Phóng sự hôm nay

Lại thay đá vỉa hè mới lát...

Thành phố Hà Nội dự kiến sẽ lát đá tự nhiên trên vỉa hè hơn trăm tuyến phố trên địa bàn nhiều quận như Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàn Kiếm…

Diện mạo đô thị sẽ được cải thiện cho xứng tầm Thủ đô ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều người dân Thủ đô quan tâm là: mấy năm gần đây, Hà Nội cứ cậy lên lát xuống liên tục. Như vậy sẽ rất tốn kém và lãng phí tiền của ngân sách…

Hà Nội vừa ban hành quyết định về “thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn thành phố”. Cụ thể, theo bảng tổng hợp các khu vực cải tạo, chỉnh trang hè phố trên địa bàn thành phố theo đề xuất của các quận, huyện, thị xã, có hơn trăm tuyến phố dự kiến được lát hè bằng đá tự nhiên tại các quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm. Ngoài ra, còn nhiều tuyến phố thuộc địa bàn các quận như Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai, Hà Đông... cũng sẽ được lát đá vỉa hè. Ngoài các tuyến phố này, những tuyến phố khác sẽ được lát hè bằng gạch terrazzo hoặc gạch bê tông vân đá, gạch block. Trong danh sách các tuyến phố dự kiến lát đá có khá nhiều theo quan sát bằng mắt thường chất lượng còn khá tốt. Điển hình như tuyến phố Huỳnh Thúc Kháng.

Vỉa hè được lát đá tự nhiên trên đường Trần Duy Hưng, Hà Nội đã vỡ nát.

Điều mà dư luận quan tâm là việc lát đá vỉa hè những năm gần đây đã được thực hiện nhiều lần. Nhưng việc quản lý sau lát đá chưa được quan tâm. Do vậy, bộ phận lát đá cứ lát xong thì hệ thống điện nước, cáp ngầm lại đào bới. Vậy là đá lát vài bữa bị khấp khểnh, cập kênh, vỡ, có nơi trũng như cái hố, mất mỹ quan đô thị, thế rồi lại thay đá mới. Có nơi lát đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm, thế nhưng chỉ đưa vào sử dụng chưa đầy 2 năm đã vỡ nham nhở, hư hỏng, xuất hiện nhiều điểm bong tróc, bị vỡ thành nhiều mảnh, giờ lại cậy lên thay mới. Như vậy rất tốn tiền của ngân sách thành phố. Việc để phải làm đi làm lại, cứ vài năm, vài tháng lại lát vỉa hè là tốn tiền của dân, vì vỉa hè cũng làm bằng tiền thuế của dân. Do đó, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần nghiên cứu lại xem vì sao vỉa hè vừa lát lại nhanh chóng xuống cấp, là do chất lượng gạch, đá tự nhiên hay do thi công sai?

Thực tế việc liên tục thay đá vỉa hè ở Hà Nội đã khiến người dân bức xúc bấy lâu nay. Từ năm 2010 đến nay, vỉa hè Hà Nội có ít nhất 3 lần “đại tu” lớn đào lên lát mới. Đó là các mốc thời gian, năm 2010, hầu hết nền gạch đỏ trên vỉa hè tại các quận trung tâm được thay thế bằng gạch block tự chèn với các loại gạch terrazzo, lục giác... Tiếp đến năm 2013 - 2014, vỉa hè nhiều tuyến phố lại được giao cho các quận chuyển sang lát gạch giả đá, riêng bó vỉa hè là đá xanh tự nhiên. Đến đầu năm 2017, chỉ sau hơn 2 năm sử dụng, loại gạch giả đá trên vỉa hè nhiều tuyến phố bị nứt, vỡ vụn. Thời điểm này, TP. Hà Nội cũng đưa ra kế hoạch giao cho các quận làm chủ đầu tư lát đá tự nhiên trên vỉa hè nhiều tuyến phố và đá tự nhiên này sau khoảng 1 năm được lát cũng bị nứt, vỡ.

Dẫn chứng cho điều này là nhiều đoạn vỉa hè lát đá tự nhiên trị giá hàng trăm tỷ đồng ở Hà Nội sau chưa đầy 2 năm đã bị sụt lún, bong tróc, gây bức xúc trong dư luận... Ghi nhận trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, hình ảnh đập vào mắt là những đoạn vỉa hè nham nhở, xuất hiện nhiều hố trồi sụt như ổ gà, ổ voi sâu hoắm. Kế đó, không gian đô thị trên đường Trần Duy Hưng cũng ngày càng nhếch nhác bởi sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè hai bên. Có chỗ còn bị bật tung, trơ ra cốt nền chỉ có cát khô, những tấm đá tự nhiên bên cạnh chỉ cần dùng tay tác động nhẹ cũng có thể nhấc lên dễ dàng. Theo thông tin từ người dân ở phố này, vỉa hè tuyến đường này được tôn tạo lại từ khoảng giữa năm 2017 và xuống cấp ngay thời điểm cuối năm, sau khi đưa vào khai thác khoảng 6 tháng. Lúc đầu thấy người ta giới thiệu vật liệu là đá tự nhiên, dày dặn, nặng tới gần 18kg/tấm, song chỉ sau thời gian ngắn, hết vỡ rồi bong không chắc chắn bằng những viên gạch block cũ, dù vỉa hè ở đây ít khi có tình trạng ôtô leo lên vì nhỏ và diện tích cũng hầu như bị các cửa hàng tận dụng làm chỗ để xe cho khách.

Tương tự, vỉa hè trên đường Nguyễn Trãi dù mới được đầu tư lát đồng bộ đá tự nhiên tuổi thọ 70 năm từ khoảng quý III/2017 nhưng hiện cũng đang xuất hiện hàng loạt vị trí đá lát bị bung, vỡ.

Đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cũng đang dần mất đi danh xưng đường phố kiểu mẫu của mình bởi những đoạn vỉa hè thiếu mỹ quan. Được đưa vào sử dụng khoảng tháng 5/2016, nhưng cuối năm 2017, tuyến đường đã gây bức xúc cho chính người dân xung quanh bởi sự xuống cấp nhanh chóng của vỉa hè có giá trị đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Trước cổng Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam, hàng dài vỉa hè nhan nhản vết nứt, vỡ gạch, bề mặt vỉa hè lồi lõm, lởm chởm.

Cuối năm 2017, sau khi một loạt cơ quan báo chí đăng tải về nghi vấn từ chất lượng đá lát không tốt dẫn đến tình trạng vỉa hè Hà Nội mới đưa vào sử dụng đã xuống cấp nhanh chóng, chất lượng thi công lát đá vỉa hè ẩu trên một số tuyến phố ở Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giao Thanh tra thành phố vào cuộc làm rõ. Đến tháng 2/2018, kết luận thanh tra chỉ ra nhiều tồn tại, sai phạm trong việc lát đá vỉa hè, nhất là khi lát loại đá có độ bền 70 năm trên địa bàn một số quận.

Cụ thể, thiết kế mẫu hè đường còn tồn tại các loại đá dùng trong bê-tông lót nền hè không thống nhất; mạch vữa liên kết giữa các viên đá lát không ghi kích thước. Từ hướng dẫn không cụ thể nêu trên dẫn đến thực tế có 25/38 dự án cải tạo, chỉnh trang hè phố dùng đá 1x2 (kích thước đá trộn xi-măng để lát nền), có 13/38 dự án dùng đá 2x4 đổ bê-tông lót nền hè. Tại một số dự án, đá lát hè được lát sít nhau và do đá lát có chiều dày trên 3cm có thể dẫn tới hồ xi-măng khó đổ đầy mạch, làm giảm liên kết giữa các viên đá lát, ảnh hưởng chất lượng vỉa hè lát đá.

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa), đá vỉa hè cũng trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ hàng loạt tồn tại, sai phạm khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cải tạo các tuyến phố có lát hè, bó vỉa bằng đá tự nhiên. Cụ thể, việc khảo sát hiện trạng vỉa hè trước khi cải tạo của đơn vị tư vấn còn chưa chi tiết, chưa khảo sát đến từng ga hàm ếch thu nước, các bồn cây; thiết kế cải tạo hè và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bản vẽ còn chưa đầy đủ như: 19 dự án tại 4 quận Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Tây Hồ.

Có thể liệt kê hàng loạt nguyên nhân khiến một số tuyến đường lát đá tự nhiên bị nứt, rạn, vỡ như: Thi công tại thời điểm vữa lót chưa đạt cường độ đã bị tác động của phương tiện giao thông, người dân tự ý trát thêm xi-măng để tạo bậc lên cửa nhà mình... Đá tự nhiên đương nhiên sẽ có chất lượng tốt hơn các loại gạch, tuy nhiên, cũng có thể do trong quá trình thi công bê-tông lót móng chưa chuẩn...

Liên quan đến xử lý trách nhiệm để xảy ra tình trạng này, đại diện Chi cục Giám định xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, dự án lát vỉa hè bằng đá tự nhiên hiện do UBND các quận làm chủ đầu tư. Sở chỉ có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các quận để đảm bảo chất lượng công trình đúng kỹ thuật và an toàn vệ sinh môi trường. Nếu dự án đầu tư phần vỉa hè do UBND các quận thực hiện, bám sát quy trình thiết kế và thi công, rất khó xảy ra tình trạng vỡ, nứt và hư hỏng như phản ánh. Như vậy, trách nhiệm chính để xảy ra tình trạng này thuộc các bộ phận có trách nhiệm của cấp quận. Mọi việc chỉ dừng lại ở mức “rút kinh nghiệm và kiểm điểm” ở cấp phòng ban của cấp quận. Trong khi dư luận thì mong chờ việc xử lý sai phạm phải rốt ráo, quyết liệt, quy trách nhiệm cụ thể cá nhân gây ra sai phạm, dẫn tới phải lát đi lát lại đá vỉa hè, đó là các lãng phí không cần thiết. Vậy là vỉa hè hỏng lại cậy lên lát lại, lại tốn kém ngân sách, tiền của của người dân. Về chi phí lát đá vỉa hè, một số Ban QLDA các quận không tiết lộ số tiền cụ thể trong việc thi công, nhưng con số hé lộ cho biết, chi phí (vật liệu) 1m2 có giá khoảng 300.000 đồng. Hiện trên địa bàn mỗi quận cần lát khoảng 25.000 - 30.000m2, có quận phải lát nhiều hơn. Tính theo mức phí trên, số tiền đầu tư vật liệu thi công đã gần chục tỷ đồng, chưa kể chi phí cho nhân công và các chi phí khác. Số tiền này nhân với vài quận sẽ là một con số không nhỏ... Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng chưa làm chặt chẽ các khâu trong quá trình tổ chức và giám sát xây dựng khi thay mới đá vỉa hè Hà Nội, thì tình trạng lãng phí trong lát đá vỉa hè chưa có điểm dừng...

MẠNH THẮNG

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/lai-thay-da-via-he-moi-lat-n155904.html)

Tin cùng nội dung

  • Tại các điểm quán giải khát vỉa hè, hàng loạt các loại nước giải khát tự chế, tự gắn mác đủ hương vị, màu sắc được bán tràn lan với giá cực... rẻ.
  • Chúng ta không thể phủ nhận rằng người cao tuổi (NCT) là một vốn quý, một tiềm năng giàu có về kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống... tuy nhiên, sự đóng góp của NCT vẫn chưa được biết đến đầy đủ.
  • Nếu bị kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa, chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà.
  • Đã có số điện thoại của đội cứu hỏa, chuông báo cháy vẫn chưa đủ, bạn phải chuẩn bị cho chính mình tâm lý vững vàng và kỹ năng thoát hiểm an toàn.
  • Chào Mangyte, Hè này tôi đưa gia đình lên Sài Gòn chơi, tiện thể khám sức khỏe tổng quát cho cả nhà luôn. Tôi muốn khám ở BV Hòa Hảo mà nghe nói chỗ đó đông lắm, phải lấy số từ 4h sáng lận, mà ba mẹ tôi cao tuổi rồi. Vậy làm cách nào để gia đình tôi có thể khám bệnh nhanh chóng, tiện lợi nhất? (Công Minh - Bến Tre)
  • Sắp tới Giỗ tổ Hùng Vương được nghỉ lễ 5 ngày, gia đình tôi muốn đi du lịch kết hợp với khám sức khỏe luôn có được không? Còn 1 tháng nữa nhưng tôi phải lên kế hoạch từ bây giờ. Tôi nên đăng ký ở đâu, nhờ Mangyte hướng dẫn giúp. Xin cảm ơn nhiều! (Phúc Vinh - TPHCM)
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.
  • Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên là phương pháp xác định thời điểm có thể quan hệ T*nh d*c mà không thể có thai
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY