Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Lửa nghề còn cháy, tình thân còn dày

Ở điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Trang, đồng nghiệp luôn cảm thấy một năng lượng tích cực và tinh thần làm việc nhiệt huyết lan tỏa mạnh mẽ.

“Người nhà chị sao rồi?

Không biết nữa chị ơi. Cả ngày chỉ được thăm một chút buổi sáng với buổi chiều. Không biết trong đó người ta chăm sóc má tui sao nữa?”.

Đoạn trò chuyện của thân nhân người bệnh ở hành lang làm chị Trang, lúc này vừa đảm nhận công việc điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, BV. Bình Dân (TP.HCM), suy nghĩ. Chị hiểu rằng, một khi đã được chuyển đến đây, mọi sự chăm sóc là dựa vào đôi tay của người điều dưỡng và bác sĩ. Nỗi lo lắng của người nhà cũng là động lực để chị dồn lực vào những cải tiến nâng cao chất lượng chăm sóc, mang đến sự hài lòng cho người bệnh và sự an tâm cho thân nhân người bệnh.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Trang tại hội thi Điều dưỡng trưởng giỏi cấp thành phố 2017

Tự thử nghiệm để hiểu mong muốn của người bệnh

Chị Trang luôn là người đầu tiên Ban Giám đốc của BV. Bình Dân nghĩ đến khi cần tăng cường cải tiến, khơi dậy động lực làm việc tại các khoa. Kết quả, 25 năm gắn bó với BV. Bình Dân, chị Trang đã được Ban Giám đốc luân chuyển công việc qua 6 khoa trong bệnh viện. Chị có một mong muốn “lạ”: “Ban Giám đốc cứ phân công Trang về khoa nào nghèo nhất, khó khăn nhất. Trang không ngại”.

Với mỗi một vị trí công việc, chị lại biến các ý tưởng ấp ủ thành những công việc thực tế.

Trở thành “người nhà” của khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc từ năm 2017, trong những ngày đầu đến với khoa, chị yêu cầu mỗi điều dưỡng nêu ra hai vấn đề mà các đồng nghiệp mong muốn cải tiến nhất để nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh. Chị lắng nghe, ghi nhận và chọn lọc lại các ý kiến để lên kế hoạch thay đổi. Chị hay nói vui “phải nhào vô việc mới biết việc khó dễ mà cải tiến”.

Cô Trang đang chăm sóc người bệnh tại khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc

Nghe người bệnh trong khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc than phiền vì chỉ được vệ sinh cơ thể bằng cách tắm khô (không sử dụng nước), chị Trang tự mình thử sử dụng ngay sản phẩm tắm, gội khô đang dùng tại khoa. Chị thấy mặc dù đảm bảo diệt khuẩn, nhưng cảm giác khô cong trên da, dính trên tóc sau khi tắm gội khô đúng là khá bức bối, khó chịu, đặc biệt với người bệnh nằm tại khoa nhiều ngày. Vậy là chị Trang nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu, tham khảo, hỏi thăm đồng nghiệp nhiều nơi để làm cho kỳ được chiếc xe tắm bệnh để phục vụ việc gội và tắm cho người bệnh ngay tại giường, vừa đảm bảo thuận tiện cho điều dưỡng khi thao tác.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng, Phó Giám đốc BV. Bình Dân, chiếc xe tắm bệnh với đủ loại dầu gội đầu, sữa tắm… trở thành chủ đề được quan tâm trong toàn bệnh viện. Xe tắm cải tiến nhận được phản hồi rất tích cực của người bệnh lẫn thân nhân. Nhiều người bệnh điều trị lâu ngày ở khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc, được cảm nhận lại làn nước mát lành trên da thích thú vô cùng, tinh thần sảng khoái, vui vẻ hơn hẳn.

Với chị Trang, tình yêu công việc được nuôi dưỡng qua từng cái nắm tay yếu ớt nhưng đầy chia sẻ của người bệnh khi mình chăm sóc bệnh tốt. Đó là liều Thu*c khích lệ để chị từ 6 giờ 15 phút sáng đã chỉnh tề trang phục, có mặt tại khoa và sẵn sàng cho một ngày làm việc mới.

Và cứ như vậy, chị Trang cùng các điều dưỡng của khoa hào hứng với nhiều sáng kiến cải tiến mới, từ đưa âm nhạc thư giãn vào phòng bệnh đến các gói dịch vụ vệ sinh răng miệng cho người bệnh. Những ý tưởng chăm sóc nhỏ bé nhưng thực tế và ý nhị của chị không chỉ mang lại sự hài lòng mà còn hỗ trợ cho quá trình điều trị hiệu quả hơn vì tâm lý người bệnh thoải mái hơn, vấn đề về sinh được đảm bảo hơn.

Cô Trang đang hướng dẫn điều dưỡng theo dõi dịch truyền cho người bệnh

Các đồng nghiệp chia sẻ. “Cô Trang kỹ lắm, giường bệnh được hộ lý của khoa lau sạch từng kẽ nhỏ mỗi ngày. Từng chiếc áo choàng cho người thăm bệnh, đôi dép phải được xếp gọn ghẽ, để ngay ngắn trên kệ”.

Điều dưỡng Trang cũng tăng cường thời gian trò chuyện, lắng nghe người bệnh để nâng đỡ tâm lý cho họ. Nhờ những nỗ lực đó, Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc từ một khoa khép kín, thời gian người thân được vào thăm bệnh chỉ vỏn vẹn ít phút mỗi ngày trở thành khoa có số lượng thư cảm ơn cao nhất bệnh viện. Những điều dưỡng trẻ phấn chấn chia sẻ với “cô Trang” câu chuyện được người bệnh viết tên vào sổ ghi nhận ý kiến “cảm ơn điều dưỡng H. vì đã chăm sóc cho mẹ tôi rất chu đáo, kể cả khi vì những cơn đau mà mẹ tôi khó tính, khó chịu”.

Không chỉ cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh, chị Trang còn đưa ra những sáng kiến giúp tiết kiệm như lựa chọn sử dụng bao bọc giày bằng nilon trắng thay vì bao xanh. Với sáng kiến này, mỗi năm khoa tiết kiệm cho bệnh viện hơn 40 triệu đồng.

Nguồn năng lượng của những điều dưỡng trẻ

Chịu khó học hỏi, mong muốn cải tiến không ngừng, quyết việc dứt khoát và theo đuổi kế hoạch... cho tới khi thành công, điều dưỡng Trang là tấm gương mà các đồng nghiệp vừa quý vừa rất nể. Các đồng nghiệp trẻ xem chị như một người thân, nơi họ có thể trải lòng, chia sẻ nhiều vấn đề trong công việc và cuộc sống bởi nguồn năng lượng của tuổi trẻ, của đổi mới mà chị mang đến. Mọi người gọi điều dưỡng trưởng Trang là “cô Trang, chị Trang”, còn chị xưng hô với họ chỉ là “Trang”, không có khoảng cách, vai vế, tuổi tác, chỉ còn lại sự chân thành, gần gũi và thân quý.

Điều dưỡng Trang luôn biết tạo động lực cho chính mình, theo một cách... lạ nhưng hiệu quả. Trong kỳ thi Điều dưỡng trưởng giỏi cấp Thành phố năm 2017 với chủ đề “An toàn trong phẫu thuật”, điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Trang đã trở thành thí sinh có điểm số cao và cùng đồng đội giành giải Nhì trong vòng chung kết. Chị nói bí quyết của mình là… sợ xấu hổ. “BV. Bình Dân là bệnh viện chuyên về điều trị ngoại khoa, bệnh viện tin tưởng trao cho mình cơ hội đi thi mà mình thấp điểm sẽ ảnh hưởng đến bệnh viện”.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh Trang thứ 3 từ trái sang giải Nhì Điều dưỡng giỏi cấp thành phố mở rộng 2017

Khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc là ngôi nhà mà dù chỉ gắn bó 2 năm nhưng là môi trường làm việc chị yêu quý vô cùng. Ở đó, chị có bên cạnh mình những người bạn, người em luôn sẵn sàng lăn xả, chung chí hướng muốn đổi mới khoa. Ở đó chị chứng kiến sự chiến đấu và hồi sinh ngoạn mục của nhiều người bệnh, cũng như phải chia sẻ nỗi mất mát lớn lao với nhiều thân nhân khi người bệnh không qua khỏi. Nhiều khi các cung bậc buồn vui dồn dập kéo đến trong cùng một ngày. Đó là áp lực lớn với 25 điều dưỡng, 7 bác sĩ và các hộ lý tại khoa “đầu sóng ngọn gió”. Ở đây, không chỉ người bệnh mà chính các nhân viên y tế cũng cần được nâng đỡ và sẻ chia, đặc biệt là các điều dưỡng trẻ. Vì “các em nhỏ cần mình” nên nhiều ngày nghỉ, các đồng nghiệp vẫn thấy chị xách túi vào khoa để sát cánh cùng các đồng nghiệp trẻ. Có chị Trang là “cả nhà” như có thêm năng lượng và sự tự tin trong công việc.

Chị Trang chia sẻ, một số người bệnh nằm ở khoa cả tháng trời. Bệnh trở nặng nhiều lần tưởng không qua khỏi. Vậy mà bệnh dần ổn và được đưa lên điều trị tại khoa. Tin làm ai cũng ríu rít mừng. Ít hôm sau, người bệnh gõ cửa, tay ôm bó hoa để cảm ơn cả khoa. Có người còn ngồi xe lăn nhưng nhờ người nhà đẩy đến khoa cho bằng được để gửi lời cảm ơn đến các điều dưỡng, bác sĩ, hộ lý của khoa. Được thấy người bệnh nặng khỏe mạnh trở lại sau một thời gian được chăm sóc tích cực, với chị Trang và đồng nghiệp, không gì hạnh phúc hơn như vậy.

Làm việc xốc vác, năng động nhưng chị ngại nói về bản thân, chỉ muốn gắn mình với tập thể, bên cạnh những đồng nghiệp, chuyên chú vào công việc và tìm cách trả lời những câu hỏi “tại sao không?” Câu hỏi khởi đầu cho những cải tiến nhằm chăm sóc người bệnh hiệu quả hơn nữa. Sắp đến tuổi hưu nhưng chị đã chọn tiếp tục gắn bó với công việc của khoa Hồi sức Tích cực và Chống độc vì mình “còn muốn cống hiến, muốn gắn bó và yêu thương”.

Dáng nhanh nhẹn, mái tóc ngắn gọn ghẽ dưới chiếc nón điều dưỡng vén khéo sau vành tai, chị lại sẵn sàng cho một ngày làm việc mới…

HƯƠNG CÁT

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/lua-nghe-con-chay-tinh-than-con-day-n152092.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY