất xây chùa Nhót. Nhìn thấy tóc Mẹ đã bạc trắng, Huệ Sinh ôm lấy Mẹ thương quá, bật khóc tức tưởi, không nói nên lời. Lần thứ ba, sau hơn mười năm đi vân du thiên hạ về. Khi nghe tin Mẹ đã mất như sét đánh. Huệ Sinh lao ra ngoài đồng, ôm lấy mộ phần, gào khóc thảm thiết, nước mắt lã chã rơi trên mộ Mẹ. Lần thứ tư, đang trong giấc ngủ ở Học viện Phật giáo Vạn Tuế. Mơ thấy hình bóng Mẹ, mừng quá chạy theo cho tới tận vườn Hồng nhà chùa. Trong tỉnh mê như mộng du, Huệ Sinh vừa khóc vừa nói chuyện với Mẹ đến sáng. Khi vào chầu Triều, Quốc sư đã kể chuyện lại với Lý Thánh Tông. Nhà vua ngạc nhiên trìu mến chia sẻ: Thân mẫu linh thiêng quá. Như vậy, Cụ vẫn quanh quẩn chăm sóc Tăng Thống đấy. Lần thứ năm, hôm đó Huệ Sinh vào làm một khóa lễ cho nhà Phú hào ở ấp Quán La. Trên đường về bị mưa, phải chạy vào trú nhờ một lều chăn vịt. Khi ngớt mưa, thiếu nữ chủ lều cho mượn áo tơi và cắt cho tàu lá chuối che đầu ra về. Khi tới chùa, nhớ lại ngày nào ở quê. Mỗi lần ra Am, Mẹ lại đưa áo tơi và tàu lá chuối như thế. Huệ Sinh bỗng trào dâng xúc động khóc nghẹn ngào, nước mắt tràn qua gò má…
Vào ngày mùng 9 tháng 9 năm 1063, ngày hôm đó, thời tiết bỗng thay đổi, như báo trước một điều gì đó bất thường xảy ra. Quốc sư Huệ Sinh đi tắm rửa, thắp hương. Đến nửa đêm Người hóa Thánh, lên cõi Niết bàn, thanh thản về với Phật Tổ, tại chùa Vạn Tuế (nay là chùa Vạn Niên) bên bờ Hồ Tây - Thăng Long - Hà Nội.
Trong lịch sử Phật giáo của nước Đại Việt có bảy vị Quốc sư (Tăng thống) được tấn phong. Đó là:
Quốc sư Huệ Sinh được sách Thiền Uyển Tập Anh ghi nhận là nhà Phật học chân chính, nhà thơ thiền đặc sắc của thời đại Lý-Trần. Ông được sinh ra ở thời nhà Tiền Lê và có nhiều đóng góp cho nhà Lý.
Di sản của Quốc sư Huệ Sinh bao gồm cả vật thể và phi vật thể. Không nhiều nhưng có nhiều ý nghĩa. Theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, thì từ trước Công nguyên, với phát minh chữ Hán, văn hóa của phương Bắc đã ảnh hưởng đến Đại Việt. Một số người của sứ ta được theo học, đã mang theo về cả triết lý và lối sống của họ.
Đến đầu Công nguyên, đạo Phật được du nhập vào nước ta từ Ấn Độ, Sri Lanka và cả từ nước Hoa hạ. Họ gặp nhau ở chùa Dâu, Bắc Ninh.
Vào đầu thế kỷ 11, Thiền sư Huệ Sinh mới ở tuổi hai mươi, trong khi tu thiền đã ngộ ra reo lên: Đạo Phật là yêu nước. Đạo Phật là đạo lý và hòa hợp với tính cách người Việt ta. Đạo Phật là đường đi, là lối thoát cái bóng đen phương Bắc, để giành lấy độc lập tự do! Phát kiến đó như một chân lý sáng ngời xuyên qua các triều đại Lý - Trần và hậu Lê.
Ngay giai đoạn đầu nhà Lý, mỗi lần cùng Vua đi vi hành, vị thiền sư trẻ cũng thường chân thành truyền cảm với vua Lý Thái Tổ rằng: phải hộ quốc yên dân để đi đến quốc thái dân an. Đây không chỉ là kế sách mà còn là một quyết sách lâu dài...
Để thêm sáng tỏ, trong sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Thích Thanh Từ đã chép: vào Hội Mùa xuân năm Hội Phong thứ 5 (1096) ngày Rằm tháng Hai, Phù Thánh Cảm Linh Nhân Hoàng Thái hậu đến chùa (Khai Quốc) thiết lễ trai tăng. Trong lúc đàm đạo với các bậc túc tăng kỳ lão, Thái hậu hỏi:
- Sự truyền thừa của hai tông phái ấy thứ tự thế nào?
- Phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi thì nay có Lâm Huệ Sinh, Vương Chân Không, phái Vô Ngôn Thông thì có Mai Viên Chiểu, Nhan Quảng Trí. Dòng của Khương Tăng Hội thì nay có Lôi Hà Trạch. Ngoài ra những phái phụ thì nhiều không kể xiết.
Quốc sư Thông Biện đã tôn vinh Quốc sư Huệ Sinh và các vị trên ở vị trí hàng đầu của Phật giáo Đại Việt lúc bấy giờ. Không phải ngẫu nhiên. Vì các vị đó đều là những bậc tài cao đức trọng, là tinh hoa của tinh hoa, đã cống hiến và in những mốc son quan trọng trong tiến trình lịch sử Phật đạo nước nhà.
Di sản vật thể của Quốc sư Huệ Sinh đã được sách Thiền Uyển Tập Anh mô tả: Sư (Huệ Sinh) từng vâng chiếu chỉ soạn văn bia các chùa Thiên Phúc Tiên Du, chùa Thiên Khánh, Khai Quốc, Diệu Nghiêm, Bảo Đức ở Vũ Ninh. Huệ Sinh đã soạn thảo các (bộ) sách Pháp sự trai nghi, Chư đạo tràng khánh tản văn lưu hành ở đời.
Thật là may mắn, đến nay còn hai bài thơ "Thủy Hỏa" và bài thơ "Tâm Nguyện" của Quốc sư là di sản quý hiếm trong kho tàng văn học thời Lý Trần, đang được lưu trữ tại Viện Hán Nôm. Đặc biệt là hai ngôi chùa Nhót - Hưng Long, xã Đông Mỹ và ngôi chùa Vạn Niên (Vạn Tuế) Hồ Tây, là những di sản vật thể vô giá. Tuy đã phải trùng tu, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cổ kính để hậu thế được chiêm ngưỡng.
Quốc sư Huệ Sinh đã sống một cuộc đời đầy nhân văn. Người không những là một nhà Phật học chân chính mà còn là một nhà tư tưởng sâu sắc ở thế kỷ thứ XI của nước Đại Việt. Cuộc đời, đức độ và sự nghiệp của Quốc sư sống mãi với Phật đạo và dân tộc.
Cư sĩ Đàm Diệu Phương - BS.Nguyễn Thượng Hiền
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2018
-