Bạn nên biết hôm nay

Mất trí do suy sụp chức năng trí tuệ

Mất trí là một hội chứng bệnh lý về não gây ảnh hưởng nhiều chức năng cao cấp của vỏ não như: suy giảm trí nhớ, tư duy, định hướng, nhận biết ngôn ngữ, phán đoán các năng lực học tập, xã hội nhưng ý thức không bị rối loạn.
Sự suy giảm này thường tiến triển theo thời gian và khó hồi phục, gây suy sụp đáng kể chức năng trí tuệ cũng như các vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, người bị mất trí, đặc biệt là người cao tuổi, cần được quản lý và điều trị phù hợp để hạn chế những hậu quả xấu.

Nguyên nhân và biểu hiện bệnh lý lâm sàng

mất trí có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị mắc bệnh Alzheimer, bệnh lý mạch máu não, chấn thương sọ não, u não, bệnh nội tiết và những trạng thái khác tác động nguyên phát hay thứ phát lên não bộ. Các nhà khoa học cho rằng có khoảng 15% những trường hợp mất trí là do các bệnh lý cơ năng và có thể điều trị được nếu phát hiện sớm trước khi xuất hiện các tổn thương não không hồi phục.

Bệnh lý lâm sàng ở những người mất trí thường được biểu hiện triệu chứng suy giảm trí nhớ, suy giảm các khả năng hoạt động nhận thức khác, giảm hoặc mất khả năng hoạt động nghề nghiệp và giao tiếp xã hội; đồng thời đi kèm những triệu chứng bệnh lý loạn thần, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...

Suy giảm trí nhớ: triệu chứng này xuất hiện sớm, đặc trưng và nổi bật. Chúng có thể xuất hiện cấp diễn trong chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não. Trong các bệnh lý thoái triển khác, suy giảm trí nhớ thường xuất hiện từ từ nhưng có khả năng tiến triển ngày càng nặng. Lúc đầu người bệnh khó ghi nhận được các thông tin mới, cảm thấy khó khăn hơn khi phải tiếp thu nhiều kích thích cùng một lúc, khi phải trò chuyện với nhiều người và khi chuyển sự tập trung chú ý từ chủ đề này sang chủ đề khác. Bệnh nhân dễ quên các sự việc diễn ra trong vài ngày hoặc vài tháng trước. Những trường hợp tiến triển nặng thêm sẽ dẫn đến tình trạng quên các kiến thức, thao tác nghề nghiệp rồi dần dần quên tên bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, con cháu, người thân... Tuy vậy, các sự kiện có liên quan đến những kỷ niệm về bản thân, những cái đã học từ thuở thơ ấu như: đọc, viết, tính toán... thì vẫn còn duy trì được cho đến gần giai đoạn cuối của bệnh. Trên thực tế, có thể do tình trạng quên nên trong khi nói chuyện với bác sĩ thì bệnh nhân thường có các dấu hiệu hay biểu hiện quay đầu lại nhìn người thân sau mỗi câu hỏi của bác sĩ; hay cười trừ không trả lời, tránh né các chủ đề mà mình quên hoặc bịa ra các chi tiết khác.

Suy giảm các khả năng hoạt động nhận thức khác: được biểu hiện với bệnh lý vong ngôn, vong tri, vong hành và suy giảm một số năng lực khác. Vong ngôn với triệu chứng thường gặp là nói lặp từ, nói định hình, nói gián tiếp, lời nói mơ hồ, khó khăn trong việc tìm từ, gọi tên đồ vật...; trong thường hợp nặng có thể mất khả năng nhận thức và đáp ứng bằng ngôn ngữ. Vong tri với triệu chứng suy giảm hoặc mất khả năng nhận ra và gọi tên các đồ vật cũng như các đối tượng quen thuộc. Vong hành với triệu chứng không thể làm được các thao tác trong công việc hàng ngày, không vẽ lại được một hình vẽ theo yêu cầu; khó khăn trong việc mặc quần áo, đi giày, chải tóc, tắm rửa, vệ sinh cá nhân, tiểu tiện, đại tiện và một số kỹ năng sống thường ngày. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị suy giảm khả năng tư duy trừu tượng, khả năng sáng tạo, lập kế hoạch hành động; mất khả năng phối hợp, điều hành các hành vi, thực hiện các hoạt động phức tạp trong cuộc sống thường nhật.

Giảm hoặc mất khả năng hoạt động nghề nghiệp và giao tiếp xã hội: đây là hậu quả của tình trạng suy giảm trí nhớ và các hoạt động nhận thức đã nêu trên. Người bị mất trí không có khả năng lao động nghề nghiệp và sinh hoạt giao tiếp với xã hội một cách bình thường, trở thành một gánh nặng cho cả gia đình và cộng đồng.

Các triệu chứng khác đi kèm: gồm triệu chứng loạn thần, rối loạn cảm xúc, rối loạn hành vi...

Các triệu chứng loạn thần với trạng thái hoang tưởng thường gặp, sau đó đến ảo giác. Mọi hoang tưởng đều có thể gặp trong nhiều trường hợp nhưng phổ biến nhất là các hoang tưởng do bị thiệt hại, bị mất mát của cải, bị hành xóm chiếm đoạt; hoang tưởng do ghen tuông... Những hoang tưởng này thường xảy ra không có hệ thống, chỉ lẻ tẻ và nhất thời. Trạng thái tri giác sai thực tại cũng thường hay gặp, nhất là ở những bệnh nhân mất trí Alzheimer. Bệnh nhân cảm thấy như có người lạ ở trong nhà mình, không nhận ra chính bản thân mình khi soi gương; đối xử với các nhân vật khi xem trên truyền hình như người trong cuộc sống thực tại.

Các rối loạn cảm xúc thường gặp là chứng trầm cảm, chiếm khoảng 25% ở các bệnh nhân bị mất trí. Tuy vậy nhưng còn có thể thấy cảm xúc dao động, bàng quan, dễ bị kích thích, cáu giận, có cơn kêu khóc qua đêm.

Các rối loạn hành vi là triệu chứng gây phiền hà nhất ở những bệnh nhân mất trí. Các biểu hiện có thể từ hành vi thô bạo, không quan tâm đến hậu quả cả các hành vi mà họ gây ra đối với người khác đến các hành vi cóp nhặt bẩn thỉu, các hành vi thù địch đối với người thân và người chăm sóc cho họ; sau đó đến các các biểu hiện kích động, đi lang thang... Ở giai đoạn nặng, bệnh nhân sẽ bị rối loạn chu kỳ giấc ngủ, có thể có các cơn co giật kiểu động kinh, có dáng điệu đờ đẫn hoặc nằm một chỗ với tư thế của thai nhi.

Dấu hiệu cảnh báo để phát hiện chứng mất trí

Với các biểu hiện bệnh lý lâm sàng đã được nêu ở trên, các bác sĩ khuyến cáo nếu phát hiện chính bản thân mình hay người thân quen có bất kỳ một dấu hiệu nào trong số những dấu hiệu bệnh lý xảy ra được phát hiện thì phải cảnh báo; không nên coi thường, xem nhẹ, bỏ qua mà nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám, kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo để phát hiện chứng mất trí bao gồm:

Suy giảm trí nhớ là triệu chứng khá phổ biến thường gặp ở những người bị chứng bệnh mất trí. Đối với những người mắc chứng hay quên thông thường có thể quên tên một người nào đó đang nói chuyện với mình nhưng vẫn nhận ra người đang nói chuyện với mình là người quen. Trái lại đối với người bị mắc chứng bệnh mất trí thì quên luôn tên người đang nói chuyện với mình và cả môi trường, khung cảnh.

Thực hiện những việc quen thuộc một cách khó khăn nên khó hoàn thành được các công việc đơn giản hàng ngày như: bối rối khi mặc quần áo, chuẩn bị bữa ăn, lúc ăn uống hay gọi điện thoại...

Gặp phải khó khăn về thể hiện ngôn ngữ: khó tìm ra từ ngữ thích hợp khi nói chuyện, thường quên những từ đơn giản hoặc sử dụng từ thay thế khác lạ khiến lời nói hoặc câu chữ viết trở nên khó hiểu. Đối với bản thân những người bình thường thỉnh thoảng cũng có thể khó tìm ra từ thích hợp khi nói chuyện trong một số trường hợp.

Mất phương hướng về thời gian và địa điểm với biểu hiện quên cả những nơi quen thuộc như con đường và nhà mình đang ở, nơi đi và nơi đến; không biết đi bằng cách nào và trở về nhà bằng cách nào; đồng thời có thể có hiện tượng nhầm lẫn giữa ngày và đêm. Ngay cả người bình thường đôi khi cũng có thể có hiện tượng quên ngày thứ trong tuần, thậm chí cả số điện thoại, địa chỉ số nhà đang ở.

Khả năng nhận xét, đánh giá kém nên có thể ăn mặc khác thường như: mặc nhiều quần áo vào những ngày nắng nóng nhưng lại mặc ít áo quần vào những ngày lạnh rét.

Không có khả năng tập trung chú ý nên cảm thấy rất khó khăn để theo dõi một cuộc trò chuyện hoặc không hề quan tâm đến việc thanh toán, trả tiền với hóa đơn bán hàng.

Đặt vật dụng hàng ngày sai chỗ ở những nơi bất thường như: đặt bàn ủi điện trong tủ lạnh hoặc để đồng hồ đeo tay trong lọ đường. Đối với người bình thường đôi khi cũng có hiện tượng đặt vật dụng sai chỗ như: có thể để ví đựng tiền hoặc chìa khóa nhà ở nơi không đúng chỗ nhưng đây chỉ là hiện tượng tạm thời.

Thay đổi tâm trạng hoặc hành vi một cách bất thường mà không có lý do rõ ràng, đồng thời cũng ít biểu lộ cảm xúc hơn trước; trong khi đó người bình thường thỉnh thoảng có thể thay đổi từ trạng thái buồn bã sang ủ dột.

Thay đổi tính cách như có vẻ khác thường trong cách cư xử của chính bản thân mình so với mọi khi, có thể có tình trạng hay nghi ngờ người khác; trở nên khó chịu, chán nản, thờ ơ, lo lắng hoặc bị kích động, đặc biệt trong các tình huống mà những vấn đề về bộ nhớ gặp trở ngại.

Tình trạng thụ động có thể xảy ra trong sinh hoạt như: xem truyền hình hàng giờ không biết chán, ngủ nhiều hơn bình thường hoặc không thực hiện những hoạt động bình thường hàng ngày; trong khi đó thì người bình thường hay bị mệt mỏi vì việc nhà, lao động, kinh doanh hay công việc khác.

Quản lý và điều trị người mất trí

Người mất trí cần được gia đình quản lý và điều trị một cách phù hợp theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Khi phát hiện người thân có các biểu hiện bất thường, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bác sĩ chuyên khoa để được khám xét toàn diện, tìm ra nguyên nhân gây mất trí và áp dụng các biện pháp trị liệu đặc hiệu.

Nguyên tắc chung của việc điều trị là đánh giá được mức độ mất trí, nhất là khả năng sống độc lập của bệnh nhân; từ đó đưa ra kế hoạch điều trị, chăm sóc hợp lý về cả cơ thể lẫn tâm thần. Đặc biệt là chế độ chăm sóc, quản lý bệnh nhân tại gia đình theo quy định. Đối với các triệu chứng loạn thần, rối loạn hành vi; cần cân nhắc sử dụng Thu*c an thần kinh, chống trầm cảm, giải lo âu nhưng phải lưu ý khả năng dung nạp Thu*c kém của người bệnh và những tác dụng phụ của Thu*c. Theo các nhà khoa học, một số Thu*c được xem có tác dụng duy trì trí nhớ và khả năng nhận thức là những loại Thu*c dinh dưỡng thần kinh, tăng cường chuyển hóa, tuần hoàn não; đặc biệt là các Thu*c tác dụng trên hệ thần kinh cholinergic trong điều trị bệnh Alzheimer như: tacrin, donepezel, rivastigulin...

Các nhà khoa học ghi nhận chứng mất trí xảy ra phổ biến ở những người trên 65 tuổi, nhưng trong thực tế chúng vẫn có thể gặp ở những người trẻ hơn từ 30 - 50 tuổi.

Chú thích ảnh:

Bệnh lý lâm sàng ở những người mất trí thường được biểu hiện triệu chứng suy giảm trí nhớ

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-mat-tri-do-suy-sup-chuc-nang-tri-tue-9785.html)

Tin cùng nội dung

  • Sa sút trí tuệ là căn bệnh gồm nhiều triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng đến trí tuệ và năng lực xã hội. Giảm trí nhớ rất hay gặp trong sa sút trí tuệ
  • Tài liệu hướng dẫn phục hồi chức năng bệnh Parkinson
  • Đo chức năng thận bằng xét nghiệm máu thường quy là một trong những xét nghiệm thường được thực hiện.
  • Đo hô hấp ký là xét nghiệm giúp chẩn đoán các tình trạng bệnh lý của phổi, phổ biến nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Ngoài ra đo hô hấp ký được dùng để theo dõi mức độ nghiêm trọng của một số bệnh lý về phổi, cũng như theo dõi đáp ứng hiệu quả điểu trị.
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp là xét nghiệm máu giúp kiểm tra chức năng tuyến giáp. Các xét nghiệm này chủ yếu được sử dụng để phát hiện suy giáp (thiểu năng tuyến giáp hay còn gọi là nhược giáp) và cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức).
  • Tài liệu này đựơc biên soạn tiếp theo Tài liệu hướng dẫn tập vận động cho bệnh nhân yếu nửa người giai đoạn sớm, nhằm mục đích cung cấp cho bệnh nhân và người nhà những thông tin cần thiết cũng như cách tập luyện tại nhà sau khi bệnh nhân được xuất viện
  • Thay vì bán thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) riêng lẻ, nay người dân muốn mua BHYT phải mua theo hộ gia đình.
  • Sứa và các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. nhưng tác dụng chữa bệnh của con sứa thì nhiều người còn chưa biết.
  • Kế hoạch hóa gia đình theo phương pháp tự nhiên là phương pháp xác định thời điểm có thể quan hệ T*nh d*c mà không thể có thai
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY