Một loại vắc-xin thử nghiệm ngừa Covid-19 do công ty công nghệ sinh học Moderna sản xuất đã cho kết quả khả quan trong việc kích hoạt miễn dịch ngăn ngừa virus nCoV và đảm bảo an toàn cho 45 người đầu tiên được tiêm chủng, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu vào hôm thứ ba (14/7) trên Tạp chí Y học New England.
Vắc-xin của công ty Moderna được phát triển bởi các nhà nghiên cứu tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ là vắc-xin phòng ngừa Covid-19 đầu tiên được thử nghiệm trên người và công ty này đã công bố vào hôm thứ ba rằng các thử nghiệm trong Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu vào ngày 27/7 với sự tham gia của 30.000 người tình nguyện.
Một nửa số người tham gia thử nghiệm vắc-xin sẽ là một nhóm được cho dùng giả dược và được kiểm soát.
Ted S. Warren/Associated Press
Thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn này dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10. Nhưng không rõ liệu có thể chứng minh vắc-xin này có an toàn và hiệu quả vào lúc đó hay không. Thử nghiệm sẽ cần phải chỉ ra rằng những người được tiêm vắc-xin có khả năng nhiễm virus ít hơn đáng kể so với những người dùng giả dược.
Cách nhanh nhất để có kết quả là thử nghiệm vắc-xin tại một điểm nóng của dịch bệnh với nhiều trường hợp mắc và nghiên cứu sẽ khảo sát những người có nguy cơ cao vì vị trí hoặc hoàn cảnh sinh sống của họ.
Vắc-xin và những phương pháp điều trị cải tiến là hy vọng duy nhất để đưa cuộc sống của chúng ta trở lại gần như bình thường. Hàng chục công ty đang chạy đua để phát triển vắc-xin. Các chuyên gia đồng ý rằng sẽ cần nhiều hơn một loại vắc-xin, bởi không một công ty nào có thể sản xuất hàng tỷ liều cần thiết.
Bác sĩ Angela Rasmussen, một nhà virus học tại Đại học Columbia ở New York cho biết: "Không ai trong chúng ta an toàn trừ khi tất cả chúng ta đều an toàn". "Không chỉ chúng ta. Mà đó là tất cả mọi người trên thế giới."
Vắc-xin của công ty Moderna sử dụng vật liệu di truyền từ virus gọi là mRNA, để thúc đẩy hệ thống miễn dịch chống lại virus Corona. Báo cáo hôm 14/7 đã xác nhận và cung cấp thông tin chi tiết về những phát hiện mà công ty này đã công bố vào ngày 18/5 trong một thông cáo báo chí bị chỉ trích vì thiếu số liệu.
Công ty Moderna tự bào chữa rằng vào thời điểm đó, chia sẻ thông tin với tư cách là một công ty đại chúng, họ có nghĩa vụ pháp lý phải tiết lộ kết quả có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của mình và dữ liệu thực tế sẽ được công bố sau đó.
Giai đoạn 1 của nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin liều thấp, trung bình và cao và để đánh giá mức độ an toàn và khả năng tạo miễn dịch của chúng đối với vi-rút. Nhóm đối tượng tham gia thử nghiệm vắc-xin gồm 45 người trưởng thành khỏe mạnh, tuổi từ 18 đến 55, được tiêm hai mũi cách nhau 28 ngày.
Sau mũi tiêm thứ hai, tất cả những người tham gia thử nghiệm đã phát triển kháng thể trung hòa, có thể làm bất hoạt virus trong các thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Lượng kháng thể do vắc-xin này tạo ra cao tương đương với lượng kháng thể trong người những bệnh nhân đã hồi phục sau khi bị nhiễm virus nCoV. Vắc-xin cũng tạo ra một phản ứng thuận lợi liên quan đến các tế bào T, một phần khác của hệ thống miễn dịch.
Bác sĩ Kizzmekia S. Corbett, một nhà miễn dịch virus học và là người đứng đầu một nhóm phát triển vắc-xin tại viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm bày tỏ: "Nó vượt mọi mong đợi!"
Hơn một nửa số người tham thử nghiệm gia mắc tác dụng phụ của vắc-xin, như mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ và đau tại chỗ tiêm. Một số khác bị sốt. Một người bị phát ban mức độ nhẹ và đã rút khỏi nghiên cứu. Không có tác dụng phụ nào được xem là đáng nghiêm trọng!
Các chuyên gia không tham gia vào nghiên cứu cho biết kết quả rất đáng khích lệ nhưng dường như còn quá sớm để kết luận điều gì. Bác sĩ Rasmussen cho biết: "Bạn có kháng thể không có nghĩa là bạn hoàn toàn miễn dịch với virus."
Nữ bác sĩ này cho hay, một loại vắc-xin có thể không hoàn toàn ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng nó có thể làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn. "Nếu phải lựa chọn giữa cảm lạnh và phải thở máy thì tôi sẽ chọn bị cảm lạnh", cô chia sẻ.
Tiến sĩ Paul Offit, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Pennsylvania và Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, nói rằng các kháng thể trung hòa và các phản ứng miễn dịch khác là một dấu hiệu tốt, nhưng vẫn chưa biết liệu chúng có thực sự bảo vệ và giúp chúng ta chống lại virus hay không hoặc chúng sẽ có tác dụng trong bao lâu.
Theo ông, các tác dụng phụ là một "cái giá hời" phải trả cho việc bảo vệ và chống lại một căn bệnh nghiêm trọng, mặc dù sốt có thể là điều gây lo ngại khi vắc-xin được tiêm cho một số lượng lớn người.
"Bạn luôn lo lắng rằng sốt, đặc biệt là sốt cao, có thể dẫn đến những vấn đề khác", bác sĩ Offit cho biết, thêm vào đó, một nghiên cứu có kiểm soát lớn mới có thể xác định liệu vắc-xin có thực sự an toàn và hiệu quả hay không.
Nguồn: New York Times