Theo đó, sẽ có 5 trường hợp được thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc để chẩn đoán và điều trị cho người bệnh gồm: người hiến mô, bộ phận cơ thể người; người nhận mô, bộ phận cơ thể người; người cho tinh trùng, noãn; người nhận tinh trùng, noãn, phôi; người bệnh đã được khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm HIV theo quy định.
Việc xét nghiệm HIV bắt buộc để chẩn đoán và điều trị phải được tư vấn trước và sau xét nghiệm HIV theo các quy định tại Điều 26 Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và các văn bản quy phạm khác có liên quan.
Thông tư cũng quy định cụ thể về kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV bắt buộc. Trường hợp người hiến mô, bộ phận cơ thể người, người cho tinh trùng, noãn đã có người nhận thì chi phí xét nghiệm HIV của người hiến do cơ sở nhận mô, bộ phận cơ thể người hoặc nhận tinh trùng, noãn chi trả. Sau đó được tính vào chi phí khám chữa bệnh cho người nhận tinh trùng, noãn.
Trường hợp người hiến chưa có người nhận thì chi phí xét nghiệm HIV của người hiến do cơ sở nhận mô, bộ phận cơ thể người hoặc nhận tinh trùng, noãn chi trả. Sau đó được tính vào giá dịch vụ ghép mô, bộ phận hoặc giá dịch vụ thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản của cơ sở đó theo nguyên tắc bảo đảm lấy thu bù chi.
Đối với các trường hợp là người nhận mô, bộ phận cơ thể người; người nhận tinh trùng, noãn, phôi và người bệnh đã được khám lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng nhưng không phát hiện được nguyên nhân gây bệnh hoặc có các triệu chứng lâm sàng nghi ngờ nhiễm HIV theo các quy định thì nếu người được xét nghiệm HIV có thẻ BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi quyền lợi được hưởng.
Trường hợp người được xét nghiệm HIV không có thẻ BHYT thì chi phí xét nghiệm HIV do người được xét nghiệm tự chi trả theo chế độ viện phí hiện hành.
Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/10/2011.