Khánh Anh (thứ 2 từ trái qua) và Minh Đức (thứ hai từ phải qua) trình bày mũ bảo vệ đường hô hấp giúp cách ly y tế di động tại hội thảo ngày 3-7-2020 ở Hà Nội do UNDP và CIEM tổ chức - Ảnh: UNDP
Tại Hội thảo Chính sách đổi mới sáng tạo bao trùm của Việt Nam: Chiến lược thiết kế và thực thi chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) trong giai đoạn phát triển tiếp theo do UNDP và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội ngày 3-7, UNDP đã giới thiệu sáng chế mũ bảo vệ đường hô hấp sau khi cơ quan này tiếp nhận thông tin về sản phẩm này từ hai bạn trẻ Việt Nam.
Sáng chế được UNDP chọn giới thiệu trong hội thảo là thiết bị mũ bảo vệ đường hô hấp, thiết bị cách ly y tế di động giúp người đeo vừa phòng ngừa nhiễm/lây bệnh cho người khác trong khi vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung 14 ngày như quy định.
Mũ cách ly di động là ý tưởng sáng tạo của hai bạn trẻ Đỗ Trọng Minh Đức, học sinh lớp 11 trường Montverde Academy (Mỹ) và Trần Nguyễn Khánh An, học sinh lớp 8 trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy.
Mới đây, nhờ sự hỗ trợ của đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, Minh Đức và một số du học sinh dưới 18 tuổi đã được ưu tiên trở về Việt Nam tránh dịch trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến căng thẳng tại Mỹ.
Minh Đức và Khánh An ôm hai hộp đựng mô hình mẫu mũ Vihelm tới Bộ Y tế để xin thêm ý kiến của các chuyên gia về sản phẩm do hai bạn phát minh - Ảnh: NVCC
Ý tưởng sáng chế của Đức và An ra đời từ việc giải quyết một "đề bài" được các thầy cô hướng dẫn giao cho - là tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người tiêu dùng trong bối cảnh có thể cuộc chiến với dịch COVID-19 còn kéo dài.
Sau rất nhiều nỗ lực tìm tòi, hai bạn đã hoàn thành xong mô hình đầu tiên của chiếc mũ có tên Vihelm. Theo các bạn, "Vihelm" là lấy tên viết tắt tiếng Anh của sáng chế, trong đó "Vi" là "Việt Nam" còn "Helm" là "Mũ", theo đó "Vihelm" là "mũ chống dịch của Việt Nam".
Ý tưởng và những sáng tạo mới của sản phẩm này đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục sở hữu trí tuệ trong tháng 6 vừa qua và còn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới.
Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc virus khiến virus không thể lây xuyên qua mũ bảo hộ trong khi đội.
Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong do đó không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.
Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên là PAPR (PAPR - powered air-purifying respirator) - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99.
Tuy nhiên PAPR có nhược điểm lớn như phân tích của Bộ Y tế Hoa Kỳ là không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh.
Minh Đức và Khánh An trình bày về thiết bị cách ly di động tại - Ảnh: NVCC
Để khắc phục nhược điểm của PAPR, Đức và An gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài.
Nhờ đó người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong suốt một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Thậm chí họ còn có thể ăn uống các thức ăn chứa trong mũ để có thể làm việc cả ngày trong trạng thái dễ chịu.
Nói chung người dùng mũ có thể làm việc bình thường với nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9% theo như đánh giá thử nghiệm của nhóm nghiên cứu, phát triển.
Hiện tại mũ Vihelm vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục cải tiến, hoàn thiện hơn nữa cả về công năng cũng như thẩm mỹ, tính tiện lợi.
Nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm cũng đang tìm kiếm các chuyên gia hỗ trợ về ý tưởng vật liệu cũng như đầu tư tài chính để có được chiếc mũ Vihelm ở phiên bản hoàn chỉnh nhất.
Hai tác giả Đức và An đã đăng ký sản phẩm này dự thi ở cuộc thi sáng chế quốc tế có tên ICAN do Mỹ và Canada đồng tổ chức.
Chiếc mũ "cách ly" kèm găng tay giúp bảo vệ đường hô hấp khỏi môi trường bên ngoài - Ảnh: VILHELM
Chiếc mũ cho phép người đội giữ được sự thoải mái trong thời gian dài - Ảnh: VILHELM
Hiện hai bạn trẻ đang tiếp tục hoàn thiện mũ để nó tối ưu hơn - Ảnh: VILHELM
TTO - Khi việc đeo khẩu trang trở thành chuẩn mực trong bối cảnh đại dịch, startup Donut Robotics của Nhật Bản đã phát triển một loại khẩu trang thông minh có kết nối với điện thoại và dịch từ tiếng Nhật sang tám ngôn ngữ khác.
D. KIM THOA