Tâm sự hôm nay

Mạo hiểm và... nguy hiểm

Hiện nay, hầu hết các công viên, khu vui chơi cho thanh, thiếu niên, nhi đồng đều có các dịch vụ kinh doanh (KD) trò chơi.
Hiện nay, hầu hết các công viên, khu vui chơi cho thanh, thiếu niên, nhi đồng đều có các dịch vụ kinh doanh (KD) trò chơi. Đáng chú ý, trong số đó là những trò chơi cảm giác mạnh, mạo hiểm luôn được ưa thích. Đã từ lâu, người dân vẫn vui chơi nhưng vẫn gợn gợn một cảm giác không yên tâm bởi cái sự chỉ chăm chăm vào lợi nhuận mà “quên” an toàn cho người chơi của các chủ KD. Cho đến khi xảy ra vụ rơi toa tàu lượn làm 2 em nhỏ bị thương ở Cà Mau vừa qua, nhiều người chơi mới biết nỗi sợ ấy là thật chứ chẳng phải… “chuyện chơi”…

Chỉ thiếu khu vui chơi “miễn phí”, an toàn

Tại Hà Nội, nếu muốn tìm khu vui chơi miễn phí với thảm cỏ và không gian rộng thì hiếm chứ các khu thu tiền thì luôn sẵn. Khắp các công viên như Thủ Lệ, Thống Nhất, Vầng Trăng… đều có các trò chơi mạo hiểm kiểu đoàn tàu, rồng sắt, đu quay khổng lồ, chưa kể hàng loạt điểm vui chơi nhỏ lẻ khác do cá nhân, tổ chức dịch vụ mọc lên, len lỏi khắp các khu vực trong thành phố. Điểm chung nhất mà nhiều người có thể thấy bằng mắt thường là những đoàn tàu hoen gỉ, nhếch nhác, những đường ray xộc xệch, những tiếng ken két rợn người phát ra mỗi khi tàu lao vun vút. Tại nhiều điểm vui chơi, những toa xe, ghế ngồi làm bằng nhựa, gỗ, bánh xe sắt đầy dầu mỡ do để ngoài trời, không mái che nên lớp nhựa, gỗ mục dần, vật liệu sắt hoen gỉ. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn thản nhiên đưa con vào chơi. Nhiều bé mới chập chững biết đi cũng được phụ huynh đặt ngồi vào xe điện đụng. Có bé ngồi không vững, va mặt vào thanh chắn, khóc thét. Có nhân viên mải bán vé mà không chờ các em lên hết đã đóng cầu dao làm đu quay khiến có em trượt chân ngã nhào. Lại có cả những dịch vụ xe ôtô điện tự lái như ở Công viên Nghĩa Đô đã chiếm cả một khu sân chơi, những chiếc xe ọp ẹp mất điều khiển có lần còn nghiến cả vào chân người đi dạo, đâm rầm rầm vào vỉa hè công viên.

Không thể không kể những khu nhà hơi, từ trẻ mới biết bò đến những thiếu niên 14-15 tuổi cùng nhún nhảy vô tư. Không ít bé té lộn nhào khi bị những em lớn hơn trượt từ trên cao xuống. Rồi khu nhà bóng, những quả bóng bụi bặm bám đầy, các em bé cứ thế chui xuống đáy để nghịch ngợm, bóng che hết bên trên và nhiều em đứng trên thành nhà nhảy xuống vô tình đạp cả vào mặt, vào đầu… hết sức nguy hiểm.

Vậy tại sao trẻ em vẫn cứ ham chơi những trò này, đơn giản là vì các bậc phụ huynh không có lựa chọn, trẻ em chỉ biết có thế mà thôi, đi đâu cũng vẫn như vậy. Vả lại, những khu vui chơi cao cấp ở các trung tâm thương mại thì giá lại khá đắt đỏ và hầu hết diễn ra trong nhà khiến nhiều phụ huynh cảm thấy bất tiện.

Cần gắn trách nhiệm chủ kinh doanh và kiểm định

Theo tìm hiểu được biết, để đầu tư một khu với các trò cơ bản như thú nhún, xe lửa, máy bay đảo, nhà phao, xe điện đụng, đu quay ngựa… mất chừng 300-400 triệu đồng. Chỉ cần một vị trí đẹp, chẳng bao lâu là lấy lại vốn. Còn nếu mức đầu tư thấp hơn thì chỉ cần một nửa số trên. Chính việc đơn giản hóa và thiếu điểm vui chơi đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cá nhân, tổ chức không chuyên nghiệp tham gia mở dịch vụ. Nhiều điểm còn tận dụng cả khu sinh hoạt chung của dân cư hoặc nhà văn hóa… để mở, lấy cớ rằng phục vụ trẻ em khu vực.

Tuy nhiên, không mấy chủ trò chơi tuân thủ đúng theo các quy định về kiểm định, việc thanh kiểm tra những khu vực này cũng không triệt để. Theo quy định, máy trò chơi dành cho trẻ em thuộc hai thông số sau đây bắt buộc kiểm định an toàn trước khi đưa vào hoạt động KD: Máy trò chơi dành cho trẻ em có vận tốc chuyển động trên 3m/giây. Máy trò chơi dành cho trẻ em đưa người lên cao từ 2m trở lên và tốc độ di chuyển của người là từ 3m/giây. Ngoài ra, những loại máy trò chơi dành cho trẻ em sử dụng điện như tàu lượn, đĩa đảo chiều, tàu lửa chạy trên thanh ray bằng sắt... trước khi đưa vào sử dụng kinh doanh thì chủ cơ sở phải tiến hành kiểm định an toàn về điện cho những thiết bị này. Nhân viên kiểm định sẽ kiểm tra về hệ thống điện trở tiếp đất, đo chỉ số điện trở tiếp đất, kiểm tra trị số an toàn về điện khi máy vận hành không xảy ra giật điện. Trong quá trình sử dụng những loại máy này, chủ cơ sở phải kiểm tra định kỳ an toàn về điện, kỹ thuật.

Đại diện các khu vui chơi, công viên đều cho biết, ngoài việc kiểm tra định kỳ, cơ quan quản lý yêu cầu các hộ KD và đơn vị khai thác trò chơi cảm giác mạnh cam kết bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người chơi. Vấn đề là cam kết, nhưng khi xảy ra chuyện thì những cái cam kết bằng văn bản của các ông bà chủ chỉ biết có tiền liệu có đền được tính mạng cho các em, đặc biệt khi họ là những cá nhân hoặc công ty tư nhân thuê đất để tổ chức KD.

Thiết nghĩ, cần quy định ngoài việc bồi thường toàn bộ cho những T*i n*n tại các khu vui chơi của chủ KD, các đơn vị kiểm định cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường nếu có lỗi của mình. Và quan trọng hơn, chính những bậc phụ huynh, các em thanh thiếu niên cũng cần cân nhắc trước khi tham gia những trò chơi nguy hiểm này.

Hữu Dũng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mao-hiem-va-nguy-hiem-8737.html)

Chủ đề liên quan:

mạo hiểm nguy hiểm

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY