Dáng đẹp hôm nay

Mắc bệnh từ những thói quen thường ngày

(MangYTe) - Dùng chung bát nước chấm, gắp thức ăn cho nhau, uống chung cốc nước, rửa chung khăn mặt hay thói quen hút mũi cho trẻ bằng miệng, mớm cơm… đều có thể là nguyên nhân lây lan vi khuẩn, virus nói chung, virus Corona nói riêng.

Virus dễ lây lan qua đường ăn uống

PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, Ký sinh trùng Trung ương cho biết: Các bệnh dễ lây nhiễm nói chung như cúm mùa, lao, sán, tiêu chảy… đều rất dễ phát tán, đặc biệt trong môi trường gia đình có sử dụng chung nhiều vật dụng sinh hoạt.

Có những loại virus dễ dàng lây truyền chỉ qua cái bắt tay, hắt xì hơi. Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày của người Việt Nam, trên mâm cơm, đa phần các món đều dùng chung chứ không riêng gì bát nước chấm.

Việc nhiều người dùng chung một bát nước chấm sẽ tạo ra cảm giác không ổn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, một bữa cơm quá cồng kềnh với nhiều bát đĩa dọn ra hoặc mỗi người một khay riêng thì không khác gì ăn cơm tập thể hay cơm hàng cơm quán.

“Nếu một người bị bệnh truyền nhiễm, đơn giản như bị cảm cúm mà chấm chung bát nước mắm thì khả năng lây bệnh cho những người khác là khá cao. Vì thế, tốt nhất người bị bệnh truyền nhiễm nên ăn riêng, chứ không chỉ là chấm riêng bát nước chấm.

Còn đối với mâm cơm bình thường, nếu không có điều kiện làm riêng nước chấm cho từng người có thể dùng thìa lấy nước chấm, ai cần ăn lấy riêng vào bát của mình. Có thể điều này hơi phiền phức trong thói quen ăn uống của người Việt, nhưng là cách tốt để hạn chế lây lan bệnh nếu có.

Một điều nữa là nên hạn chế gắp thức ăn cho người khác. Hành vi này có thể ở góc độ văn hóa là thể hiện sự quan tâm, chăm sóc nhưng tiềm ẩn những nguy cơ gây mất vệ sinh”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội đưa ra lời khuyên.

BS Hoàng Xuân Đại, nguyên cán bộ cao cấp Bộ Y tế cho rằng, dùng chung một bát nước chấm sẽ bất lợi nếu không phát hiện được những người có bệnh truyền nhiễm bởi nguy cơ lây truyền cho người khác ăn chung cùng mâm khá cao.

Vệ sinh nhà cửa, bát đũa đúng cách

Để phòng tránh dịch bệnh, tạo ra môi trường trong sạch, hạn chế sự xâm nhập của virus phải vệ sinh nhà cửa, đồ dùng đúng cách. Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, mỗi người nên có một cốc uống nước riêng, uống xong phải để nơi khô ráo.

Bát đũa khi rửa xong phải trần qua nước sôi để diệt khuẩn, đặc biệt là các loại dụng cụ, đồ ăn của trẻ em. Khi trẻ bị sổ mũi, dùng nước muối rửa mũi, súc miệng cho trẻ, cần thiết sử dụng dụng cụ hút mũi chuyên dụng chứ không nên hút mũi trẻ bằng miệng của người lớn.

Vệ sinh nhà cửa đơn giản bằng cách sử dụng nước nóng có pha chút muối và cồn 90 độ để nhà nhanh khô. Lau sạch các tay đấm cửa, cánh cửa, bàn ghế, những nơi có thể là ổ trú ngụ của virus, vi khuẩn. Nhà vệ sinh cần để khô ráo, lau dọn thường xuyên nếu trời nồm ẩm.

Lưu ý không sử dụng nước sôi để lau nhà, đặc biệt là nhà có nhiều đồ gỗ, vì dễ làm hỏng đồ. Nước nóng từ 60 độ trở lên có tác dụng tốt trong việc diệt trừ vi khuẩn, virus, đồng thời giúp nhà nhanh khô hơn sau khi lau.

“Hiện các loại virus mới xuất hiện, khoa học cũng chưa hiểu hết cơ chế lây nhiễm của chúng, giống như virus Corona. Việc phòng bệnh bằng những thói quen sinh hoạt lành mạnh, sạch sẽ là cần thiết.

Tuy nhiên cũng không nên quá hoang mang lo sợ, sạch sẽ một cách quá mức như cách ly hẳn mọi người dù trong cùng gia đình và dù không bị dịch bệnh gì, là điều không cần thiết. Chỉ cần làm theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế có thể yên tâm đối phó với dịch bệnh”, PGS.TS Phạm Thị Khoa khuyến cáo.

Trong bữa ăn, nên hạn chế gắp thức ăn cho người khác bởi đây chính là hành động thiếu vệ sinh, dễ lây lan bệnh truyền nhiễm.

Theo PGS.TS Phạm Thị Khoa, khoang miệng của mỗi người chứa gần 80 triệu vi khuẩn khác nhau, trong đó có những vi khuẩn gây bệnh. Các bệnh như viêm gan A, viêm loét dạ dày... có thể lây lan qua đường ăn uống chung.

Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này gây ra khá nhiều bệnh của dạ dày, tá tràng như chứng rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng. Vi khuẩn H.pylori có nhiều trong nước bọt, mảng cao răng, niêm mạc dạ dày của người bệnh và lan truyền chủ yếu qua ăn uống.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng sinh hoạt chung trong một gia đình, nếu có người mắc bệnh, rất khó tránh khỏi lây nhiễm.

Cẩn trọng trong các sinh hoạt là cần thiết nhưng nếu một người có các dấu hiệu nhiễm bệnh virus Corona như Bộ Y tế khuyến cáo cần tới các bệnh viện, phòng khám để cách ly theo dõi. Cẩn trọng, cách ly người bệnh đúng cách, vệ sinh sạch sẽ…, khả năng bị nhiễm virus sẽ rất thấp.

Những người được xác định mắc bệnh truyền nhiễm như lao, bệnh lây qua đường nước bọt như viruts cúm AH5N1... Các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như kiết lỵ, tả... cần ăn cơm riêng và có dụng cụ riêng biệt, đến khi nào khỏi bệnh mới được ăn chung cùng mâm. BS Hoàng Xuân Đại

Nhật Phong

Mạng Y Tế
Nguồn: Giáo dục thời đại (https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/mac-benh-tu-nhung-thoi-quen-thuong-ngay-4069381-b.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY