Mẹ đã cách ly, sao con vẫn bị thủy đậu?
Bệnh thủy đậu lây chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì dịch tiết bắn ra, nếu người khác hít phải dịch tiết này sẽ nhiễm bệnh.
Bé Nguyễn Thị Hoài N, 2 tháng tuổi, nhà ở xã Thiện Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, được mẹ bồng đến bệnh viện khám vì nổi bóng nước toàn thân. Mẹ cháu kể cách lúc nhập viện nửa tháng mẹ bị thủy đậu, sợ lây cho con nên đã cách ly với con, không cho bú, nhưng hôm nay cháu vẫn bị lây. Bác sĩ giải thích: có thể bé đã bị nhiễm virút thủy đậu trong giai đoạn mẹ đã mắc bệnh trước khi nổi bóng nước hai ba ngày mà mẹ không biết.
Bệnh thủy đậu lây chủ yếu lây qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện thì dịch tiết bắn ra, nếu người khác hít phải dịch tiết này sẽ nhiễm bệnh. Thủy đậu cũng có thể lây nhiễm gián tiếp khi người lành tiếp xúc với mụn nước đã bị vỡ ra, hoặc các vết loét trên da người mắc bệnh. Phần lớn bị lây ở giai đoạn ủ bệnh, trước khi người bệnh nổi bóng nước 2 - 3 ngày, sau đó kéo dài 2 - 3 tuần.
Khi mẹ đang cho con bú mà mắc bệnh thủy đậu thì mẹ cần phải cách ly với con, nhưng không nên ngưng cho bú sữa mẹ, vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng chính cho trẻ sơ sinh, đồng thời có nhiều kháng thể chống lại bệnh tật, mẹ mắc bệnh thủy đậu thì trong sữa có cả kháng thể chống bệnh thủy đậu nữa. Virút thủy đậu không truyền qua sữa mẹ. Để mẹ vừa cách ly với con mà vẫn cho con bú sữa mẹ bằng cách: bà mẹ thường xuyên mang khẩu trang, không tiếp xúc trực tiếp với bé, không ôm ấp, dỗ dành; hãy vắt sữa ra ly rồi nhờ người khác mang đến cho bé bú, bú bằng muỗng vệ sinh hơn là bú bằng bình. Tuy nhiên, khi cả hai mẹ con đều bị thủy đậu thì không cần phải cách ly.
Đề phòng bệnh thủy đậu cho trẻ sơ sinh, quan trọng nhất là các bà mẹ nên chích ngừa thủy đậu trước khi mang thai từ 3 - 6 tháng. Mẹ được chích ngừa sẽ phòng bệnh cho mẹ và phòng bệnh cho cả con mình, vì kháng thể chống virút thủy đậu của mẹ sẽ theo đường máu vào nhau thai và cả theo đường sữa vào cơ thể bé, bảo vệ bé trong 12 tháng đầu đời. Bà mẹ mang thai mà mắc bệnh thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ, virút sẽ qua nhau thai rồi gây rối loạn sự phát triển của thai nhi như: thai chậm phát triển, dị dạng, đa dị tật ở tim, mắt, đầu nhỏ, bại não, sảy thai …Nếu mẹ mắc bệnh lúc gần sinh thì bé sinh ra có thể sẽ bị thủy đậu toàn thân, như: nổi bóng nước khắp người, bội nhiễm ở phổi, não, màng não, nặng nhất có thể Tu vong.
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-me-da-cach-ly-sao-con-van-bi-thuy-dau-16187.html)